Vimefulland của ‘sơn nữ Đà Bắc’ Nguyễn Thị Loan từng dính lùm xùm gì trong địa ốc?

Lê Quân
Lê Quân
12/11/2021 15:00 GMT+7

Năm 2014, thương hiệu bất động sản Vimefulland của “sơn nữ Đà Bắc” Nguyễn Thị Loan chào sân bất động sản rồi phát triển rầm rộ sau đó, song hành với đó là không ít sai phạm.

Nghi án trốn thuế khi bán shophouse Belleville Hà Nội giá chênh cao hơn giá hợp đồng

Theo tìm hiểu, “sơn nữ Đà Bắc” Nguyễn Thị Loan khai sinh thương hiệu Vimefulland vào năm 2014. Sau đó, thương hiệu này rầm rộ phát triển hàng loạt các dự án địa ốc cùng với các pháp nhân khác nhau: Công ty CP Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, Công ty CP Đầu tư bất động sản Thanh Trì, Công ty CP Đầu tư xây dựng Nhuệ Giang, Công ty CP Bất động sản Mỹ Đình, Công ty CP Bất động sản Vimedimex…

Năm 2016, thương hiệu bất động sản Vimefulland được nhiều người biết đến hơn với dự án shophouse Belleville Hà Nội. Đây là dự án khu nhà phố thương mại được xây dựng trên lô đất B4, Khu đô thị Nam Trung Yên, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Dự án có quy mô 66 lô, chia làm 1 khu liền kề và 3 khu shophouse với diện tích khoảng khoảng 120 - 270 m2/căn.

Khu đất đấu giá ở xã Cổ Dương (H.Đông Anh, Hà Nội) liên quan đến bà Nguyễn Thị Loan, người vừa bị khởi tố, bắt tạm giam

lê quân

Năm 2017, dư luận “ngã ngửa” trước thông tin sản phẩm bất động sản dự án shophouse Belleville Hà Nội do Vimefulland của “sơn nữ Đà Bắc” Nguyễn Thị Loan được bán chênh tới gần 20 tỉ đồng/căn, có biểu hiệu trốn thuế.

Cụ thể, theo thông tin được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng, giá quảng cáo mỗi căn shohouse Belleville Hà Nội thời điểm chào bán là khoảng 12 tỉ đồng ghi trên hợp đồng. Tuy nhiên, để mua được hàng, khách phải trả thêm đến 18 tỉ đồng tiền chênh bên ngoài, không được ghi trong hợp đồng. Nhà nước sẽ không thu được thuế của khoản tiền chênh cao gấp 1,5 lần số tiền ghi trong hợp đồng giao dịch nhà đất này.

Cận cảnh lô đất khiến Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị bắt

Bán nhà 4 tầng nhưng chỉ được duyệt quy hoạch xây 3 tầng

Giữa năm 2019, Vimefulland lại dính “phốt” khi cả trăm khách hàng mua nhà tại Dự án nhà ở thấp tầng, khu cây xanh công cộng kết hợp hồ nước và các chức năng khác (tên thương mại là The Eden Rose) ở xã Thanh Liệt (H.Thanh Trì, Hà Nội) bức xúc vì bị chủ đầu tư lừa bán nhà 4 tầng, nhưng thực tế chỉ được xây 3 tầng, phần tầng 4 chỉ được đổ cột, mái nhưng không hoàn thiện thêm. Nhiều khách hàng không muốn nhận bàn giao nhà.

Dự án The Eden Rose được quy hoạch 3 tầng nhưng Vimefulland quảng cáo 4 tầng để bán cho nhiều người

lê quân

Theo tìm hiểu, tháng 4.2016, UBND TP.Hà Nội có Quyết định phê duyệt chi tiết dự án The Eden Rose tỷ lệ 1/500, thể hiện các căn biệt thự, liền kề cao 3 tầng. Tháng 8.2016, UBND TP.Hà Nội tiếp tục có Quyết định chủ trương đầu tư nêu rõ về chỉ tiêu quy hoạch và kiến trúc của dự án này là 233 căn hộ thấp tầng, gồm nhà biệt thự, liền kề cao 3 tầng.

Nhưng đối chiếu với hiện trạng dự án, thông tin chủ đầu tư đã quảng cáo, ký hợp đồng mua bán với khách hàng kèm theo các bản vẽ biến tướng thành nhà 4 tầng. Diện tích tầng 4 của mỗi căn khá lớn, từ 27 - 50 m 2, được quảng cáo sử dụng thành các phòng chức năng giặt, phòng thờ…

Khách mua nhà tại The Eden Rose còn phản ánh Vimefulland cố tình mập mờ khi yêu cầu nhiều khách hàng đến ký kết hợp đồng sửa đổi để biến tầng 4 thành “mái chống nóng”, đưa diện tích này nằm ngoài diện tích được cấp giấy chứng nhận; tự đưa ra mức giảm giá do không hoàn thiện tầng 4 theo hợp đồng với mức rất thấp, khách hàng không được thương lượng và buộc phải ký tại chỗ.

Nhiều người không đồng ý vì nhận thấy chủ đầu tư trục lợi nhiều tỉ đồng từ vi phạm quy hoạch là tự ý tăng diện tích tầng 4, biến thành diện tích bán hàng, rồi sau đó lại phù phép thành mái chống nóng để qua mặt cơ quan nhà nước khi thẩm định cấp sổ đỏ.

Thi công không phép, lừa dối khách hàng...

Cuối năm 2019, Vimefulland lại dính lùm xùm khi thi công dự án The Lotus Center ở P.Phú Thượng (Q.Tây Hồ, Hà Nội) không giấy phép. Dự án có tổng diện tích hơn 1,9 ha, gồm 5 tầng hầm, 40 tầng nổi. Từ tầng 1 đến tầng 5 là shophouse và trung tâm thương mại. Từ tầng 6 đến 40 là khu căn hộ với hơn 3.200 căn.

UBND P.Phú Thượng khi đó đã lập biên bản yêu cầu dừng thi công nhưng đơn vị phát triển bất động sản của nữ đại gia Nguyễn Thị Loan vẫn bất chấp, thi công phần móng, đồng thời rao bán sản phẩm.

Cư dân dự án Iris Garden căng băng rôn thể hiện bức xúc với chủ đầu tư

lê quân

Tại dự án tổ hợp chung cư Iris Garden ở số 30 Trần Hữu Dực, Khu đô thị Mỹ Đình 1 (P.Mỹ Đình, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Vimefulland xây dựng từ cuối 2017, với 5 toà nhà cao từ 25 - 29 tầng, khoảng 1.128 căn hộ, cư dân bức xúc vì bị chủ đầu tư lừa dối.

Trước đó, năm 2017, dự án này cũng dính “phốt” thi công khi chưa có giấy phép, bị thanh tra xây dựng lập biên bản yêu cầu dừng thi công, phạt 40 triệu đồng.

Gần đây, cư dân tại chung cư Iris Garden bức xúc về các tiện ích nước sạch tại vòi với hệ thống lọc hiện đại thực ra là máy lọc nước Kangaroo; hệ thống an ninh 3 lớp nhưng thực tế ra vào tự do như nhà tái định cư; trung tâm thương mại, vui chơi mua sắm nhưng thực tế không có gì; chủ đầu tư bán hàng xong trốn tránh trách nhiệm, không đối thoại với cư dân; có dấu hiệu vi phạm hợp đồng, bỏ tường cách âm khi chưa có thoả thuận với khách mua nhà gây tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân; thu phí tiện ích cao nhất Hà Nội, lên đến 13.000 đồng/m2/tháng, nhưng tiện ích không bằng nhà tái định cư; sảnh không có ghế ngồi; bể bơi không hoạt động, các hoạt động vui chơi lễ tết làm qua loa cho xong chuyện...

Sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị yêu cầu chủ đầu tư giải quyết các vấn đề đang gặp phải nhưng không nhận được sự phản hồi từ phía Vimefulland, cư dân Iris Garden đã treo băng rôn tố cáo sai phạm, yêu cầu chủ đầu tư đối thoại.

Tuy nhiên, thay vì phản hồi lại cư dân theo hướng tích cực, tìm tiếng nói chung thì ban quản lý tòa nhà đã cắt nước một số hộ dân căng băng rôn. Đồng thời, cử người đu dây từ tầng thượng xuống gỡ băng rôn của cư dân treo trên ban công.

Bà Nguyễn Thị Loan vừa bị cơ quan công an bắt, liên quan đến việc đấu giá khu đất ở xã Cổ Dương (H.Đông Anh, Hà Nội). Theo cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Loan sinh năm 1970, tại TT.Đà Bắc, H.Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Bà Loan từng làm cán bộ ngân hàng, sau đó khởi nghiệp với Công ty CP Chứng khoán Hòa Bình (tháng 2.2008) và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT từ năm 2008 đến nay.

Vài tháng sau khi Chứng khoán Hòa Bình được thành lập, doanh nghiệp này đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex (VMD) tháng 8.2008.

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex, khi chưa bị khởi tố, bắt tạm giam

tư liệu

Vimedimex được thành lập từ năm 1984, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp này được cổ phần hoá năm 2006. Cổ đông lớn của công ty hiện là Công ty CP Dược phẩm Vimedimex 2 nắm 45,34%, Trần Đình Huynh nắm 7 triệu cổ phiếu tương ứng 45,34%, Lê Xuân Tùng (con bà Nguyễn Thị Loan) nắm 7,39% vốn của doanh nghiệp.

Từ tháng 4.2009 đến nay, bà Loan lần lượt giữ ghế Phó chủ tịch HĐQT rồi Chủ tịch HĐQT VMD (2012). Trước khi bị bắt, bà Loan đang giữ chức danh Chủ tịch HĐQT VMD nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Đồng thời, bà Loan cũng là Chủ tịch của Vimedimex 2 - cổ đông đang sở hữu hơn 45% cổ phần tại VMD. Vimedimex 2 có vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng. Ngoài ra, bà này còn là đại diện pháp luật của nhiều doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH - Trung tâm Phân phối dược phẩm Vimedimex, Công ty CP Quản lý quỹ quốc tế, Công ty TNHH bất động sản Vimedimex Hòa Bình…

Bà Nguyễn Thị Loan tại cơ quan công an

công an cung cấp

Theo tìm hiểu, sau khi trở thành cổ đông chiến lược của VMD, bà Loan đã dùng VMD làm đòn bẩy để từ đó phát triển Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group) với hệ sinh thái bao gồm: tài chính, y dược và bất động sản. Vimedimex Group hiện có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, lớn gấp 20 lần VMD "gốc" đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.