Hợp tác đặc biệt giữa Vietnam Airlines và Boeing diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm chính thức Việt Nam và Việt Nam - Mỹ vừa nâng mối quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện.
Theo đó, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, đánh giá, sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, làm cơ sở thúc đẩy quá trình đàm phán, hoàn thiện các thủ tục của Vietnam Airlines.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết hãng này đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển đội máy bay giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2035.
Dự án đầu tư đội máy bay thân hẹp nhằm phục vụ kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines trên các đường bay nội địa và khu vực châu Á, hoàn thiện đội máy bay hiện đại, tiện nghi và tiết kiệm nhiên liệu.
Xem nhanh 12h ngày 11.9: Việt Nam - Mỹ nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
Lý giải việc Vietnam Airlines chọn Boeing 737 Max trong kế hoạch phát triển đội máy bay thân hẹp, theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, đây là dòng máy bay thân hẹp với cấu hình 150 - 230 một hạng ghế.
Dòng máy bay này được đánh giá phù hợp với nhu cầu phát triển đội máy bay, nâng cao chất lượng dịch vụ của VNA trên các đường bay nội địa và khu vực châu Á.
"Vietnam Airlines đã có kinh nghiệm trong việc khai thác nhiều dòng máy bay khác nhau, trong đó có các thế hệ máy bay của Boeing và Airbus, nên chúng tôi đánh giá việc bảo dưỡng, sửa chữa sẽ không có khó khăn", ông Hà nói.
Với việc bổ sung Boeing 737 Max, Vietnam Airlines sẽ có cơ hội tiếp nhận chuyển giao công nghệ của một thế hệ máy bay mới, tổ chức cơ sở hạ tầng để phục vụ công tác bảo dưỡng, sửa chữa không chỉ riêng hãng mà cho cả ngành kỹ thuật hàng không trong khu vực khi sân bay Long Thành hoàn thiện.
Về chi phí, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, cho biết đây là quá trình đầu tư dài hạn, với kế hoạch đầu tư đội máy bay để phát triển tương ứng trong thời gian tới. Lịch giao nhận máy bay từ Boeing sẽ diễn ra từ 2027 - 2030, đủ thời gian cho Vietnam Airlines thu xếp nguồn tài chính.
Theo ông Hiền, để triển khai dự án, Vietnam Airlines chắc chắn phải đảm bảo và có khả năng tự chủ một phần nguồn vốn sau quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu phục hồi, phát triển sau đại dịch.
"Bên cạnh nguồn vốn chủ động của Vietnam Airlines, chúng tôi cũng kỳ vọng và tin tưởng vào sự hỗ trợ thu xếp tài chính của Boeing, cũng như Chính phủ Mỹ. Vietnam Airlines đã và tiếp tục làm việc với các định chế tài chính để tìm kiếm các cơ hội và giải pháp thu xếp vốn cho dự án phù hợp nhất, bao gồm cả các giải pháp ngắn, trung hạn cho khoản tiền trả trước (PDP Financing) và giải pháp thuê cho mua máy bay", ông Hiền nói.
Bình luận (0)