Công nghệ bào chế mới, hiện đại phát triển công nghiệp dược
Diễn đàn Công nghệ ngành y tế - công nghệ sinh học và chuyển đổi số phục vụ phát triển ngành y tế được Bộ Y tế và Bộ KH-CN phối hợp tổ chức hôm nay 1.10 tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Hòa Lạc (Hà Nội).
Khai mạc diễn đàn, TS Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong y tế liên quan đến việc phát triển và thực hiện các quy trình, sản phẩm, chương trình, chính sách hoặc hệ thống mới để cải thiện sức khỏe và công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.
Khẳng định đổi mới sáng tạo trong y tế đang là xu hướng tất yếu, TS Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), nêu rõ trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực phòng bệnh.
Trong nước, cùng với làm chủ công nghệ mới sản xuất vắc xin, các công nghệ sinh học phân tử được ứng dụng đã góp phần xác định nhanh, chính xác các tác nhân gây bệnh phục vụ công tác phòng chống hiệu quả các bệnh, dịch nguy hiểm.
Một số đơn vị trong nước đã tiếp thu, làm chủ công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền; nghiên cứu về biệt hóa tế bào gốc, kháng thể đơn dòng.
"Một số công nghệ bào chế mới, hiện đại đã được nghiên cứu áp dụng vào sản xuất công nghiệp dược như công nghệ micro và nano; công nghệ bào chế giải phóng biến đổi; công nghệ bào chế giải phóng tại đích và một số công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng độ ổn định, tăng sinh khả dụng, tăng tác dụng điều trị, giảm tác dụng không mong muốn của thuốc để ứng dụng vào sản xuất các loại thuốc chất lượng cao, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu, tăng khả năng tiếp cận cho người dân", ông Quang cho biết thêm.
Thêm lựa chọn, thêm cơ hội sống
Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định, mục tiêu chung của đổi mới sáng tạo công nghệ sinh học, công nghệ tế bào hiện nay là "tăng giá trị, giảm giá bán".
Đổi mới này phải đạt được các tiêu chí: chi phí điều trị bằng liệu pháp tế bào hợp lý và hiệu quả điều trị ổn định, với công nghệ sản xuất tế bào quy mô lớn; năng suất sản xuất tế bào cao; khả năng thất bại trong điều trị thấp; đảm bảo chất lượng tế bào, nâng cao chất lượng tế bào.
Liệu pháp tế bào nói chung, liệu pháp tế bào gốc và tế bào miễn dịch nói riêng, đang bổ sung thêm một lựa chọn trong các liệu pháp chữa bệnh. Để liệu pháp tế bào thật sự mang lại lợi ích cho nhiều người, hoạt động đổi mới sáng tạo công nghệ tế bào là bắt buộc, để tăng giá trị và giảm giá bán liệu pháp.
Chia sẻ về các kết quả nghiên cứu, ứng dụng liệu pháp tế bào tại Việt Nam, các báo cáo viên cho hay, công nghệ tế bào, ghép tế bào gốc đã được ứng dụng trong điều trị xơ gan, teo mật, chấn thương tủy sống, thoái hóa khớp gối và đang nghiên cứu ghép tế bào gốc điều trị đột quỵ, chấn thương sọ não, tự kỷ, bại não, suy giảm sức khỏe người cao tuổi…
"Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam, ca bệnh ung thư bạch cầu cấp dòng lympho được điều trị thành công bằng liệu pháp tế bào CAR-T. Bệnh nhân được điều trị thành công là bé gái 4 tuổi", GS-TS Trần Huy Thịnh, Trường đại học Y Hà Nội, thông tin.
Theo các nhà khoa học, tế bào CAR -T có khả năng tấn công các tế bào ung thư. Tế bào CAR-T được nhìn nhận là tiến bộ lớn trong điều trị ung thư và mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những bệnh nhân không đáp ứng với các phác đồ thường quy.
Bình luận (0)