Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), nếu trời đủ trong, bạn sẽ thấy rằng các sao băng thực ra không phải đều có màu như nhau, mà có khác biệt đôi chút. Sự khác biệt này tới từ thành phần hóa học chính ở bề mặt của nó, tức là thứ bốc cháy khi va chạm với khí quyển.
Theo đó, vì mỗi nguyên tố phát xạ bước sóng khác nhau khi bị làm nóng, chúng phát ra ánh sáng có màu khác nhau. Như vậy, dựa vào màu của sao băng, bạn có thể đoán được phần nào thành phần chính của thiên thạch gây ra nó.
"Dù vậy, cần lưu ý rằng hình ảnh bạn thấy ở đây không hoàn toàn chính xác, vì một số nguyên tố (đặc biệt là sắt) có thể phát xạ ở một dải bước sóng dài (tức màu sắc có khác nhau) tùy theo nhiệt độ chúng được làm nóng tới.
Những khí như ni tơ (nitrogen) hay ô xy (oxygen) vốn không tạo thành màu cụ thể nếu chúng bị đối nóng một cách độc lập. Tuy nhiên, vì chúng rất nhiều trong khí quyển, chúng có thể tham gia vào việc tương tác với các nguyên tố ở bề mặt của thiên thạch, mức độ tương tác đó nhiều hay ít có thể tạo ra màu sắc", nhà nghiên cứu phân tích.
Ngoài ra, vì nhiều nguyên tố thay đổi màu theo nhiệt độ, nên màu của sao băng còn phụ thuộc vào vận tốc của sao băng. Ở vận tốc cao, sao băng phát ra tỷ lệ bức xạ ở bước sóng xanh nhiều hơn so với khi vận tốc thấp.
Vì những lý do trên, mặc dù ở nhiều nơi bạn cũng có thể thấy hình minh họa gần giống thế này, nhưng hầu hết sao băng bạn nhìn thấy thường có màu xanh - trắng hoặc đỏ - trắng, phụ thuộc vào vận tốc và cũng bởi thiên thạch sắt (hoặc sắt đã bị ô xy hóa) chiếm tỷ lệ cao nhất. Những màu sắc khác thường ít gặp hơn trong thực tế.
Bình luận (0)