* Thêm 61 ca lây trong cộng đồng, phong tỏa một số khu vực
Ngày 30.1, Bộ Y tế cho biết vắc xin phòng Covid-19 của Hãng Astra Zeneca đã được Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế phê duyệt cấp phép lưu hành cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch tại Việt Nam.
Đây là vắc xin Covid-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Theo Bộ Y tế, Astra Zeneca (Anh - Thụy Điển) đã cam kết cung cấp cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều trong năm 2021. Đồng thời, Bộ Y tế vẫn tiếp tục làm việc với các đối tác để có thể tăng thêm số lượng vắc xin cho Việt Nam.
Đang lựa chọn các đối tượng tiêm
Dự kiến trong quý 1 năm nay, vắc xin của Astra Zeneca sẽ có mặt tại Việt Nam với khoảng 50.000 liều đầu tiên và được tiêm cho người dân. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chủ động, tích cực đàm phán với Pfizer, Moderna và một số nhà sản xuất khác để có thêm vắc xin cho Việt Nam.
Bộ Y tế cũng thông báo, trong nước hiện có 2 vắc xin Covid-19 “made in VN” bao gồm Nano covax của Công ty Nanogen, vắc xin Covivac của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) đang được thử nghiệm lâm sàng. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ, sát sao và yêu cầu các đơn vị chủ động, khẩn trương triển khai việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và tiến hành sản xuất để sớm có vắc xin phục vụ người dân.
Hiện tại, vắc xin Nano covax đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 ngay trong đầu tháng 2. Vắc xin Covivac của IVAC đã được khởi động thử nghiệm giai đoạn 1 ngày 21.1 và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 2 để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 trong tháng 3 năm nay. Các thử nghiệm nếu thuận lợi, năm 2022 Việt Nam sẽ có vắc xin Covid-19 “made in VN”, với công suất hàng chục triệu liều/năm.
Liên quan đến việc cung ứng, triển khai tiêm vắc xin Covid-19, một chuyên gia trong Hội đồng thẩm định cho hay Bộ Y tế đang lựa chọn các đối tượng tiêm. Theo chuyên gia này, để bảo vệ được cộng đồng, tỷ lệ tiêm cần đạt từ 60 - 70% người dân. “Do chúng ta chưa có nhiều, cần ưu tiên cho nhân viên y tế, đối tượng nguy cơ rất cao. Việc lựa chọn đối tượng tiêm, lứa tuổi tiêm còn phụ thuộc vào chỉ định của vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất và diễn biến dịch trong nước”, chuyên gia này nói.
Thông tin từ nhà nhập khẩu vắc xin Covid-19 cho hay hệ thống kho, dây chuyền lạnh bảo quản, phương tiện vận chuyển phân phối vắc xin đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đạt chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Y tế và nhà cung cấp, đảm bảo chất lượng vắc xin.
Tại cuộc họp chống dịch Covid-19 của TP.Hải Phòng ngày 29.1, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cho biết Hải Phòng sẽ sử dụng ngân sách TP và hỗ trợ của T.Ư để mua vắc xin Covid-19 tiêm cho hơn 2 triệu người dân. Ngày 30.1, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cho hay TP dự kiến mua vắc xin phòng Covid-19 của Nga với giá khoảng 10 USD/liều. Khi có vắc xin, TP sẽ tiêm cho mỗi người 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 21 ngày. Hải Phòng sẽ báo cáo Chính phủ việc mua vắc xin.
Chỉ có 0,5% các ca F1 tự khai báo y tế
Ngày 30.1, thông tin từ tổ truy vết các ca liên quan bệnh nhân (BN) Covid-19 cho biết từ 28.1 đến nay, hàng trăm người liên quan ca mắc Covid-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh đã được tiếp cận, hướng dẫn theo dõi y tế.
Ngay khi có thông tin về BN Covid-19 được phía Nhật Bản thông báo (là công nhân tại Hải Dương, nhập cảnh Nhật Bản), công tác truy vết đã khẩn trương triển khai, nhất là khi ghi nhận ca đầu tiên tại ổ dịch ở Công ty TNHH Poyun (TP.Chí Linh, Hải Dương).
Theo một chuyên gia, nhờ truy vết, đánh giá dịch, các chuyên gia dịch tễ nhận định ca F0 tại Công ty TNHH Poyun đã xuất hiện từ khoảng ngày 10.1 (18 ngày trước khi phát hiện, công bố BN đầu tiên ngày 28.1, là BN 1552, công nhân của công ty này). Trước khi BN 1552 được phát hiện, Công ty TNHH Poyun có nhiều hoạt động tập thể, nên đã có các ca lây nhiễm khác. Ca ban đầu mang chủng vi rút biến thể mới có thể là người nhập cảnh.
Theo Bộ Y tế, tại TP.Chí Linh, hầu hết các ca nhiễm đều là người làm trong Công ty TNHH Poyun. Công nhân các nhà máy gần công ty này và cư dân sống gần BN 1552 đều âm tính. “Vì vậy, đến hiện tại, chúng ta có thể xác định Công ty TNHH Poyun là tâm dịch của ổ dịch tại TP.Chí Linh”, một chuyên gia của tổ truy vết đánh giá.
Tuy nhiên, trong các ca F1 được phát hiện đợt này, chỉ có 0,5% tự khai báo; 99,5% không tự khai báo. Trong số các ca F0 được xác định, chỉ có 79% hợp tác, vẫn có đến 21% không hợp tác. Trong khi đó, ổ dịch Covid-19 tại TP.Chí Linh là lớn nhất và phức tạp nhất tại Việt Nam đến nay.
“Đây là cuộc chiến về thời gian, mọi người cần hợp tác phòng dịch, vì nhiều trường hợp F1 không hợp tác khi tổ truy vết liên lạc. Nếu không khai báo y tế thì truy vết vẫn tìm được, nhưng sẽ lỡ mất cơ hội khoanh vùng, cách ly sớm, có thể đã lây lan thêm”, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH-CN, Tổ trưởng tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19 thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho biết.
Theo ông Duy, sau 2 ca đầu tiên trong cộng đồng là BN 1552 (tại TP.Chí Linh) và 1553 (tại Vân Đồn, Quảng Ninh), trong 3 ngày qua, liên tục ghi nhận thêm các BN liên quan 2 ổ dịch trên, tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Gia Lai và sẽ có thêm các địa phương khác. Các BN mắc mới đều là những người sau khi tiếp xúc gần các BN liên quan ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh (trong các tình huống: tiếp xúc gần, cùng dự đám cưới, đi chung phương tiện giao thông).
Tại Quảng Ninh, sau khi phát hiện BN 1553 (nam nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn), Bộ Y tế cho biết đến 10 giờ ngày 30.1, toàn tỉnh đã truy vết được trên 23.600 trường hợp từ F1 đến F4 liên quan dịch tễ với các BN mắc và nghi mắc Covid-19, lấy mẫu được gần 6.700 trường hợp. Tổng số mẫu đã lấy là 6.690 trường hợp, trong đó F1 là 688; F2 là 2.804; F3 là 1.839; F4 là 1.359 trường hợp. Số mẫu đã thực hiện xét nghiệm là 4.670 trường hợp. Kết quả, có 18 ca dương tính, 2.401 âm tính và 2.251 ca đang chờ kết quả.
Như vậy, đến nay có 688/855 trường hợp F1 của Quảng Ninh đã âm tính với SARS-CoV-2. Tất cả các trường hợp rà soát, truy vết đều được cách ly tại các cơ sở y tế hoặc tại nhà theo đúng quy định.
Phong tỏa nhiều thôn, xóm
Tại Hải Dương, ngoài tâm dịch TP.Chí Linh, hàng loạt địa phương khác cũng được lệnh phong tỏa. Trong đó, thôn Quảng Tân (xã Nam Tân, H.Nam Sách) với khoảng 1.350 dân bị phong tỏa vì có ca F0. Tại TX.Kinh Môn, các xóm 8, 9, 10, 11 của thôn Kim Lôi cũng bị phong tỏa để phòng dịch bệnh lan rộng khi một cô gái được phát hiện là ca nhiễm mới. Chính quyền cũng tổ chức truy vết và phát hiện 46 trường hợp F1, 75 trường hợp F2 của BN này.
Tại TP.Hải Dương, một cô gái làm nghề trang điểm cô dâu cũng được xác định đã mắc Covid-19. Chính quyền đã phong tỏa tạm thời một đoạn phố có cửa hàng này và tổ chức tiêu độc, khử trùng. Tại H.Kim Thành, 7 hộ dân ở thôn Bằng Lai (xã Ngũ Phúc), 15 hộ tại thôn Phương Tân (xã Kim Liên), 7 hộ tại thôn Xuân Mang (xã Tuấn Việt) và 17 hộ tại xóm Chùa (TT.Phú Thái) đã bị phong tỏa, tự cách ly trong 21 ngày.
Thêm 61 ca lây trong cộng đồng* Phát hiện ca nhiễm chủng biến thể tại Nam Phi
Ngày 30.1, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo ghi nhận 62 BN Covid-19 mới, trong đó có 1 ca nhập cảnh tại TP.HCM, được cách ly ngay. 61 ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận tại Hải Dương (50 ca), Quảng Ninh (6 ca), Hà Nội (2 ca), Gia Lai (2 ca) và TP.HCM (1 ca). Đến 18 giờ ngày 30.1, tại các tỉnh, TP: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Gia Lai ghi nhận các BN Covid-19 có liên quan ca bệnh tại ổ dịch ở TP.Chí Linh (Hải Dương) và Vân Đồn (Quảng Ninh).
Cùng ngày, thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết các nhà khoa học của viện này đã lấy mẫu, xét nghiệm Covid-19 và giải trình tự gien vi rút SARS-CoV-2 trên các BN tại khu vực phía bắc, trong đó hầu hết là các ca nhập cảnh. Kết quả, đã xác định một BN nhiễm biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Nam Phi.
Liên Châu
|
Bình luận (0)