Bộ Giao thông vận tải đề xuất giảm phí quốc lộ 5

12/12/2017 19:35 GMT+7

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết Bộ vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng các phương án giảm phí tại 2 trạm BOT quốc lộ 5 .

Theo đó, phương án 1, giảm phí cho chủ phương tiện trong vùng lân cận trạm thu giá quốc lộ 5; giảm 100% cho các phương tiện nhóm một (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe bus công cộng) không tham gia kinh doanh và giảm 20% với phương tiện của các cơ quan đóng trên địa bàn quanh trạm.
Với phương án này, nếu giảm phí trong bán kính khoảng 3 km quanh trạm, nguồn thu phí sẽ giảm khoảng 51 tỉ đồng mỗi  năm; giảm trong bán kính 5 km, nguồn thu sẽ giảm khoảng 80 tỉ đồng mỗi năm. 
Phương án 2, giảm chung cho tất cả phương tiện qua trạm. Xe nhóm một giảm từ 40.000 đồng còn 35.000 đồng hoặc 30.000 đồng, các xe nhóm khác sẽ giảm tương ứng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng mỗi lượt.
Với phương án này, mức thu phí sẽ giảm khoảng 5.000 tỉ đồng so với phương án tài chính của dự án. 
Bộ Giao thông vận tải đánh giá phương án một không ảnh hưởng đến phương án tài chính, chỉ giảm khoảng 10% nguồn thu trên quốc lộ 5. Tuy nhiên, với phương án hai, Nhà nước sẽ phải hỗ trợ thêm 5.000 tỉ đồng cho dự án giai đoạn từ 2018 đến 2025. Trong điều kiện hiện nay, phương án này rất khó khả thi do nguồn ngân sách hạn hẹp.
Dùng tiền lẻ để qua trạm thu phí trên quốc lộ 5
Lại có thêm một cuộc phản đối bằng tiền lẻ, lần này địa điểm là trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5, đoạn qua địa bàn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Cho rằng giá vé qua trạm quá cao nên khoảng 30 tài xế đã dùng tiền lẻ để mua vé giống như những gì đã xảy ra tại trạm thu phí Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).
Vì thế, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng chấp nhận chủ trương giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các chủ phương tiện vùng lân cận trạm thu phí quốc lộ 5. Sau một thời gian giảm giá, Bộ sẽ tổng hợp mức sụt giảm doanh thu thực tế để cập nhật phương án tài chính và báo cáo Thủ tướng. 
Ngoài ra, Bộ này cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết phần hỗ trợ của Nhà nước chiếm 39% tổng vốn tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.  Đây là chi phí giải phóng mặt bằng 4.000 tỉ đồng, vốn hỗ trợ mà Nhà nước đã cam kết. 
Trước đó, ngày 11.12, một số tài xế ô tô dã dùng tiền lẻ trả phí tại trạm BOT quốc lộ 5, đoạn qua địa phận huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Hạ tầng phát triển và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cũng đã báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan 3 phương án xử lý trạm BOT quốc lộ 5. Ngoài 2 phương án giảm phí, Vidifi cũng đề cập đến việc dừng thu phí trên quốc lộ 5, tuy nhiên, doanh nghiệp này cho rằng phương án này không khả thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.