Chiều cùng ngày, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Tòa nhà Chính phủ Thái Lan ở thủ đô Bangkok. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha và Phu nhân chủ trì lễ đón. Ngay sau lễ đón, hai nhà lãnh đạo dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao hai nước tiến hành hội đàm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dự tiệc chiêu đãi chào mừng của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha và Phu nhân |
TTXVN |
Tạo động lực mới cho hợp tác song phương
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Thái Lan kể từ đại dịch Covid-19 và ngay trước thềm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan (2013 - 2023); tạo động lực mới cho hai nước hợp tác cùng phục hồi và phát triển bền vững. Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò Chủ tịch Năm APEC 2022 của Thái Lan và khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho thành công của Hội nghị APEC sắp tới.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ, năng động trong quan hệ song phương thời gian qua trên tất cả lĩnh vực. Hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng. Năm 2021, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN với kim ngạch đạt cao kỷ lục 19 tỉ USD, tăng 18% so với năm 2020. Từ tháng 1 - 10.2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 17,8 tỉ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan đứng thứ 9/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 670 dự án, tổng vốn đăng ký 13 tỉ USD. Hợp tác quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương không ngừng mở rộng và phát triển. Hiện có 18 tỉnh, thành của Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác và kết nghĩa với các địa phương Thái Lan. Cộng đồng người Việt tại Thái Lan có khoảng 100.000 người, hòa nhập tốt với sở tại và luôn hướng về quê hương đất nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha và Phu nhân |
TTXVN |
Hướng đến kim ngạch thương mại đạt 25 - 30 tỉ USD
Trao đổi về phương hướng nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường, hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là cơ chế họp Nội các chung do thủ tướng hai nước đồng chủ trì; phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022 - 2027 được ký kết nhân chuyến thăm này.
Các văn kiện ký kết nhân chuyến thăm
- Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2022 - 2027.
- Hiệp định Tương trợ Tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Văn phòng Tư pháp Thái Lan.
- Biên bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ thành phố kết nghĩa giữa TP.Đà Nẵng và tỉnh Khon Kaen.
- Biên bản ghi nhớ giữa Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Thái Lan.
- Hiệp định thương mại song phương và tạo thuận lợi đầu tư giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Thái Lan (EXIM).
Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 - 30 tỉ USD theo hướng cân bằng hơn; tăng cường kết nối trên các lĩnh vực. Hai bên cũng nhất trí khuyến khích doanh nghiệp hai nước đầu tư sang nhau; theo đó Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng xanh, ô tô, thực phẩm chế biến, dệt may, vật liệu điện tử, hóa chất, hạ tầng khu công nghiệp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thái Lan hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và tạo thuận lợi cho hàng nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Thái Lan; khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới như công nghệ cao, kinh tế số, thương mại điện tử, năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng…; khuyến khích hai bên tiến tới sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán song phương.
Thúc đẩy duy trì lập trường chung của ASEAN về Biển Đông
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai nhà lãnh đạo khẳng định phối hợp thúc đẩy một ASEAN đoàn kết, tự cường và phát huy vai trò trung tâm; xây dựng tiểu vùng Mê Kông kết nối, hòa bình và thịnh vượng; duy trì lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, theo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Sau buổi hội đàm cấp cao, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đồng chủ trì buổi họp báo quốc tế, thông tin về nội dung hội đàm và những định hướng lớn nhằm thúc đẩy toàn diện quan hệ hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.
Bình luận (0)