Theo thông tin Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố tại cuộc họp báo quý 2 diễn ra sáng nay 29.6, tại Hà Nội, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý 2/2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.
GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.
Về sử dụng GDP nửa đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 64,26% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,72%, đóng góp 35,15%. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,89%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,95%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,59%.
Việt Nam xuất siêu hơn 14 tỉ USD
Xuất siêu sang Mỹ, EU tăng mạnh
Bà Hương thông tin thêm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 ước đạt 33,09 tỉ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,33 tỉ USD, tăng 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,76 tỉ USD, tăng 2,1%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỉ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỉ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỉ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.
Trong 6 tháng đầu năm, có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD, chiếm 65,6%).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nửa đầu năm ước đạt 178,45 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỉ USD, tăng 22,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 112,71 tỉ USD, tăng 14,1%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,3 tỉ USD; Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67 tỉ USD.
Nửa đầu năm, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 47,2 tỉ USD tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 17 tỉ USD, tăng 18,5%; xuất siêu sang Nhật Bản 952 triệu USD, tăng 2,8%.
Trong khi đó, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 39,2 tỉ USD, tăng 67,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 14 tỉ USD, tăng 4,9%; nhập siêu từ ASEAN 4,4 tỉ USD, tăng 9,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 6 ước tính xuất siêu 2,94 tỉ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỉ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỉ USD.
Giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương, giá dịch vụ y tế của một số tỉnh, thành phố được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12.2023, CPI tháng 6 tăng 1,40% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%.
CPI bình quân quý 2/2024 tăng 4,39% so với quý 2/2023. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Bình luận (0)