Việt Nam sắp có 'chiến lược quốc gia về CMCN 4.0'

Vũ Hân
Vũ Hân
08/11/2018 10:21 GMT+7

Năm 2019, Việt Nam sẽ ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 .

Cùng với việc thông qua các chỉ tiêu KT-XH 2019, sáng 8.11, Quốc hội cũng đã thông qua 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu kế hoạch.
Tiếp tục mở rộng diện miễn thị thực để phát triển du lịch
Nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường khả năng hoạch định chính sách, dự báo tình hình; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Thứ 2 là thực hiện tốt các chính sách đã đưa ra, trong đó kiên định mục tiêu đổi mới thể chế là đột phá quan trọng; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin; đẩy nhanh triển khai cao tốc Bắc- Nam, sân bay Long Thành và các dự án trọng điểm; quan tâm phát triển nguồn nhân lực.
Thứ 3 là thực hiện hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Trong nội dung này, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh du lịch, phát triển mạnh du lịch biển, đảo; mở rộng áp dụng thị thực điện tử và đơn phương miễn thị thực cho một số địa bàn trọng điểm.
Cùng với đó, Quốc hội đặt ra yêu cầu có chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổio mới sáng tạo, khởi nghiệp; ban hành chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xã hội hóa xây dựng hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ nghiên cứu phát triển.
Nội dung mở rộng miễn thị thực và ban hành chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là nội dung mới được bổ sung qua ý kiến của các vị ĐBQH thảo luận tại hội trường.
Thứ 4 là tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách; cơ cấu lại đầu tư công; đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục xây dựng thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh; sớm hình thành các trung tâm tài chính tại các khu đô thị lớn.
Sẽ không giao đất không qua đấu thầu
Thứ 5 là quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại nhóm giải pháp này, Quốc hội đặt yêu cầu nâng cao khả năng tiếp cận đất đai và hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai.
Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là ở các thành phố lớn và những địa phương mà nhân dân có nhiều bức xúc.
Kiểm soát chặt chẽ việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, nhất là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng.
Rà soát, chuyển đổi quy hoạch đất lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao hơn. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng. Thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. 
Thứ 6 là bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ và chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Tại nhóm nhiệm vụ này, Quốc hội cũng đã bổ sung yêu cầu chú trọng phát triển thị trường nhà ở cho thuê, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Thứ 7 là đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về khám bệnh, chữa bệnh, dự phòng và nâng cao sức khỏe nhân dân; xây dựng cơ chế tài chính y tế theo hướng tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm dần mức chi của người dân tham gia bảo hiểm y tế... Mở rộng phạm vi, danh mục đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế theo pháp luật về đấu thầu.
Nội dung “thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển” cũng đã được bổ sung vào nhóm giải pháp này.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu triển khai đúng hạn Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trong việc in, phát hành, sử dụng sách giáo khoa để chống độc quyền, tránh lãng phí; tổ chức các kỳ thi nghiêm túc, an toàn, chất lượng. Tiếp tục xử lý căn cơ vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ; rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tinh gọn, hiệu quả, chất lượng; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra....
Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình theo kết quả đầu ra.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực
Thứ 8 là tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc thiểu số. Tiếp tục duy trì thành tích, phấn đấu nâng cao thứ hạng của thể thao Việt Nam ở khu vực và châu lục.
Thứ 9 là thực hiện nghiêm việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình. Quyết liệt rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ 10 là tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy đàm phán, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Tăng cường thúc đẩy để đạt kết quả thực chất trong giải quyết các vấn đề biên giới trên biển và trên đất liền còn tồn đọng với các nước...
Trong nhóm nhiệm vụ này, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, tăng cường kỷ luật báo chí; cơ quan nhà nước chủ động cung cấp thông tin, nhất là tình hình kinh tế - xã hội, các cơ chế, chính sách mới cho cơ quan thông tấn, báo chí, nhằm tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.