VinFuture thu hút giới khoa học hàng đầu thế giới

11/06/2021 06:21 GMT+7

Hôm qua 10.6, Quỹ VinFuture công bố chính thức đóng cổng tiếp nhận đề cử cho Giải thưởng Khoa học - Công nghệ toàn cầu VinFuture năm 2021.

Chỉ 4 tháng sau khi chính thức nhận đề cử, Giải thưởng Khoa học - Công nghệ toàn cầu VinFuture của tỉ phú USD Phạm Nhật vượng đã “chốt sổ” với con số ấn tượng: Gần 1.200 đăng ký giới thiệu đề cử, gần 600 dự án đến từ hơn 60 quốc gia.

Nhiều chủ nhân giải Nobel, Breakthrough, Tang Prize... tranh giải VinFuture

Đáng chú ý, giải thưởng đã thu hút được đăng ký giới thiệu đề cử đến từ những “cái nôi học thuật” trên thế giới. Điển hình là Đại học Harvard - nơi hội tụ nhiều nhà khoa học lỗi lạc; các đại học Cambridge và Oxford - nơi nổi tiếng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật với nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel; Đại học Tokyo - tổ chức giáo dục đại học hàng đầu tại Nhật Bản... cùng các tổ chức uy tín như Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ - cơ quan đầu não của chính phủ Mỹ về y tế công; Hiệp hội Max Planck của Đức - tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới về khoa học - công nghệ; Viện Khoa học Trung Quốc - một trong những tổ chức nghiên cứu lớn nhất thế giới…

Dàn hội đồng giải thưởng là những nhà khoa học uy tín, có tiếng nói và tầm ảnh hưởng trong giới khoa học, tạo nên sự tin tưởng rất lớn cho những người có đam mê nghiên cứu và muốn thử sức, chứng minh

PGS-TS Võ Văn Sen

Với mục tiêu “tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người trên trái đất bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và ứng dụng đổi mới công nghệ”, Quỹ VinFuture và Giải thưởng VinFuture đã nhận được ủng hộ nhiệt tình của giới khoa học toàn cầu. Đặc biệt, cùng với sự tham gia sôi nổi của các nhà sáng chế đến từ các quốc gia đang phát triển, còn có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học danh tiếng và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo hàng đầu thế giới. Cụ thể, gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% được trích dẫn nhiều nhất. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nobel, Giải thưởng Breakthrough, Giải thưởng Tang Prize, Giải thưởng Japan Prize...
Mặc dù phần lớn các tác giả là các nhà khoa học đến từ Bắc Mỹ (31,6 %), châu Á (33,9%) và châu Âu (21%) nhưng VinFuture cũng ghi nhận sự góp mặt ấn tượng của các nhà nghiên cứu từ châu Đại Dương, châu Mỹ Latin và châu Phi. Đáng chú ý, các nhà khoa học nữ hiện diện ở tất cả các hạng mục đề cử và chiếm 34,3% tổng số ứng viên. Tất cả đều chung mục tiêu hướng tới khoa học phụng sự nhân loại, cống hiến những giải pháp có tính ứng dụng và thực tiễn cao, nhằm tạo ra sự thay đổi tốt đẹp cho cuộc sống con người.
Bên cạnh số lượng hùng hậu của dự án và uy tín của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu được đề cử, Giải thưởng VinFuture năm nay cũng chứng kiến sự đa dạng và chiều sâu của các lĩnh vực được nghiên cứu nhằm giải quyết những thách thức chung của nhân loại. Các sáng kiến tập trung giải quyết việc phòng chống và điều trị dịch bệnh ở quy mô toàn cầu; các nghiên cứu/phát minh nhằm xóa đói giảm nghèo lâu dài; phát triển nông nghiệp thông minh và cung cấp lương thực, thực phẩm sạch; phát triển năng lượng tái tạo; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số khác trong giáo dục và đời sống…

Hấp lực đến từ uy tín và chất lượng

Thực tế, ngay từ khi thông tin ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cùng phu nhân là bà Phạm Thu Hương sáng lập Quỹ VinFuture để tổ chức giải thưởng khoa học - công nghệ quốc tế đầu tiên tại Việt Nam được công bố cuối tháng 12.2020, đã có rất nhiều bạn đọc liên hệ tới tòa soạn Báo Thanh Niên để tìm kiếm thông tin, cách thức tham gia ứng cử.
Trong giai đoạn tiếp theo, các đề cử sẽ được xét duyệt bởi Hội đồng sơ khảo gồm 12 thành viên là các nhà khoa học, các chuyên gia uy tín ở nhiều lĩnh vực và quốc gia. Dự kiến, Hội đồng sơ khảo sẽ giới thiệu những ứng viên xứng đáng nhất cho Hội đồng giải thưởng vào tháng 8 tới. Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) sẽ được trao cho đề cử mang lại sự thay đổi tích cực nhất cho nhân loại. Bên cạnh đó, VinFuture sẽ trao 3 giải đặc biệt dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới. Mỗi giải đặc biệt có trị giá 11,5 tỉ đồng mỗi năm, tương đương 500.000 USD. Chủ nhân của các giải thưởng VinFuture năm 2021 sẽ được công bố vào ngày 20.12. Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 20.1.2022.
Không chỉ gây chú ý bởi cơ cấu giải thưởng “khủng” với giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 70 tỉ đồng, tương đương 3 triệu USD, là một trong những giải thưởng khoa học - công nghệ quy mô toàn cầu có giá trị lớn nhất cho đến nay, VinFuture còn tạo ấn tượng cực mạnh bởi dàn hội đồng giải thưởng độc lập bao gồm các nhà khoa học, nhà phát minh uy tín quốc tế đến từ các tổ chức giáo dục, nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Có thể kể tới như GS Gérard Mourou, Đại học Bách khoa Pháp - người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2018; GS Sir Richard Henry Friend - GS Cavendish vật lý tại Đại học Cambridge (Anh); GS Jennifer Tour Chayes - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Microsoft, Phó hiệu trưởng Trường Máy tính, khoa học dữ liệu và xã hội, Đại học California, Berkeley (Mỹ); GS Michael Porter, Đại học Harvard (Mỹ), cha đẻ học thuyết “Chiến lược cạnh tranh toàn cầu”; GS Sir Kostya S.Novoselov, Đại học Manchester (Anh) - người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2010 ở tuổi 36; GS Vũ Hà Văn - người Việt hiếm hoi vừa được bầu là Fellows năm 2020 dành cho những nhà khoa học có đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu hoặc thể hiện vai trò lãnh đạo nổi bật trong lĩnh vực thống kê hoặc xác suất của Viện Toán thống kê IMS (Institute of Mathematical Statistics)...
PGS-TS Võ Văn Sen, Chủ tịch Hội đồng khoa học - Trường đại học KHXH-NV - Đại học Quốc gia TP.HCM, đánh giá sau khi ghi dấu ấn Việt Nam trên hoạt động khoa học quốc tế, VinFuture đang ngày càng khẳng định uy tín và chất lượng của giải thưởng này thông qua kết quả số lượng đề cử ấn tượng vừa đạt được. Theo ông, có 2 nguyên nhân cấu thành nên thành công bước đầu của VinFuture. Thứ nhất, về thực tế khách quan: Nghiên cứu khoa học, sáng chế, phát minh đang là nhu cầu lớn nhất của con người trong thời đại hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Mặc dù các nước đều có nhiều giải thưởng khoa học, giải thưởng cho những phát minh lớn nhưng vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu nghiên cứu. Nói cách khác, các nhà khoa học vẫn còn “đói” ngân sách, “đói” kinh phí. Đặc biệt, ở những quốc gia chưa hoặc đang phát triển, vấn đề kinh phí cho nghiên cứu khoa học là rào cản rất lớn. Do đó, một quỹ khoa học lớn, với những giải thưởng “khủng” sẽ lập tức nhận được hưởng ứng tốt.
Thứ hai, uy tín của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, của Tập đoàn Vingroup là bảo chứng rất lớn cho giải thưởng này. Một cá nhân từ hai bàn tay trắng gầy dựng nên một doanh nghiệp lớn mạnh nhất nước, một tổ chức tâm huyết, đàng hoàng, mang lại rất nhiều giá trị cho đất nước và xã hội nên mọi sản phẩm tạo ra đều nhận được sự tín nhiệm, công nhận từ cộng đồng. “Cùng với đó, dàn hội đồng giải thưởng là những nhà khoa học uy tín, có tiếng nói và tầm ảnh hưởng trong giới khoa học tạo nên sự tin tưởng rất lớn cho những người có đam mê nghiên cứu và muốn thử sức, chứng minh”, PGS-TS Võ Văn Sen nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.