Ông trút hơi thở cuối cùng ngày 5.12.2020, hưởng thọ 85 tuổi. Ngoài vẽ tranh, Phạm Cung còn làm điêu khắc, làm thơ, viết văn. Cuộc đời của ông bước sang con đường chuyên nghiệp năm 1955, khi ông vào Sài Gòn cùng họa sĩ Duy Liêm vẽ nhạc cho nhiều nhà xuất bản rồi vẽ sơn mài, vẽ tranh và trưng bày chung với các họa sĩ Ngọc Dũng, Lương Văn Tỷ...
Sinh thời, Bùi Giáng và Phạm Cung rất thân nhau. Thi sĩ thường xuyên ăn ở nhà họa sĩ và cũng xin màu, xin giấy rồi hí hoáy cầm cọ nên tranh của Bùi Giáng được Phạm Cung lưu giữ thuộc loại nhiều nhất nhưng ông không có ý định bán. Tri âm đến mức Phạm Cung kể: “Đàn bà trong mắt tôi thế nào thì đàn bà trong mắt Bùi Giáng chắc cũng như vậy. Người sống như tôi nhìn đàn bà ra sao thì linh hồn người đàn ông đã khuất Bùi Giáng cũng sẽ thấy đàn bà giống thế. Được ngắm nhiều đàn bà đẹp để rồi bị điên như Bùi Giáng, tôi cũng xin sẵn lòng”.
Nhớ Phạm Cung, nhiều văn nghệ sĩ TP.HCM đã có những trang viết cảm động. Nhà thơ Thiên Hà gọi ông là “người bạn giang-hồ-văn-nghệ một thời Sài Gòn hơn nửa thế kỷ qua”, còn nhà thơ - nhà báo Trần Hoàng Nhân ngậm ngùi: “Trước khi mất, ông bị tai biến nhưng sau đó khỏe lại và trở về nhà, ai ngờ...”. Hiện linh cữu họa sĩ được quàn tại tư gia số 26 Trần Cao Vân (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 9.12.2020, sau đó đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (TP.HCM).
Bình luận (0)