Báo động ô nhiễm không khí tại Việt Nam

26/11/2017 08:13 GMT+7

Hà Nội đang đứng trước nguy cơ lọt vào nhóm các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, ngang với Bắc Kinh (Trung Quốc).

Đây là một trong những nội dung của bức thư Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới gửi cho nhân viên của mình ở Hà Nội. Bức thư cảnh báo: Hiện tại, chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động. Tình trạng chất lượng không khí ở Hà Nội hiện nay sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới; thậm chí có khả năng đạt ngưỡng của các thành phố ô nhiễm nhất thế giới như Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Ulaanbaatar (Mông Cổ).
Liên tục vượt ngưỡng
Khuyến cáo của WHO dựa vào số liệu từ trạm quan trắc môi trường tại trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Từ năm 2016, những số liệu quan trắc này được Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) theo dõi và phân tích.
TP.HCM thường xuyên đối mặt với tình trạng mù khô do ô nhiễm không khí Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tăng cường trồng cây xanh để giảm bụi, khí độc

Phải tăng cường trồng cây xanh để giúp giảm bụi, giảm khí độc, tăng lượng ô xy. Đây không phải giải pháp mang tính tổng thể. Điều quan trọng là phải cắt giảm được nguồn phát thải chính từ các phương tiện giao thông, công trình xây dựng, giãn dân ra vùng ngoại thành để bớt tập trung dân số trong phạm vi hẹp... mới mong cải thiện được chất lượng không khí.
TS Hoàng Dương Tùng
Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT)
Kết quả phân tích cho thấy: Trong quý 1/2017, tại Hà Nội có 37 ngày nồng độ bụi siêu mịn (PM2.5, loại bụi trôi nổi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet nên dễ xâm nhập vào túi phổi - NV) cao hơn so với mức 50 µg/m3 - Quy chuẩn quốc gia Việt Nam. Còn nếu so với mức 25 µg/m3 theo khuyến cáo của WHO, thì số ngày không khí Hà Nội vượt chuẩn đến 78/90 ngày. Đáng chú ý, có ngày trong giai đoạn này nồng độ PM2.5 vượt chuẩn WHO đến 10 lần.
Không chỉ Hà Nội, TP.HCM đang có nguy cơ gia tăng ô nhiễm không khí. Trong quý 1/2017, có 6 ngày vượt Quy chuẩn quốc gia, tương ứng 78 ngày vượt chuẩn WHO; Mức AQI (chỉ số chất lượng không khí) trung bình quý tăng từ 91,2 lên 100,8; tương ứng nồng độ bụi PM2.5 trung bình tăng từ 30,72 lên 35,8 µg/m3. Còn trong quý 3/2017, có 1 ngày vượt Quy chuẩn quốc gia và 39 ngày vượt chuẩn WHO. Nếu phân tích dữ liệu theo giờ, có 87 giờ có nồng độ PM2.5 vượt quá Quy chuẩn Việt Nam và 810 giờ đối với chuẩn WHO. Tại TP.HCM, chất lượng không khí trong quý 3/2017 không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước. Số giờ trong nhóm không tốt cho sức khỏe là 13,6% so với 14,8% trong cùng kỳ năm 2016.
Liên quan đến kết quả của WHO, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Hà Nội, cho rằng: Trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ là trạm cảm biến và cách tính AQI của Mỹ khác và cao hơn nhiều so với cách tính theo hướng dẫn của Việt Nam.
“Số liệu từ các trạm cảm biến không chính xác và đủ thông số như số liệu quan trắc từ các trạm cố định, và chỉ để phục vụ công tác nghiên cứu, khảo sát xu hướng biến đổi môi trường, lập mô hình quan trắc và không thể đại diện cho chất lượng không khí chung của TP.Hà Nội. Do vậy, số liệu này là chưa khách quan và chưa phản ánh đúng hiện trạng chất lượng không khí của Hà Nội”, theo ý kiến của vị lãnh đạo trên.
Hồi giữa tháng 7.2017, Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố hiện trạng môi trường quốc gia 2016 với chuyên đề “Môi trường đô thị”. Thông tin cho thấy, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nổi cộm và trở thành sức ép đối với sự phát triển. Bụi vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Nhiều loại khí độc như: NO2, O3, CO có dấu hiệu vượt quy chuẩn. Nồng độ NO2 có xu hướng tăng trong các năm gần đây đặc biệt vào giờ cao điểm tại các nút giao thông tại khu vực giao thông trong một số đô thị lớn tại Hà Nội, TP.HCM... Nồng độ khí CO cũng tăng lên trong giờ cao điểm tại các trục giao thông và xung quanh các khu công nghiệp nằm trong đô thị. Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí ở TP.HCM tại 20 vị trí cho thấy, ô nhiễm chất lượng không khí chủ yếu là do bụi lơ lửng từ các hoạt động giao thông gây ra. Hơn 72% số liệu bụi quan trắc tại 12 vị trí giao thông vượt tiêu chuẩn VN.

Tuy nhiên vị này cũng thừa nhận chỉ tiêu bụi tổng và bụi PM10 (loại bụi trôi nổi có kích thước dưới 10 micromet - NV) tại một số vị trí và một số thời điểm trên địa bàn TP.Hà Nội vượt Quy chuẩn Việt Nam từ 1,5 - 2 lần. Chất lượng môi trường không khí của TP.Hà Nội đã có biểu hiện suy thoái, đặc biệt ở khu vực nội thành, các trục đường giao thông chính và các công trường xây dựng.
Ông Lê Tuấn Định, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cũng thừa nhận: Vào giờ cao điểm, tại một số tuyến đường vành đai và tại khu vực đang có các công trình xây dựng thì nồng độ bụi tổng, bụi PM10 và bụi PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Bụi, khí độc vượt chuẩn
Kết quả phân tích mới nhất cho thấy trong quý 3/2017, chất lượng không khí ở Hà Nội có cải thiện rõ rệt. Số giờ trong nhóm tốt cho sức khỏe đạt 77%, cao hơn nhiều so với 42% trong quý 3/2016. Số giờ trong nhóm không tốt cho sức khỏe năm 2017 là 22%, giảm mạnh so với tỷ lệ 58% cùng kỳ năm 2016.
Nhìn vào các con số trên có thể thấy, chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.HCM đang được cải thiện. Tuy nhiên theo các chuyên gia, điều này không hoàn toàn đúng bởi nguyên nhân số ngày ô nhiễm vượt chuẩn giảm là do tác động thời tiết. Cụ thể, mưa bão làm cho không khí được nước mưa “tẩy rửa” một phần đáng kể. Năm 2016, Việt Nam bị tác động của hiện tượng El Nino nên mưa ít, trong khi đó năm 2017 lượng và diện mưa cao hơn rất nhiều.
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), nhận định: Chất lượng không khí ở TP.Hà Nội chỉ đạt được mức tốt tại một số địa điểm nhất định và những ngày mưa, sau cơn mưa. Trong khi đó, số ngày có chất lượng không khí ở mức trung bình và kém chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng gần 50 - 60%. Số ngày chất lượng không khí xấu và nguy hại chưa chiếm tỷ lệ cao nhưng xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.
“Tại Hội nghị Lagos ở Thụy Sĩ năm 2016, Việt Nam đứng thứ 10 về ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí ở TP.Hà Nội là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nhưng đến nay, chưa thấy dấu hiệu khắc phục, hay chí ít là giảm mức độ. Không khí ở Hà Nội chưa đến mức như Bắc Kinh, nhưng các chỉ số ô nhiễm ngày càng tăng”, TS Tùng nói.
Thực tế từ ngày 10.4, TP.HCM công bố thông tin môi trường trên bảng điện tử tại các chốt giao thông chính. Trong đợt này, thành phố cũng công bố các chỉ số môi trường. Theo đó, có đến 20 khu vực có chỉ số vượt Quy chuẩn Việt Nam. Các khu vực bị ô nhiễm không khí, tiếng ồn nặng như: ngã tư An Sương, vòng xoay Điện Biên Phủ, Hàng Xanh, ngã sáu Gò Vấp…

tin liên quan

Đô thị ô nhiễm nặng nề
Bộ TN-MT vừa công bố hiện trạng môi trường quốc gia từ 2012 - 2016. Theo đó, môi trường ở hầu hết các đô thị đều bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe hàng chục triệu người mỗi ngày.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội Ảnh: Ngọc Thắng
Ngày 23.11, PV Thanh Niên ghi nhận thực tế ở một số tuyến đường và các điểm có biển thông báo về chất lượng không khí. Nhiều nơi bảng báo chuyển sang màu đỏ, cho biết chất lượng không khí tại đó đang ở mức nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Cụ thể như tại khu vực vòng xoay Điện Biên Phủ, ô nhiễm bụi và cả tiếng ồn đều vượt Quy chuẩn Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.