Chuyển đổi số đã len lỏi vào từng cá nhân, gia đình

Hà Mai
(thực hiện)
07/09/2024 05:47 GMT+7

Trong cuộc trao đổi với Thanh Niên, TS Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) nhấn mạnh công cuộc chuyển đổi số nhanh hay chậm, thành công hay không, không chỉ phụ thuộc vào công nghệ, phần mềm hay kỹ năng mà vai trò cốt lõi là thể chế thông qua các chính sách, cách làm, quy định…

Nhìn lại hơn 4 năm tiến hành công cuộc chuyển đổi số, ông đánh giá thế nào về những thành tựu mà VN đã đạt được?

Chuyển đổi số đã len lỏi vào từng cá nhân, gia đình- Ảnh 1.

TS Võ Trí Thành

ẢNH: NVCC

TS Võ Trí Thành: Trước đây, nói đến khái niệm "chuyển đổi số", người ta nghĩ đó là cái gì khá trừu tượng, nhưng bằng mắt thường có thể thấy được ngay, câu chuyện số, chuyển đổi số giờ đã len lỏi vào từng cá nhân, từng gia đình. Chúng ta có thể cảm nhận rõ nhất là sự chuyển dịch của giao dịch điện tử. Giờ đây, chiếc điện thoại thông minh với những ứng dụng mua sắm trực tuyến đã trở thành công cụ không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người dân VN, từ thành thị cho tới nông thông. Người ta mua sắm không cần đến tận quầy hàng, không cần trả tiền mặt trực tiếp, ai cũng có ứng dụng ngân hàng, ai cũng biết chuyển khoản, cũng biết mã QR Code… đó là những chuyển động tích cực có thể thấy ngay được.

Cùng với đó, các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các start-up lĩnh vực công nghệ ngày càng phát triển, DN Việt xác định rõ chuyển đổi số là con đường phải đi, là tương lai của nền kinh tế. Dòng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số cũng ngày càng mạnh.

Đặc biệt, người dân thấy rất rõ câu chuyện chuyển đổi số thông qua những chuyển biến trong lĩnh vực dịch vụ công. Tại nước ta những năm trở lại đây, dịch vụ công trực tuyến đã có những bước tiến rõ rệt. Người dân có thể ngồi nhà để đăng ký hộ chiếu, đổi bằng lái xe, đóng phạt vi phạm giao thông... DN trước đây phải chạy tới chạy lui cả tuần để hoàn tất bộ hồ sơ khai báo hàng hóa xuất nhập khẩu qua hải quan, thì giờ cũng có thể ngồi nhà thực hiện ngay trên máy; các loại quyết toán thuế, trình hồ sơ đất đai…

Đó là về cảm nhận trực quan. Còn về số liệu, theo Bộ TT-TT thì tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần kinh tế số vào GDP mục tiêu đến 2025 đạt khoảng 25% và đến hết 2023 đã đạt 16,5%. VN cũng là quốc gia phát triển thương mại điện tử nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới... Chúng ta đi sau các nước, đạt tốc độ tăng trưởng như vậy là khá khả quan.

Chuyển đổi số đã len lỏi vào từng cá nhân, gia đình- Ảnh 2.

Dịch vụ công trực tuyến là cái cốt lõi nhất của Chính phủ điện tử

ẢNH: T.N

Theo ông, đâu là trụ cột chính đã thúc đẩy VN "chạy" nhanh như vậy trên đường đua chuyển đổi số?

Chính phủ điện tử là một trong 3 trụ cột chính của "cuộc cách mạng" chuyển đổi số, bên cạnh xã hội số và kinh tế số. Thực tế, khái niệm Chính phủ điện tử đã xuất hiện ở nước ta từ cách đây 2 thập niên, nhưng phải tới khoảng 5 năm trở lại đây mới thật sự ghi nhận những thành quả tích cực, nhờ quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ.

Các bộ, ngành thống kê hiện đã có 80,53% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến, trong đó 47,79% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tính đến nay, đã có 63/63 địa phương đã hoàn thành việc hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh. Một số địa phương triển khai rất tốt dịch vụ công trực tuyến toàn trình như Đà Nẵng đạt 95,56%; Cà Mau đạt 91,99%; Tây Ninh: 91,98%. TP.HCM, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế… cũng là những địa phương đang đi đầu.

Vì sao tôi nói Chính phủ số phải là trụ cột quan trọng nhất? Vì các hoạt động dịch vụ công trực tuyến nếu được triển khai tốt sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho người dân, DN, không chỉ giảm thiểu thời gian, chi phí cho xã hội mà còn góp phần minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đó là nền tảng để xã hội số, kinh tế số phát triển.

Như ông dẫn chứng, hiện có 80,53% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến, nhưng báo cáo chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 lại cho thấy đa số người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, chỉ có khoảng 8,3% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia và 7,6% sử dụng Cổng dịch vụ công cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Ông nhìn nhận thế nào về sự chênh lệch này?

Đó cũng chính là bất cập mà tôi đang muốn nhắc đến. Một bên là khả năng cung ứng hoàn thiện, nhưng quan trọng hơn phải là tỷ lệ người dân thực sự sử dụng ở mức nào. Có rất nhiều lý do khiến tỷ lệ giữa 2 chỉ số này còn khoảng cách khá xa ở nhiều nơi, nhiều địa phương. Có thể do chúng ta truyền thông chưa đủ, chưa tới, hoặc do những thao tác chưa đủ đơn giản, thuận tiện. Chưa kể tình trạng cổng dịch vụ công bị lỗi; việc nộp, cập nhật, bổ sung, theo dõi tình trạng hồ sơ trực tuyến còn nhiều bất tiện, khó khăn trong thanh toán trực tuyến… Nhiều trường hợp điền xong hết thông tin rồi sập mạng, máy treo máy lỗi, hay nộp hồ sơ cứ bị trả lại, không rõ lý do thì người dân chọn đến làm trực tiếp cho nhanh.

Bên cạnh đó, tình trạng đánh cắp thông tin cá nhân ngày càng nở rộ, mới đầu là làm phiền, sau là lừa đảo khiến không ít người e ngại khai các giấy tờ, văn bản, tài liệu cá nhân thông qua phần mềm sẽ bị lộ, lọt dữ liệu.

Rõ ràng, đằng sau những chuyển biến tích cực mà ta thấy ngay được, thì còn rất nhiều điều về chuyển đổi số cần được nhìn nhận sâu hơn, đầy đủ hơn.

Cụ thể là gì, thưa ông?

Chuyển đổi số thật sự là cuộc cách mạng. Nó thay đổi vận hành của toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, cách thức sản xuất kinh doanh… và trên hết, đó là cuộc cách mạng về thể chế. Theo nghĩa này, ta thấy các công cụ pháp lý và cách thức vận hành hiện nay mặc dù đã được hoàn thiện hơn trước rất nhiều nhưng vẫn còn cách khá xa so với kỳ vọng.

Người dân, DN mong mỏi ở chuyển đổi số không chỉ là cầm điện thoại thông minh lướt trên đó mà phải tạo ra gia tăng năng suất nhờ quản trị tốt lên, sản xuất kinh doanh thông minh hơn; nhưng rõ ràng tốc độ gia tăng năng suất trong những năm gần đây chưa đạt mục tiêu đề ra. Thậm chí có những vùng đầu tàu kinh tế nhưng cũng bị suy giảm tốc độ tăng năng suất.

Chưa kể về đào tạo con người, những vấn đề về nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng này cũng chưa thật sự có đủ kỹ năng. Đơn cử, chúng ta muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhưng lực lượng lao động công nghệ rất thiếu, kỹ năng cũng còn yếu. Năng suất lao động và kỹ năng nguồn nhân lực chủ yếu đóng góp vào những ngành sản xuất thiết bị công nghệ thông tin điện tử, thiết bị số… còn phần tích hợp số, công nghệ vào những ngành truyền thống như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để DN thông minh hơn, tạo hiệu quả hơn, năng suất tốt hơn thì còn khá hạn chế.

Đối với Chính phủ số, cần hiểu rõ không đơn giản chỉ là cung ứng dịch vụ công trực tuyến mà còn phải là cuộc cải cách, thay đổi thực sự về chất; không chỉ là tương tác giữa Chính phủ với DN, người dân, mà còn là môi trường đầu tư kinh doanh. Những điều này phải trở thành biểu tượng về nỗ lực của một chính phủ, một đất nước đang vươn lên bắt nhịp với cuộc cách mạng này.

Cuộc cách mạng chuyển đổi số không thuần túy chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà còn là thể chế. Việc nhanh hay chậm của chuyển đổi số phụ thuộc rất nhiều vào tư duy, chính sách, cách làm, quản lý, mà ở đó người đứng đầu có vai trò quyết định, không chỉ có nhiệm vụ chỉ đạo mà phải trực tiếp làm, trực tiếp dùng. Trung tâm của công cuộc chuyển đổi này là con người, và hơn cả đầu óc, đó là trái tim.

TS Võ Trí Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.