Những cơ chế cần thay đổi
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn nhận trách nhiệm, nhưng chưa nói rõ được trách nhiệm ở đâu, mức nào mà chủ yếu nêu những lỗ hổng từ cơ chế và chính sách.
|
ĐB Lê Thị Nga làm nóng hội trường ngay từ đầu khi chất vấn về trách nhiệm của Bộ KH-ĐT trong quản lý nhà nước khi đã không thể phát hiện được những vi phạm của Vinalines. Bộ trưởng Vinh thẳng thắn nhận ngay một phần trách nhiệm nhưng chỉ về mặt nguyên tắc vì cho rằng Bộ không có quyền và không được can thiệp vào quyết định đầu tư của Vinalines. Ông Vinh giải thích do trong các đạo luật và nghị định (NĐ) hiện hành trao quyền cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhiều hơn, quản lý thông thoáng hơn. Riêng các dự án (DA) đầu tư, văn bản dưới luật quy định các TĐ-TCT khi triển khai DA tự chịu trách nhiệm quyết định và quản lý. “Thẩm quyền của TĐ-TCT được quyết định các DA, TĐ-TCT không báo cáo nên hoạt động của Vinashin và Vinalines, Bộ không biết”, ông nói.
|
Chưa vừa ý, ĐB Nga hỏi lại: “Bộ trưởng nói TĐ-TCT không báo cáo, Bộ không nắm được, đề nghị Bộ trưởng giải trình rõ lý do và nguyên nhân? Bộ tham mưu gì cho Chính phủ để chống tham nhũng thất thoát và trách nhiệm cụ thể của Bộ trong vụ Vinalines?”. Bộ trưởng Vinh đáp: “Về trách nhiệm, hiện chúng tôi đã báo cáo và được Chính phủ chấp nhận. Về tham mưu, QH đã đồng ý sửa đổi luật DN và luật Đầu tư. Vinalines sai phạm, Bộ không nắm được vì trong luật cho họ quyết định các DA đầu tư, Bộ đến xin họ cũng không cho. Có lần Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư đến, họ không tiếp, vì họ bảo không có trách nhiệm báo cáo. Tôi đã nhận trách nhiệm trong quản lý chung, còn nói không có trách nhiệm là không được, nhưng cụ thể như thế nào rất khó”.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) tiếp tục chất vấn: “Hai năm trước tại hội trường này, giữa Bộ trưởng Bộ KH-ĐT và một vị thường trực QH tranh luận với nhau về trách nhiệm liên quan tới Vinashin, và Bộ KH-ĐT khẳng định vô can trong sự việc này. Vừa rồi, Bộ trưởng cho biết theo quy định hiện nay thì chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc quyết hết không ai biết. Thế thì một nguồn lực lớn của nhân dân giao cho nhà nước, cơ quan tham mưu là Bộ KH-ĐT phân bổ nguồn lực, tôi xin hỏi Bộ trưởng có xót xa mà dùng tiền đó không, hay xem tiền đó như tiền của riêng các ông này mà không phải của nhân dân? Sự chậm trễ trong sửa luật như thế nào, hay là chúng ta tiếp tục để Bộ KH-ĐT vô can trong tất cả sự thất thoát nữa?”. Bộ trưởng trả lời: “Tôi nghĩ rằng vốn ở DNNN là vốn của nhà nước, của người dân, kể cả vốn chủ sở hữu và vốn DN đi vay. Khi DN đổ bể, nhà nước phải cứu trợ, bảo lãnh, không thể để DN ấy “chết” được. Các quyết định đầu tư DA lớn đều phải báo cáo, chứ không thể nói không được. Phải có người giám sát, chứ không thể nào trao quyền quá lớn như vậy, luật quy định rồi, nhưng rõ ràng cần thay đổi cơ chế để giám sát chặt chẽ hơn”.
|
Chưa hài lòng, ĐB Trần Du Lịch tiếp tục hỏi lại: “Trước đây Chủ tịch QH có nói sau vụ Vinashin dẫn tới lỗ hổng pháp lý và dẫn tới lỗ hổng trách nhiệm. Các bộ có liên quan gồm Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành không nhận trách nhiệm, tất cả dồn hết Thủ tướng và Thủ tướng phải nhận trách nhiệm trước QH. Thủ tướng chỉ đạo phải sửa lỗ hổng này, nhưng rất tiếc kéo dài đến bây giờ. Tôi xin đề nghị Bộ trưởng xem lại bao giờ xác định lại trách nhiệm, cơ chế quản lý không thể loại bỏ trách nhiệm của các bộ”. Mặc dù câu hỏi cụ thể, sát với vấn đề nhưng đáp lại, Bộ trưởng Vinh nói: “Bộ KH-ĐT được giao soạn thảo sửa đổi NĐ 132 về quản lý vốn đầu tư tại DNNN khi nào được thông qua sẽ làm rõ được trách nhiệm. Chúng tôi đã làm ngay trong năm 2010, đã trình Chính phủ thảo luận 1, 2 lần rồi nhưng không quyết định được. Tôi tin rằng thời gian ngắn Thủ tướng sẽ phê duyệt trong 1, 2 tháng tới”.
Lúng túng trong quản lý tập đoàn, tổng công ty
Được mời hỗ trợ thêm cho Bộ trưởng Vinh, Bộ trưởng Bộ Tài chính (TC) Vương Đình Huệ cho biết, theo quy định hiện hành, các kế hoạch SXKD trong 5 năm tại các TĐ-TCT đều được Thủ tướng phê duyệt, Vinalines không ngoại lệ, khi kế hoạch được phê duyệt từ năm 2006. Đối với vi phạm của TCT này, ông Huệ cho biết, thanh tra đã có kết luận việc đầu tư không hiệu quả, sai phạm khi mua ụ nổi, trách nhiệm chính của Chủ tịch và Tổng giám đốc Vinalines. “Báo cáo thanh tra không nói đến trách nhiệm của Bộ TC và KH-ĐT”, ông nói và khẳng định, yếu kém hiện nay trong quản lý tại các TĐ-TCT là lúng túng trong tách bạch quản lý hành chính nhà nước và vai trò chủ sở hữu. Để khắc phục tình trạng này, hiện Bộ KH-ĐT đã hoàn thành xong NĐ quản lý, tách bạch rõ. Bên cạnh đó, Bộ TC thành lập Tổng cục Quản lý giám sát tài chính DN làm cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp, theo dõi, đánh giá hiệu quả của DNNN kể cả TĐ-TCT, hiện đã trình Thủ tướng. Thứ hai, trước kia vai trò giám sát thực tế tại các TĐ-TCT còn lỏng lẻo, sắp tới sẽ tăng cường giám sát.
Liên quan đến hiệu quả hoạt động của Vinalines, ông Huệ cho biết, thực tế trong kết quả nghiên cứu báo cáo tài chính 2010 của TCT này, Bộ đã có văn bản báo cáo tình hình hoạt động của TCT trong 2009 và 2010 và khuyến cáo cụ thể. Tiếp đó, đến 27.7.2011, Bộ TC có văn bản báo cáo tình hình tài chính Vinalines, cảnh báo tình hình tài chính của công ty mẹ rất khó khăn, và đề xuất nhiều phương án xử lý.
Về trách nhiệm của Bộ TC, ông Huệ nói: “Trách nhiệm của Bộ TC là trong việc tham mưu trong ban hành quản lý giám sát TĐ-TCT nói chung. Bộ được giao ban hành các NĐ liên quan, trong 2011 đã trình Chính phủ NĐ 59 thay thế NĐ 109 về tình hình chuyển đổi công ty TNHH MTV sang cổ phần, trình quy chế, giám sát đánh giá hiệu quả DNNN... Các quyết định này đã trình Thủ tướng”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường trả lời chất vấn: Từ “bài học sâu sắc” đến việc “trải thảm” Phần lớn các câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường sáng qua 13.6 đều tập trung vào vấn đề bức xúc trong việc thu hồi, sử dụng đất.Do mâu thuẫn lợi ích ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) mở đầu phiên chất vấn với câu hỏi: “Việc thu hồi, đền bù đất thời gian qua gây bức xúc, bất ổn trong xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với chính quyền. Vấn đề này đã nóng, đang nóng và tiếp tục sẽ còn rất nóng trong thời gian tới. Bộ trưởng đã và sẽ có những giải pháp cụ thể gì để giải quyết vấn đề này?”. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận lĩnh vực đất đai rất phức tạp.
“Giá đất bồi thường còn thấp, chưa có quy định bắt buộc phải xây dựng khu tái định cư, tạo việc làm mới, chuyển nghề cho người bị thu hồi đất trước khi thu hồi”, Bộ trưởng Quang nhận định. Theo ông Quang, mâu thuẫn, bất đồng lợi ích giữa 3 bên là lợi ích của nhà nước, của người có đất và nhà đầu tư là nguyên nhân cơ bản gây ra những bức xúc, khiếu kiện kéo dài trong thời gian qua. Nếu có cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người dân có đất thì giá thỏa thuận sẽ cao hơn so với giá đất mà nhà nước đứng ra thu hồi. Khi sửa luật Đất đai cần phải xem xét và quy định nhà nước sẽ quyết định thu hồi, lợi ích của mỗi bên cụ thể là gì, ông Quang nói. Cũng liên quan tới khiếu kiện về đất đai, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Tiền Giang) đặt vấn đề: tại sao sau khi có kết quả giải quyết, trên 90% người dân vẫn tiếp tục khiếu nại? Trong khi chờ sửa luật Đất đai, Bộ trưởng sẽ làm gì để tham mưu Chính phủ giải quyết những điểm nóng đất đai, nhất là những vụ kéo dài thời gian qua?”. Bộ trưởng Quang hứa: “Số vụ khiếu kiện kéo dài còn nhiều. Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết”. Đề cập thẳng vào một số vụ việc thu hồi đất gây bức xúc trong thời gian gần đây như vụ Tiên Lãng (Hải Phòng), vụ Văn Giang (Hưng Yên), vụ 2 mẹ con khỏa thân để phản ứng tại Cần Thơ, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng trả lời cho QH và cử tri cả nước được biết những vụ việc đó đúng - sai thế nào và bao giờ giải quyết xong? Thừa nhận để xảy ra các vụ việc đó rất đáng tiếc, “vụ Tiên Lãng là bài học sâu sắc đối với chúng tôi trong việc quản lý ngành”, Bộ trưởng Quang cho hay đã thấy rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - Môi trường, của địa phương trong việc thanh tra giải quyết các vụ việc này. “Còn việc đúng - sai thì phải được làm rõ và giải quyết trên cơ sở pháp luật chứ không có cách nào khác”, Bộ trưởng khẳng định. “Thảm đỏ” cho nhà đầu tư, “thảm gai” cho người dân? ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng: các địa phương “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư nhưng lại “trải thảm gai” cho nông dân. Người dân không có đất sản xuất trong khi các tài nguyên đất đai ở các khu công nghiệp, khu đô thị “ma” để hoang hóa. Bộ trưởng có biện pháp nào để hạn chế lãng phí này? Bộ trưởng Quang cho rằng: việc “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư là chủ trương lớn, trong giai đoạn hiện đại hóa, công nghiệp hóa thì vẫn phải tiếp tục “trải thảm đỏ”, nhưng sẽ không làm việc này bằng mọi giá mà phải tính đến lợi ích của người dân. Thừa nhận việc đất bỏ hoang hóa trong các khu công nghiệp, khu đô thị là vấn đề bức xúc nhưng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: không có chuyện trải thảm đỏ cho nhà đầu tư mà lại trải thảm gai cho nông dân. “Trải thảm” cho lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, theo ông Dũng, cũng là để có nguồn lực tái đầu tư cho tam nông. “Việc làm đô thị hiện tại còn tự phát, theo phong trào, dẫn đến lãng phí. Nguyên nhân đầu tiên do quy hoạch chậm, bị động so với quá trình phát triển. Chất lượng quy hoạch thấp so với yêu cầu, thiếu nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị. Quản lý từ T.Ư đến địa phương trong quản lý đô thị đều có vấn đề. Bộ Xây dựng là cơ quan chịu nhiều trách nhiệm trong việc này” - Bộ trưởng Dũng thừa nhận. Ông Dũng cho hay: Bộ đang soạn thảo những văn bản quy phạm pháp luật trong đó phân bổ rõ lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Trong đó, đặc biệt chú ý đến lợi ích của người dân có đất bị thu hồi. Tuệ Nguyễn |
Chưa thỏa mãn Trao đổi với Thanh Niên sau ngày chất vấn đầu tiên tại kỳ họp QH, một số ĐBQH cho biết chưa thỏa mãn với nội dung giải trình của các bộ trưởng. Điều đáng nói là thay vì giải đáp trực tiếp các câu hỏi được cho là hóc búa của ĐB, các bộ trưởng lại "khất" bằng việc hứa hẹn gửi văn bản trả lời sau. 2 bộ trưởng né tránh trả lời câu hỏi Tôi chưa thỏa mãn với câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường (TN -MT) về câu hỏi của tôi. Tôi chỉ hỏi một việc, đó là có bao nhiêu diện tích đất rừng cho doanh nghiệp nước ngoài thuê và hiện nay còn bao nhiêu tỉnh cho thuê đất rừng như vậy? Nhiệm kỳ trước, Ủy ban Quốc phòng - An ninh sau khi giám sát đã đưa ra cảnh báo về tình trạng những khu vực rừng cho thuê là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và là khu vực nhạy cảm về an ninh. Vấn đề này ĐBQH cũng đã đưa ra cảnh báo từ nhiệm kỳ QH trước.Bộ trưởng TN-MT né tránh câu hỏi này của tôi đến mức Chủ tịch QH phải nhắc đi nhắc lại và đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ có bao nhiêu tỉnh cho thuê đất rừng, diện tích cho thuê là bao nhiêu? Còn Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư khi trả lời, một là có thể không nắm được số liệu cụ thể, hoặc cũng có thể muốn hoãn binh nên hứa trả lời tôi bằng văn bản sau. Nhiệm kỳ QH trước, tôi thấy Bộ trưởng 3 bộ: TN-MT, Kế hoạch - Đầu tư và NN-PTNT đã hứa trước QH sẽ giải quyết sự việc này. Tôi là một trong những ĐB đeo bám rất kỹ sự việc này và đến bây giờ vẫn tiếp tục, vì đây là những bức xúc của cử tri, của nhân dân cả nước. (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của QH Lê Như Tiến) Tôi đâu hỏi với tư cách cá nhân Trả lời chất vấn của Bộ trưởng TN-MT chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa rõ, cho nên tôi đã phải hỏi lại. Tôi hỏi Bộ trưởng dư luận cả nước đang quan tâm nhiều vụ việc liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất vừa qua như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, rồi vụ ở Văn Giang (Hưng Yên), Nam Định, Cần Thơ..., trong từng vụ việc một thì ai đúng, ai sai, xử lý thế nào nhưng Bộ trưởng không làm rõ được. Bây giờ Bộ trưởng hứa trả lời tôi bằng văn bản, tôi lại phải chờ, mà không rõ thời hạn trả lời là khi nào. Bộ trưởng còn nói mời tôi đến cơ quan để giải đáp, nhưng tôi sẽ không đến vì tôi hỏi là đại diện cho cử tri chứ có hỏi với tư cách cá nhân đâu mà đến gặp riêng? Cho nên Bộ trưởng phải trả lời tôi trước cử tri mới đúng. (ĐBQH Bùi Thị An - Hà Nội) Bảo Cầm (ghi) |
Anh Vũ
>> Bộ trưởng GTVT nhận nhiều câu hỏi chất vấn nhất
>> Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4 bộ trưởng trả lời chất vấn
>> Lên Sài Gòn làm... nông dân
>> Vào tù vì đất đai
>> Đại biểu kiến nghị giảm thuế, Bộ trưởng nói không thể
>> Thích làm “hộ nghèo”
>> Sửa luật Đất đai: Dân đang trông đợi từng ngày, từng giờ
>> Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4 bộ trưởng trả lời chất vấn
Bình luận (0)