Việt Nam ứng phó đậu mùa khỉ

Liên Châu
Liên Châu
20/08/2024 04:04 GMT+7

5 ngày sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ, ngày 19.8, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về các biện pháp ứng phó ca bệnh xâm nhập.

SỐ CA MẮC TRẺ HƠN ĐỢT DỊCH TRƯỚC

Theo Bộ Y tế, 2 tháng gần đây, WHO ghi nhận sự gia tăng cao bất thường số trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (còn gọi là mpox) tại Cộng hòa Dân chủ Congo (quốc gia ở trung châu Phi). Từ đầu năm đến nay, nước này ghi nhận khoảng 15.600 ca mắc, trong đó hơn 537 trường hợp tử vong.

14a.png

WHO kêu gọi các nhà sản xuất tăng cường sản xuất vắc xin phòng đậu mùa khỉ

WHO

Vi rút mpox nhánh Ib đang là nhánh trội trong đợt dịch tại nước này, bước đầu ghi nhận một số đặc điểm dịch tễ khác biệt so với các đặc điểm dịch tễ trong vụ dịch trước đó (từ 2022 - 2024) như: các trường hợp mắc trẻ hơn (khoảng 50% dưới 15 tuổi, khoảng 39% dưới 5 tuổi); có sự lây truyền qua nhóm mại dâm nữ (7,5%); có sự lây nhiễm trong gia đình.

Trước nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với dịch bệnh mpox vào ngày 14.8.2024.

GIÁM SÁT TẠI CỬA KHẨU

Ngày 19.8, Bộ Y tế ban hành công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống, hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ; phòng ngừa lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh (KCB).

Theo đó, các tỉnh, thành cần tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu; giám sát chủ động tại cơ sở KCB, lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở KCB phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng chống HIV/AIDS.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị bệnh mpox. Rà soát, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm có nhiệm vụ phân tích, đánh giá, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh, tác nhân gây bệnh mới, bất thường (nếu có); chủ động báo cáo, tham mưu Bộ Y tế.

KÍCH HOẠT QUY TRÌNH KHẨN CẤP VỚI VẮC XIN ĐẬU MÙA KHỈ

WHO đã kích hoạt quy trình EUL đối với vắc xin mpox do xu hướng lây lan đáng lo ngại của căn bệnh này. Quy trình EUL là quy trình cấp phép sử dụng khẩn cấp, được phát triển đặc biệt để đẩy nhanh việc cung cấp các sản phẩm y tế chưa được cấp phép như vắc xin cần thiết trong các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Đây là khuyến nghị có giới hạn thời gian, dựa trên phương pháp tiếp cận rủi ro - lợi ích.

WHO cũng đề nghị các nhà sản xuất nộp dữ liệu để đảm bảo vắc xin an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhóm dân số mục tiêu. Việc cấp EUL sẽ đẩy nhanh việc tiếp cận vắc xin, đặc biệt là đối với các quốc gia có thu nhập thấp chưa ban hành phê duyệt theo quy định quốc gia của riêng mình.

Mpox là bệnh do vi rút đậu mùa khỉ (thuộc chi Orthopoxvirus), có thể lây truyền sang người thông qua tiếp xúc vật lý với người bị nhiễm bệnh, với vật liệu bị ô nhiễm, hoặc với động vật bị nhiễm bệnh. Hiện có 2 loại vắc xin đang được sử dụng để phòng căn bệnh này, được Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO (SAGE) khuyến nghị sử dụng.

Ho gà tăng 25 lần so với cùng kỳ 2023

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần. Hiện là thời điểm học sinh các cấp chuẩn bị quay trở lại trường học, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là một số bệnh lây truyền như sởi, ho gà, tay chân miệng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.