Việt Nam sẽ có đạo luật chuyên biệt về tư pháp cho người chưa thành niên

Thu Hằng
Thu Hằng
31/08/2022 17:32 GMT+7

Luật Tư pháp người chưa thành niên giúp nâng cao hiệu quả phòng chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên tham gia tố tụng.

Đây là thông tin được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối (TANDTC) cho biết tại hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và tham vấn đối với dự thảo đề cương luật Tư pháp người chưa thành niên do TANDTC phối hợp với Liên minh châu Âu và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 31.8.

Các bị cáo trong nhóm kín Facebook “Học sinh ngoan” trong vụ án giết người khi mới 17 tuổi

Nguyễn Tú

Bảo vệ quyền và lợi ích cho người chưa thành niên

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, cam kết đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em.

Trên cơ sở đánh giá, rà soát quy định về tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam; Công ước quốc tế về quyền trẻ em; các khuyến nghị, chuẩn mực quốc tế, TANDTC xây dựng luật tư pháp cho người chưa thành niên, tạo thành một đạo luật riêng, thống nhất, không cắt ghép bởi các đạo luật hiện hành.

Mục đích là nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên tham gia tố tụng, thúc đẩy việc tái hòa nhập của người chưa thành niên, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo vệ của xã hội, cộng đồng.

Theo dự thảo, tư pháp người chưa thành niên điều chỉnh về các nội dung như: tư pháp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; tư pháp người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng, đương sự; tư pháp người chưa thành niên bị cai nghiện ma túy bắt buộc; tư pháp người chưa thành niên về thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng.

Cơ hội cải cách hệ thống tư pháp người chưa thành niên

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Shelley Casey, chuyên gia UNICEF tại Úc, cho hay nhiều quốc gia đã có đạo luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên như Pháp, Đức, Úc, Mỹ, Lào, Campuchia

Tại Việt Nam, các biện pháp xử lý đặc biệt đối với người chưa thành niên nằm rải rác ở nhiều luật và văn bản dưới luật, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện. "So với các quốc gia khác, pháp luật Việt Nam thiếu hướng dẫn chi tiết về hệ thống tư pháp chuyên biệt cho người chưa thành niên. Đề xuất luật Tư pháp người chưa thành niên là cơ hội để đưa ra những cải cách mạnh mẽ và toàn diện nhằm đưa hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất", chuyên gia UNICEF nhìn nhận.

Theo bà Shelley Casey, Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em khuyến nghị các quốc gia ban hành đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên để đưa ra khuôn khổ pháp lý vững chắc cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên.

Từ thực tiễn sau một thập kỷ cải cách hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại Indonesia, TS Santi Kusumaningrum, chuyên gia UNICEF tại Indonesia, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ và phúc lợi trẻ em, cho biết trẻ em có liên quan đến pháp luật chủ yếu do những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của các em.

Tại Indonesia trước đây, có những trẻ em phải ngồi tù khi các em còn quá nhỏ, phạm tội nhẹ, những tội có thể ngăn chặn được, nhưng lại không có biện pháp xử lý chuyển hướng và biện pháp thay thế cho tù giam.

"Việc có liên quan đến pháp luật sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của trẻ em, cản trở các em đến với các cơ hội trong cuộc sống sau này khiến các em dễ bị bạo lực, phân biệt đối xử. Indonesia thông qua luật về hệ thống tư pháp hình sự cho người chưa thành niên năm 2012 theo hướng tiếp cận tư pháp người chưa thành niên khác biệt, chuyên biệt, toàn diện và hòa nhập hơn. Nguyên tắc của luật là ngăn chặn hệ quả phải hứng chịu và giảm nhẹ hậu quả khi điều không hay xảy ra”, TS Santi Kusumaningrum nói.

Ủng hộ việc cần thiết xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên riêng biệt, song PGS - TS Đỗ Thị Phượng, Trường ĐH Luật Hà Nội, đề nghị cần bổ sung một số nguyên tắc như: bảo đảm bí mật cá nhân của người chưa thành niên. Do luật này hợp nhất cả nội dung và hình thức đối với người chưa thành niên nên cần cân nhắc để bổ sung thêm các nguyên tắc về xử lý hình sự trong bộ luật hình sự đối với người chưa thành niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.