Vĩnh biệt Anh Hai Cù Nèo - nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
25/07/2021 22:41 GMT+7

Tin từ gia đình cho hay nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa vừa ra đi lúc 22 giờ 25 ngày 25.7 khiến đồng nghiệp không khỏi bàng hoàng dù biết anh khó chiến thắng được căn bệnh ung thư tái phát.

Một đời gắn chặt với Sài Gòn, nhà văn,nhà báo Lê Văn Nghĩa bất ngờ từ giã nó đúng lúc mảnh đất này đang chống chọi với dịch bệnh. 10 năm trước anh phát hiện bị ung thư trực tràng và nhập viện chạy chữa. Thời gian qua đi, bạn bè thấy anh còn khỏe, vẫn cặm cụi viết báo, viết sách ngày ngày. Thỉnh thoảng anh gọi cho một số bạn bè thân như nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà báo Lưu Đình Triều, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Đoàn Thạch Biền… họp mặt làm vài chai bia, nhắc lại chuyện đời, chuyện nghề.
Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Sài Gòn, lớn lên ở quận 6. Tuổi thơ của anh gắn chặt với xóm nghèo, với những người dân lao động đầu tắt mặt tối vì miếng ăn. Ngày thơ bé, anh học trườmg Bình Tây (nay là trường tiểu học Nguyễn Huệ) nên có quá nhiều ký ức để dệt nên quyển sách nổi tiếng sau này: Tụi lớp nhất trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ.
Lên trung học anh đậu vào trường Petrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) và cũng từ đây mà quyển Mùa hè năm Petrus sau này trở thành một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi Lê Văn Nghĩa trên văn đàn. Đến tuổi trưởng thành, anh tham gia phong trào học sinh-sinh viên yêu nước xuống đường đấu tranh trước 1975, bị bắt giam tận Côn Đảo.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa tại buổi ra mắt cuốn sách mới Văn học Sài Gòn 1954 – 1975, những chuyện bên lề ngày 31.10.2020 ở Đường sách TP.HCM

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Sau 1975, Lê Văn Nghĩa trở thành phóng viên báo Tuổi Trẻ. Anh dần định hình phong cách viết “tưng tửng” đậm chất trào phúng và nổi danh trong làng báo Sài Gòn với các bút danh Hai Cù Nèo, Điệp Viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ…
Nhà văn, nhà báo Dương Thành Truyền từng gọi Lê Văn Nghĩa là “nhà văn viết sử bằng trái tim”, có lẽ bởi anh quá yêu mảnh đất Sài Gòn này, nơi đã làm nên con người Lê Văn Nghĩa hôm nay: thẳng tính, xuề xòa nhưng sống có nghĩa, có tình. Từng ngóc ngách, kỷ niệm đong đầy tuổi thơ được anh Hai Cù Nèo đưa vào những trang sách đậm hương vị Sài Gòn: Sài Gòn – Dòng dông tuổi thơ, Sài Gòn – Khâu lại mảnh thời gian, Sài Gòn – Chuyện xưa mà chưa cũ, Văn học Sài Gòn 1954 – 1975, những chuyện bên lề hay Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy… Đọc các tác phẩm của Lê Văn Nghĩa ắt hẵn bạn đọc như nhìn thấy chính mình trong đó – những người Sài Gòn không phải giới “ăn trắng mặc trơn” mà là những con người bình dị, chất phác, cặm cụi kiếm sống nơi miền đất sẵn sàng cưu mang nhiều thân phận từ mọi miền.
Để có được những trang viết đầy tình cảm về vùng đất phương Nam này, Lê Văn Nghĩa sống như một người mà đâu cũng có thể là nhà, rồi rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm tạo nên hồn cốt của một Sài Gòn đầy bao dung, rộng lượng. Với anh, những gì thuộc về Sài Gòn là ký ức, là nỗi niềm, là tất cả.
Không những thế Lê Văn Nghĩa còn là người rất chịu khó sưu tầm những tư liệu quý về Sài Gòn-Chợ Lớn để viết nhiều bài báo đắt giá đến nỗi chỉ nhìn thấy bút danh Lê Văn Nghĩa bạn đọc dễ nhận ra bài báo sẽ nhắc đến những gì thuộc về Sài Gòn xưa cũ như loạt bài Một thời nhạc trẻ Sai Gòn, Thú chơi nhạc ở Sài Gòn, Sài Gòn tiếng rao “nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao”, Tuổi thơ Sài Gòn và “rạp” chiếu bóng thùng, Sài Gòn tối leo lên giường, nằm nghe cải lương
Một người yêu Sài Gòn đến thế giờ đã giã từ “người tình” để về với cát bụi. Những năm tháng dài chống chọi với bệnh tật, Lê Văn Nghĩa vẫn vui sống, không chút muộn phiền bởi với anh “còn sống là còn vui với bạn bè cùng những con chữ”. Anh từng viết trong cuốn Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy: “Cuộc đời thoáng gặp, thoáng đi. Gặp nhau, chia ly đó là lẽ thường của đời sống nhưng chắc chắn dấu ấn của những người này sẽ còn ghi đậm trong tầm hồn và ký ức...”.
Và đúng như các nhân vật, Lê Văn Nghĩa giờ đã buông tay. Sài Gòn từ nay vắng thêm một nhà báo, nhà văn suốt một đời tận tụy để bao thế hệ sau này biết đến một Sài Gòn giản dị nhưng nghĩa tình.
Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn TP.HCM, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh từng giữ chức Phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, phụ trách báo Tuổi Trẻ Cười. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.