Ngày 26.8, Trung tâm đào tạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM phối hợp Công ty cổ phần tập đoàn Sun Electronics tổ chức tọa đàm "Đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch theo nhu cầu doanh nghiệp".
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng trong 20 năm qua, thị trường vi mạch bán dẫn phát triển không ngừng và còn tiếp tục phát triển, cùng với đó là nhu cầu về nhân lực cho lĩnh vực này đang ngày một tăng cao. Trong khi đó, nhiều quốc gia lớn về vi mạch bán dẫn đang có sự thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam.
PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lĩnh vực thiết kế vi mạch đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
"Không có quốc gia nào công nghiệp hóa thành công mà không phát triển được ngành công nghiệp điện tử mạnh. Không có quốc gia nào phát triển được ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn mà không sở hữu ngành công nghiệp điện tử mạnh", PGS-TS Nguyễn Anh Thi chia sẻ.
PGS-TS Nguyễn Anh Thi cho biết Khu Công nghệ cao TP.HCM đặt rất nhiều tâm huyết cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Mục tiêu đến 2030, Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TPHCM sẽ góp phần giúp Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.
Theo Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, để có được đội ngũ này cần phải huy động các trường đại học lớn, có uy tín vào cuộc. Đến thời điểm này, hầu hết các trường đều cam kết tham gia. PGS-TS Nguyễn Anh Thi hy vọng Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM sẽ là nơi hội tụ các nguồn lực để phục vụ cho nhiệm vụ này.
Tại tọa đàm, đại diện các công ty thiết kế vi mạch hàng đầu tại Việt Nam hiện nay đã đưa ra những ý kiến về phương pháp để xây dựng bộ tiêu chuẩn kiến thức và kỹ năng của kỹ sư thiết kế vi mạch; phương pháp xây dựng giáo trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về chất lượng kỹ sư sau đào tạo; nhu cầu về kỹ sư của doanh nghiệp...
GS-TS Đặng Lương Mô, nhà khoa học đi tiên phong trong việc phát triển ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam, cho rằng hiện nhiều trường đại học ở Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho nhiều nước. Đó là tín hiệu khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm tốt việc tạo nguồn chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
PGS-TS Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa máy tính, Trường đại học Công nghệ Thông tin TP.HCM cho rằng, Việt Nam đã bắt đầu hiện thực hóa mong muốn tham gia chuỗi vi mạch bán dẫn toàn cầu, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa hệ thống đào tạo với doanh nghiệp, trong đó nền tảng đào tạo ra những sinh viên, những kỹ sư ưu tú rất quan trọng.
"Nếu nguồn nhân lực đào tạo ra mà các quốc gia khác sử dụng, còn Việt Nam không sử dụng được thì đó là một điều vô cùng đáng tiếc. Các doanh nghiệp nước ngoài họ rất muốn tuyển kỹ sư sau tốt nghiệp đại học để làm việc cho họ. Chúng ta cần có giải pháp để tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực này phục vụ cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam", PGS-TS Nguyễn Minh Sơn cho biết.
SCDC đóng vai trò là trung tâm kết nối
Trung tâm thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao TP.HCM (SCDC) sẽ đóng vai trò là trung tâm kết nối để phát triển vi mạch Việt Nam trong thời gian tới.
Định hướng SCDC sẽ phối hợp khoảng 20 trường đại học với các doanh nghiệp vi mạch để thực hiện đào tạo và phối hợp đào tạo lực lượng kỹ sư có chuyên môn, kỹ năng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Chương trình đào tạo với 9 môn học, 3 cấp độ đào tạo là cơ bản, nâng cao và cao cấp.
Bình luận (0)