Cuối cùng thì công lý cũng lên tiếng, nhưng có những thứ mất đi không bao giờ tìm lại được, nên một lời xin lỗi của cơ quan tố tụng hay chút tiền bồi thường làm sao khỏa lấp...
Năm 1998, đất của cha mẹ chị Phan Thị Kim Phụng bị nhà nước thu hồi ngoài quy hoạch nên gia đình chị không đồng ý với mức bồi thường, liên tục khiếu nại. “Hậu quả” của việc không cho thu hồi đất là năm 2000, Phụng và chị gái là Phan Thị Tuyết Loan bị TAND H.Tháp Mười (Đồng Tháp) xử sơ thẩm về tội “chống người thi hành công vụ” với mức án chị Phụng 12 tháng tù, chị Loan 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Năm 2001, TAND tỉnh Đồng Tháp xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Mất cả thời thanh xuân
Năm 2003, Đội điều tra Công an H.Tháp Mười đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với hai chị em Phụng, do “chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội”. Với lý do này, chị em Phụng vẫn “có tội” nhưng do “tội không còn nguy hiểm cho xã hội” nên được đình chỉ, vì thế cũng không được bồi thường oan sai.
Không đồng ý quyết định của cơ quan tố tụng, chị Phụng cầm đơn, hồ sơ đi từ nam ra bắc tiếp tục khiếu nại, kêu oan. Ròng rã 10 năm trời, đến năm 2013, Công an H.Tháp Mười mới có quyết định hủy bỏ các quyết định đình chỉ năm 2003 và ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can do “hành vi không cấu thành tội phạm”. Từ căn cứ này, chị Phụng khiếu nại đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM tái thẩm vụ án do có tình tiết mới. Năm 2015, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM có quyết định tái thẩm hủy toàn bộ các quyết định trước đó của TAND H.Tháp Mười và tỉnh Đồng Tháp về việc không bồi thường oan sai cho chị em chị Phụng; yêu cầu các tòa án này giải quyết bồi thường thiệt hại cho hai người vì đã gây ra oan sai.
Cuối cùng, nỗi oan kéo dài 16 năm cũng được giải. Tháng 10.2016, TAND H.Tháp Mười đã tổ chức xin lỗi hai chị em Loan, Phụng. Đến ngày 6.11 vừa qua, một phiên tòa phân định tiền bồi thường oan sai cho chị em Phụng, Loan cũng được mở. Nhưng để có được kết quả này, cả thời thanh xuân của hai chị đã trôi mất. Khi bị khởi tố, cả hai đang ở tuổi đôi mươi, còn nay họ đều bước vào ngưỡng tứ tuần...
Đồng tiền và danh dự
Suốt 17 năm gõ cửa kêu oan, khiếu nại từ địa phương ra T.Ư, TAND cấp cao tại TP.HCM y án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp, buộc TAND H.Tháp Mười bồi thường oan sai cho chị Phụng khoảng 219 triệu đồng, chị Loan hơn 68 triệu đồng.
tin liên quan
Bồi thường 131 triệu đồng cho 420 ngày bị bắt oanTrưa 22.11, TAND H.Cái Nước (Cà Mau) tuyên buộc Viện KSND H.Cái Nước có trách nhiệm bồi thường oan sai 131 triệu đồng cho anh Nguyễn Hoàng Khang (23 tuổi) ngụ Cà Mau, bị bắt oan 420 ngày.
|
Gặp lại chị Phụng sau phiên tòa, thấy thần sắc chị đã khá hơn nhiều những ngày ôm hồ sơ ngược xuôi kêu oan. Nhưng chị vẫn khóc khi nghĩ về số tiền được bồi thường: “17 năm ấy, họ (người tiến hành tố tụng - PV) đong đếm, chi li với chị em tôi từng đồng. Những đồng tiền ấy có đáng gì với những mất mát của chúng tôi phải gánh, nhất là về danh dự, nhưng giống như chúng tôi đang đi xin họ vậy!”.
Với chị em Phụng, quả thực họ đã mất nhiều hơn thế: sức khỏe, tiền bạc bỏ ra cho 17 năm để khiếu nại kêu oan, đòi bồi thường. Thời gian này, khi cha mất mà nỗi oan còn đó, chị Phụng vì tập trung thời gian thay gia đình khiếu nại nên người chồng cũ đã đưa ra hai lựa chọn: một là chồng, hai là tiếp tục đi khiếu nại. Và chị phải cắn răng xa chồng, từ TP.HCM về quê ở Đồng Tháp thay cha mẹ đi gõ cửa đòi lại đất gia đình, kêu oan cho mình và chị gái. Còn chị Loan, vì quá buồn mà ăn chay, rồi đi tu.
tin liên quan
Viện KSND TP.Biên Hòa xin lỗi lái phụ tàu SE2 trong vụ tai nạn cầu GhềnhSáng 7.9, tại UBND P.Hiệp Phú (Q.9, TP.HCM), Viện KSND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Nguyễn Xuân Phú (53 tuổi, lái phụ tàu SE2).
278 ngày lao lý của người lái tàu
Tương tự chị em Loan, Phụng, người lái phụ tàu SE2 Nguyễn Xuân Phú cũng có quãng đời chông gai, nhọc nhằn nhiều năm đi kêu oan, đòi bồi thường oan sai.
Theo hồ sơ vụ án, tối 6.2.2011, ông Phú và lái tàu chính Nguyễn Văn Túy (cũng đã được bồi thường oan sai) điều khiển tàu SE2 từ TP.HCM đi Bình Thuận. Đến gần cầu Ghềnh (Đồng Nai), thấy đèn tín hiệu cho phép nên họ cho tàu chạy qua. Khi tàu vào cầu thì họ phát hiện ô tô kẹt trong cầu nên hãm phanh nhưng không kịp. Tai nạn xảy ra khiến 2 người chết, 22 người bị thương. Ông Phú bị khởi tố, tạm giam từ 6.2.2011 đến 11.11.2011 (278 ngày) về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt”. Năm 2015, Viện KSND TP.Biên Hòa đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Phú do “chuyển biến tình hình, hành vi của ông Phú không còn nguy hiểm cho xã hội”.
Ông Phú khiếu nại lý do đình chỉ nhưng bị bác, nên khiếu nại lên Viện KSND tỉnh Đồng Nai và Viện KSND tối cao. Sau khi có chỉ đạo của Viện KSND tối cao, ngày 5.4.2016 Viện KSND TP.Biên Hòa ban hành quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Phú vì lý do “không có hành vi phạm tội”.
Từ đây, ông Phú lại phải thêm chặng đường khiếu nại, ra tòa để yêu cầu bồi thường oan sai. Ông Phú yêu cầu được bồi thường 1,7 tỉ đồng, nhưng tòa đồng ý khoảng 502 triệu đồng, với lập luận chỉ chấp nhận các khoản chi phí thực tế từ thời điểm có quyết định đình chỉ ông Phú không có hành vi phạm tội, chi phí có chứng từ; không chấp nhận tổn thất thiệt hại thực tế, hệ lụy của gia đình từ việc ông Phú bị tạm giam... vì pháp luật không quy định.
Nhìn nhận mình vẫn may mắn khi có vợ luôn đồng hành, nhưng ông Phú cũng không khỏi ngậm ngùi, đau đớn với những mất mát thời gian qua, khi người cha già nhắm mắt mà vẫn canh cánh nỗi oan của con; khi cậu con trai phải dang dở ước mơ thi vào ngành công an vì cha đang “dính án”... Những nỗi đau đó, tiền nào bồi thường hết?!
|
Bình luận (0)