'Trái ngọt' từ dịch vụ công trực tuyến

01/09/2024 06:25 GMT+7

Cương quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho trong thực hiện thủ tục hành chính là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề 'Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến', tổ chức ngày 31.8 ở TP.Đà Nẵng.

Cùng dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình; thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn; cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành và các tỉnh, TP thông qua hình thức trực tuyến.

Nêu 8 nhóm kết quả nổi bật, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhận thức và hành động về nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) có nhiều chuyển biến tích cực. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) về giải quyết TTHC tăng từ 90% (năm 2022) lên 93% tính đến tháng 8.2024. Từ năm 2021 đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 TTHC. Đặc biệt, đã triển khai 43/53 DVCTT thiết yếu; trong đó 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3.500 tỉ đồng/năm.

'Trái ngọt' từ dịch vụ công trực tuyến- Ảnh 1.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an

ẢNH: TUYẾN PHAN

TẠO THUẬN LỢI TỐT NHẤT CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP

Dù vậy, theo Thủ tướng, việc triển khai DVCTT vẫn còn những hạn chế, bất cập như: cải cách TTHC vẫn còn chậm, thủ tục còn rườm rà; chất lượng cung cấp DVCTT chưa chuyển biến rõ nét; kết quả thực hiện DVCTT không đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ DVCTT toàn trình phát sinh hồ sơ của địa phương mới đạt 17%, mục tiêu đến năm 2025 là tối thiểu 80%. Việc tái sử dụng dữ liệu để người dân chỉ cung cấp thông tin 1 lần còn thấp…

Về quan điểm, định hướng thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu chung là cắt giảm chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, DN.

Về giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nêu 7 yêu cầu. Trong đó đáng chú ý, yêu cầu trước hết là các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong triển khai DVCTT; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các quy định kinh doanh, TTHC; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho; tạo môi trường công khai, minh bạch, trong sạch để cán bộ không mắc phải những sai phạm; tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

'Trái ngọt' từ dịch vụ công trực tuyến- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

ẢNH: TTXVN

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ, trong đó cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% TTHC và cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ TTHC nội bộ; tái sử dụng dữ liệu, liên thông điện tử…

"Thực hiện thành công các nhiệm vụ đến năm 2025, 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Hoàn thành cung cấp toàn bộ 53/53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngồi tại nhà và chờ kết quả

Những "trái ngọt" đầu tiên của Đề án 06 bắt đầu được thu hoạch, đó là các DVCTT toàn trình - người dân chỉ cần ngồi tại nhà, thao tác trên máy tính hoặc điện thoại và chờ kết quả.

Đầu tháng 8, do có nhu cầu đi công tác nước ngoài, chị Hà Phượng (31 tuổi, trú H.Thanh Oai, Hà Nội) thông qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an đăng ký thủ tục cấp hộ chiếu trực tuyến. Cùng với việc chuẩn bị ảnh chân dung, phần lớn thông tin cá nhân đã được hệ thống dữ liệu lưu trữ, chị Phượng chỉ mất khoảng 5 phút để hoàn tất hồ sơ, gửi lên hệ thống. Đúng 1 tuần sau, cuốn hộ chiếu được giao đến tận nhà, thông qua dịch vụ bưu chính mà chị Phượng đã đăng ký khi làm thủ tục. "Lần đầu tiên tôi sử dụng cổng DVCTT, không nghĩ thuận lợi và nhanh đến vậy; không cần tới trụ sở công an, cũng không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ. Nghe tuyên truyền nhiều, nay mới cảm nhận được ưu điểm của hình thức này", chị Phượng chia sẻ.

Cấp hộ chiếu chỉ là một trong nhiều DVCTT toàn trình được các bộ, ngành triển khai, nhằm thực hiện Đề án 06.

'Trái ngọt' từ dịch vụ công trực tuyến- Ảnh 3.

Người dân làm hồ sơ nhà đất theo hình thức trực tuyến tại bộ phận một cửa Văn phòng UBND Q.Bình Tân, TP.HCM

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Tại hội nghị ngày 31.8 nói trên, thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết: Tính đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 43,54%, số tài khoản dịch vụ công là 20,9 triệu. Riêng với Bộ Công an, toàn ngành đã hoàn thành cung cấp 224/224 dịch vụ công theo thẩm quyền trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, trong đó 17 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Cùng với đó là 100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân được cấp thẻ căn cước gắn chip; hơn 55,2 triệu tài khoản định danh điện tử được kích hoạt để thực hiện DVCTT…

Thông tin thêm, đại tá Vũ Văn Tấn, Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, cho biết với chiếc thẻ căn cước gắn chip, các ngân hàng đã đối chiếu dữ liệu sinh trắc học của 26,3 triệu hồ sơ khách hàng, 38 tổ chức tín dụng triển khai giải ngân 239.000 tỉ đồng cho người dân vay tín chấp bằng hình thức online. Ngoài ra, đã có trên 1,8 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân; chi trả an sinh không dùng tiền mặt cho trên 1,9 triệu người với tổng số tiền trên 8.200 tỉ đồng.

Bộ Công an còn cung cấp nhiều tiện ích khác như: đăng ký tạm trú trên ứng dụng VNeID; dịch vụ đồng ý xác thực sinh trắc học và chia sẻ thông tin trên VNeID; triển khai việc xử phạt vi phạm hành chính, tước giấy phép lái xe trên môi trường điện tử. Đặc biệt, Bộ Công an đã phối hợp Bộ LĐ-TB-XH ra mắt ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ; đã thu nhận ADN cho 204 thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính tại 7 tỉnh, thành để đưa vào ngân hàng Gen phục vụ xác định hài cốt còn thiếu thông tin.

Dư luận hẳn không quên hình ảnh những hàng dài công dân xếp hàng từ 4 - 5 giờ sáng tại cổng Sở Tư pháp TP.Hà Nội để làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) đầu tháng 4 vừa qua. Bộ Tư pháp sau đó phối hợp Bộ Công an triển khai thí điểm cấp phiếu LLTP trên VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên-Huế. Tính đến ngày 26.8, tổng số phiếu LLTP đã cấp trực tuyến ở Hà Nội là 46.2814, Thừa Thiên-Huế là 5.149, không còn tình trạng người dân phải xếp hàng từ sáng sớm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho hay cấp phiếu LLTP là DVCTT toàn trình thiết yếu đầu tiên của bộ này được triển khai trên VNeID. Với kết quả đạt được sau thời gian thí điểm ở 2 địa phương nêu trên, vừa rồi Thủ tướng đã đồng ý mở rộng thí điểm trên toàn quốc. Đến nay đã có 50 địa phương đăng ký, đề nghị cấp tài khoản kết nối để thử nghiệm phục vụ cho việc triển khai.

"Phủ sóng" dịch vụ công hơn nữa

Bày tỏ sự ủng hộ đối với Đề án 06, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ghi nhận sau thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu và hạ tầng kỹ thuật, đến nay đề án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc giải quyết TTHC qua cổng DVCTT là xu thế tất yếu, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm hồ sơ, giấy tờ, vừa triệt tiêu tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.

Tuy vậy, ông Hòa nêu một thực tế khi khảo sát tại bộ phận một cửa của một số cơ quan nhà nước, vẫn còn tình trạng người dân trực tiếp đến thực hiện TTHC. Khi hỏi, ông được người dân trả lời do không biết đến các DVCTT, một số biết nhưng thao tác không đúng, hồ sơ không được chấp thuận nên phải đến trụ sở làm việc, một số hỏi cán bộ thì đôi khi chưa được giải thích rõ ràng.

Ông Hòa đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết đến tiện ích của DVCTT, đồng thời tăng cường tập huấn cho cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở, để mở rộng phạm vi sử dụng. "Phải làm sao để mỗi người dân, mỗi DN chỉ cần chiếc điện thoại hoặc máy tính, dù ở nhà, ở công ty hoặc bất cứ đâu, miễn là có kết nối internet đều có thể thực hiện TTHC trực tuyến", vị đại biểu kỳ vọng.

Ngoài việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu "giàu, sạch, đúng", các bộ, ngành, địa phương cũng cần sớm hoàn thiện khâu kết nối, liên thông. Chỉ khi liên thông, người dân, DN mới được thụ hưởng tiện ích.

Cũng tại hội nghị nói trên, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo lấy kết quả cung cấp dịch vụ công, tỷ lệ phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hài lòng của người dân và DN… là một trong những tiêu chí đánh giá tín nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó, UBND các tỉnh, TP phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Công an đảm bảo điều kiện hạ tầng an ninh an toàn để triển khai cấp LLTP trực tuyến trên toàn quốc từ ngày 1.10.2024. Bộ Tư pháp, Bộ TN-MT cần đề ra lộ trình hoàn thiện số hóa hồ sơ hộ tịch, đất đai từ nay đến cuối năm 2024; giao chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, sử dụng dữ liệu hộ tịch, đất đai đã được số hóa để cắt giảm TTHC…

Khuyến cáo từ Bộ Công an

Ứng dụng VNeID được coi là ví điện tử của công dân, tích hợp rất nhiều thông tin cá nhân, giấy tờ và các tính năng hữu ích, do vậy việc bảo mật thông tin cần hết sức chú trọng. Để tránh thành nạn nhân và hưởng lợi ích từ VNeID, Bộ Công an khuyến cáo người dân chỉ cài đặt ứng dụng này từ nguồn chính thống, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay truy cập vào các đường link lạ trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào.

Bên cạnh đó, lực lượng công an chỉ hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử trực tiếp, hoàn toàn không qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào. Nếu có thắc mắc về ứng dụng VNeID, người dân hãy liên hệ với cảnh sát khu vực hoặc công an nơi cư trú để được hướng dẫn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.