Tăng trưởng ấn tượng
Báo cáo của Tổng cục Thống kê tính đến hết tháng 5 cho thấy, trong tốp 4 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD, xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27,01 tỉ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhóm điện thoại các loại và linh kiện đạt 22,4 tỉ USD, tăng trên 11% so với cùng kỳ.
Trong thực tế, xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; thiết bị, phụ tùng; điện thoại và linh kiện luôn tăng mạnh, liên tục nằm trong tốp đầu câu lạc bộ xuất khẩu tỉ USD của cả nước. Đặc biệt, tỷ trọng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục tăng trong những năm qua. Nếu năm 2011 chiếm 4,8% tổng kim ngạch cả nước thì 4 năm sau, sang 2015 đã tăng gấp đôi, chiếm 9,6% là từ đó luôn duy trì mức trên 10%. Năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 16,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Không những thế, tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng này cũng đạt tốc độ nhanh, bền vững, đạt hơn 57 tỉ USD, góp phần quan trọng đưa giá trị xuất khẩu nhóm hàng chủ lực của VN tăng tốt.
Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) điện tử VN đánh giá, ngành điện tử VN trong 10 năm qua liên tiếp đứng đầu kim ngạch xuất khẩu, chiếm tỷ trọng trên 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Thống kê cho thấy, quý 1/2024, xuất khẩu điện tử đạt 30,5 tỉ USD, xuất siêu 4,2 tỉ USD, đóng góp lớn vào thặng dư ngoại tệ cho đất nước. Đến nay, VN đang đứng thứ 2 về nước xuất khẩu điện thoại không dây (vượt Ấn Độ và chỉ sau Trung Quốc), đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu máy tính…
Theo Bộ Công thương, phát triển của ngành điện tử tại VN trong thời gian qua chủ yếu nhờ thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Với lợi thế đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm ngay tại VN của một số tập đoàn, các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước khá đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã… và đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu đến nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Tuy vậy, Bộ Công thương cho rằng, để ngành công nghiệp điện tử, linh kiện nói chung và điện thoại nói riêng tiếp tục phát triển, các DN sản xuất trong nước phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và với sự hỗ trợ của Bộ, tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, giúp DN trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Có như vậy, xuất khẩu các mặt hàng điện tử, linh kiện, phụ tùng mới được mở rộng và giữ vững vị thế trên thị trường toàn cầu được.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận xét, bình quân giai đoạn 2011 - 2023, tăng trưởng của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện của VN đạt gần 24%, đây là tỷ lệ tăng trưởng rất ấn tượng. Đặc biệt, công nghiệp điện tử là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Một quốc gia có nền công nghiệp phụ trợ tốt, công nghiệp điện tử có thể xem là ngành mũi nhọn của nền kinh tế, vì xuất khẩu sản phẩm cuối cùng của nhóm sản phẩm này sẽ lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nền kinh tế thông qua sử dụng đầu vào là các sản phẩm phụ trợ từ các ngành khác trong nước.
DOANH NGHIỆP nội địa ngày càng tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng
Một điểm son trong tăng trưởng xuất khẩu điện thoại, linh kiện điện tử, theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN cơ khí - điện TP.HCM, là trong mấy năm trở lại đây, nhiều DN trong nước đẩy mạnh đầu tư nhập khẩu dây chuyền công nghệ mới, đầu tư nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới theo nhu cầu thị trường thế giới thay vì chỉ gia công. Từ đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng linh kiện, điện tử, phụ tùng đã có sự góp mặt quan trọng của các DN trong nước.
Đây cũng là nền tảng quan trọng để DN Việt nâng thứ hạng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể hơn, DN chuyên chế tạo khuôn mẫu công nghệ cao để xuất khẩu như Công ty TNHH Lập Phúc thông tin, nhiều sản phẩm khuôn mẫu của công ty đã được xuất khẩu qua Mỹ để dùng trong lĩnh vực sản xuất xe hơi. Hiện DN này đã tham gia vào chuỗi cung ứng khuôn mẫu cho nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn như Suzuki, Panasonic, Sanyo, GM… Theo đại diện DN này, để trở thành đối tác cung ứng cho các tập đoàn lớn, tham gia chuỗi giá trị của các thương hiệu lớn, DN phải mất thời gian dài, đầu tư mạnh mẽ vào trang thiết bị, máy móc cơ khí liên tục trong mấy chục năm qua.
"Đầu tư cải tiến công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi, theo kịp nhu cầu và phát triển của thị trường thế giới giúp VN sớm ghi tên vào bản đồ các nhà cung ứng quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp cơ khí, xe hơi… của thế giới", ông Đỗ Phước Tống nhận xét.
Tuy vậy, ông Bùi Trinh lưu ý, nhóm ngành công nghiệp chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn tại VN cơ bản vẫn do khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện. Và về cơ bản, nếu chỉ chú trọng gia công lắp ráp, hàm lượng giá trị gia tăng mà chúng ta thu được là rất thấp, bởi những đóng góp liên quan nghiên cứu, sáng tạo trong chuỗi giá trị khó đong đếm được. "Trong thực tế, có rất nhiều người VN giữ vị trí cao trong chuỗi sản xuất xuất khẩu, song để hàm lượng chất xám họ đóng góp đó đi vào thực tiễn, cải thiện được thu nhập của người lao động, cần có chính sách phù hợp để giúp DN nội sản xuất được các sản phẩm phụ trợ. Mục đích là có nhiều hơn DN nội tham gia sản xuất, qua đó giúp mức độ hưởng lợi của VN lớn hơn rất nhiều", ông Bùi Trinh nói.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế quản lý T.Ư, cũng đồng tình rằng không thể phủ nhận bức tranh sáng trong xuất khẩu của VN luôn có sự góp mặt của các nhóm hàng điện tử, chế tạo, linh kiện… Điều này chứng tỏ hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà VN đã tham gia ký hết. Cần lưu ý là các thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của VN đều đạt mức tăng trưởng rất tốt từ đầu năm đến nay. Theo ông Thành, công nghiệp điện tử VN luôn có cơ hội bứt phá, tăng giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng nhờ đầu tư nghiêm túc, đầu tư chuyên sâu của một số DN trong nước. Việc một số tập đoàn sản xuất lớn dịch chuyển đầu tư, mở nhà máy lớn tại VN và liên tục mở rộng, đã tạo cơ hội lớn cho ngành công nghiệp điện tử tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Một điểm tích cực quan trọng trong năm nay là xuất khẩu tăng trưởng khá tốt, từ âm năm trước đã tăng trở lại; công nghiệp chế biến chế tạo quay trở lại trở thành động lực tăng trưởng cho thị trường. Sản xuất xuất khẩu là một trong các động lực tăng trưởng giúp phục hồi kinh tế. Việc VN vẫn giữ vững được ngôi vị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong bối cảnh nhiều thị trường giảm sút là sự khích lệ lớn.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế quản lý T.Ư
Bình luận (0)