Việt Nam xếp thứ 3 Chỉ số toàn cầu về chính phủ tốt trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp

28/04/2022 16:39 GMT+7

Chiều 28.4, Viện Quản trị Chandler công bố Chỉ số chính phủ tốt Chandler (CGGI) 2022, theo đó Việt Nam đứng hạng ba trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp nhờ vào thị trường hấp dẫn và hỗ trợ tốt phát triển con người.

Việt Nam thể hiện tốt nhất ở các chỉ số Thị trường hấp dẫn (hạng 34) và Hỗ trợ phát triển con người (43), theo CGGI 2022

afp

Viện Quản trị Chandler (trụ sở tại Singapore) gọi CGGI là chỉ số toàn diện nhất trên thế giới dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính phủ quốc gia. Chỉ số này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư để nâng cao năng lực của công chức và cơ cấu vận hành của chính phủ để xây dựng một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn.

Dựa trên hơn 50 nguồn dữ liệu mở, CGGI được xây dựng theo nguyên tắc và dựa trên cơ sở dữ liệu nhằm giúp hiểu rõ năng lực và kết quả của 104 chính phủ trên toàn thế giới, chiếm gần 90% dân số thế giới. Chỉ số này tập trung vào 7 tiêu chí: Năng lực lãnh đạo và Tầm nhìn xa; Luật pháp và Chính sách mạnh mẽ; Thể chế mạnh; Quản lý tài chính; Thị trường hấp dẫn; Tầm ảnh hưởng và Danh tiếng toàn cầu; và Hỗ trợ phát triển con người.

Năm nay, Việt Nam đứng hạng ba trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 56 trên toàn cầu trong tổng số 104 quốc gia được đánh giá xếp hạng.

Trong các tiêu chí đánh giá, Việt Nam thể hiện tốt nhất ở các chỉ số Thị trường hấp dẫn (hạng 34) và Hỗ trợ phát triển con người (43). Bên cạnh đó, Việt Nam thể hiện tốt ở các chỉ số Sự hài lòng với các dịch vụ công (15) và Khoảng cách giới tính (27).

Viện Quản trị Chandler cũng đánh giá Việt Nam xếp thứ 42 về chỉ số Bình đẳng thu nhập, tăng 33 hạng so với năm 2021 và đứng thứ 39 về Thu hút đầu tư, tăng 18 hạng so với năm ngoái.

Theo tổ chức phi lợi nhuận quốc tế trên, nhìn chung thành tích mạnh mẽ của Việt Nam ở các trụ cột Thị trường hấp dẫn và Hỗ trợ phát triển con người cho thấy chính phủ Việt Nam tập trung vào tiến trình phát triển nền kinh tế đất nước đồng thời đảm bảo một xã hội công bằng hơn.

Trong khi đó, top 20 ghi nhận nhiều gương mặt châu Âu, với Phần Lan giữ vị trí đầu bảng và Thụy Sĩ chiếm vị trí thứ hai. Các quốc gia khu vực Châu Á–Thái Bình Dương (APAC) trong top 20 bao gồm Singapore (hạng 3); New Zealand (9); Nhật Bản (15); Úc (17); và Hàn Quốc (đồng hạng 19).

Đây là lần thứ hai Viện Quản trị Chandler công bố CGGI, do nhân viên chính phủ thiết kế để đánh giá và giúp tăng cường năng lực quản trị tốt.

Nhận định về báo cáo trên, tiến sĩ Vũ Minh Khương, Phó Giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu cho hay rằng mọi quốc gia cần đầu tư để phát triển các năng lực tốt hơn của chính phủ nếu muốn nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên của những thay đổi mang tính cách mạng.

"Vì thế, việc hỗ trợ nhóm nước đang phát triển cần tập trung vào việc trao quyền, giúp chính phủ trở thành động lực chủ đạo cho nỗ lực phát triển quốc gia và là một phần quan trọng của giải pháp cho những thách thức toàn cầu”, theo tiến sĩ Khương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.