Việt Nam vào chung kết AFF Cup sau 10 năm: Một đội tuyển đặc biệt!
07/12/2018 13:25 GMT+7
Trước AFF Cup này, dư luận nhắc nhiều tới cái “chu kỳ 10 năm”, với hy vọng đội tuyển Việt Nam sẽ lần thứ 3 tiến vào chung kết (sau các kỳ giải 1998 và 2008). Thực tế thế hệ này đã làm được và đang tràn trề hy vọng hay hơn 2 lứa đàn anh
Tự động phát
[VIDEO] HLV PARK ẤN TƯỢNG VỚI BÀN THẮNG CỦA CÔNG PHƯỢNG
|
Có thể xem đây là “thế hệ vàng thứ 3” kèm theo niềm hy vọng sẽ tái lập được thành tích vô địch của “thế hệ vàng thứ 2” năm 2008 chứ không phải để thêm một lần hẫng hụt như “thế hệ vàng” thứ nhất.Cái mốc thứ nhất (vào chung kết) đã hoàn thành, giờ là lúc toàn tâm để đội tuyển rất đặc biệt của chúng ta hiện thức hóa giấc mơ!
1. Họ đặc biệt trước hết vì đây chính là thành phần trẻ nhất của đội tuyển Việt Nam (Việt Nam) trong 12 lần góp mặt ở đấu trường AFF Cup (tuổi trung bình chỉ 23 ,7). Nhưng họ càng đặc biệt hơn, vì tuy trẻ mà không hề... “non”.
Hãy nhìn cách mà Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu hay Trần Đình Trọng (chưa kể tới Hà Đức Chinh do tạm thời vẫn thuộc diện “siêu dự bị”) chơi bóng. Trong vòng 2 năm, họ đã cùng tiến một mạch từ đội tuyển U-19 lên tới ĐTQG “A” – lặp lại điều tương tự như Lê Công Vinh ngày nào. Thời điểm góp mặt cùng đội U-19, cả 3 đều đã có suất đá chính tại V-League (ở tuổi 18-19). Và trong 2 năm ấy, họ đã tiếp tục thi đấu tại World Cup U-20, VCK U-23 châu Á và Asiad 18. Chính vì vậy, đội tuyển của chúng ta mới lại có những cầu thủ trẻ măng chơi bóng một cách vô cùng già dặn.
Ở tuổi 21, Quang Hải không chỉ làm người ta nhớ lại hình ảnh một Nguyễn Hồng Sơn đậm chất kỹ thuật, lắt léo, thông minh ngày nào. Thậm chí, trên một chừng mực nào đó, Hải còn tinh tế hơn! Cũng tuổi 21, Đình Trọng chơi ổn định và chắc chắn không thua gì đàn anh Quế Ngọc Hải. Trong khi mới ở tuổi 19, “cậu út” Văn Hậu không chỉ đã công – thủ toàn diện nơi cánh trái mà trong cách chơi đã thêm cả cái chất quái (đôi khi cũng biết sử dụng tiểu xảo trong các tình huống tranh chấp).
|
Một tập thể đặc biệt, bởi lâu lắm rồi, người ta mới thấy ĐTVN không chỉ tràn đầy sức trẻ, sự quyết tâm nơi các cá nhân mà cả tinh thần đoàn kết của tập thể. Không hề có khoảng cách giữa những cầu thủ đàn anh giàu kinh nghiệm như Anh Đức, Văn Quyết hay Trọng Hoàng với thế hệ đàn em trong đội. Những nhân tố rất mới như Văn Đức, Tiến Linh... đều được tôn trọng và hòa nhập với tất cả. Đương nhiên, cũng không hề có biểu hiện nào của sự phân biệt “quân bầu Hiển” với “quân bầu Đức” như một bộ phận công luận cố tình... vẽ ra. Sau các bàn thắng của Quang Hải hay Công Phương luôn là hình ảnh cả đội ôm lấy nhau tận hưởng niềm vui.
2. Sự đặc biệt ấy ở đội tuyển có công lớn đến từ một nhân vật rất đặc biệt: HLV Park Hang - seo.
Cũng giống như Henrique Calisto hồi 2008, thầy Park là một vị tướng tài, rất giỏi đọc trận và luôn có những quyết định thay người vô cùng chính xác. Trận bán kết lượt về với Philippines chẳng hạn, cả 3 trường hợp thay người (Huy Hùng, Tiến Linh và Công Phượng được tung vào sân từ băng ghế dự bị) của ông đều hợp lý, quyết định kết quả của trận đấu!
Trong công việc, ông Park không chỉ giỏi “truyền lửa” mà còn rất gần gũi cầu thủ. Hình ảnh bình dị của ông với các học trò cũng như với công chúng (ngay cả những cử chỉ, biểu hiện của ông khi chỉ đạo cũng vô cùng... đáng yêu) khiến thầy Park đã trở thành vị HLV được người hâm mộ BĐVN yêu mến nhất. Và các học trò của ông cũng thế...
|
Từng đối đầu với những anh hào châu lục, nên dưới sự dẫn dắt của thầy Park, chẳng có lý do gì để các tuyển thủ trẻ trung của chúng ta phải e dè trước các đối thủ cùng khu vực. Tất nhiên, cái “không biết sợ” ấy là sự tự tin, và cả sự “lỳ đòn”, sẵn sàng “ẩn nhẫn chờ thời” (giữ vững kỷ luật đấu pháp) trong thi đấu chứ không phải sự tự kiêu.
Hội tụ rất nhiều nét đặc biệt, sau 10 năm, ĐTVN mới lại góp mặt ở chung kết AFF Cup, còn người hâm mộ cũng có rất nhiều lý do để đặt niềm tin và hy vọng!
Bình luận (0)