Những mẫu mực chèo để lại
Theo tư liệu của Trung tâm nghiên cứu các nhà khoa học, GS-NSND Trần Bảng sinh trưởng trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật tại Hải Phòng. Cha ông, nhà văn Trần Tiêu, có nhiều tác phẩm nổi tiếng về nông thôn. Ông cũng tiếp cận Tây học qua việc học ngoại ngữ, cũng như đọc các tác phẩm của cha và bác mình là nhà văn Khái Hưng.
Những "lợi thế" văn chương này sau đó giúp ông trở thành thành viên của Đoàn văn công nhân dân T.Ư thành lập tại Tuyên Quang năm 1951. Đoàn có nhiều tên tuổi văn nghệ như: Thế Lữ, Song Kim (tổ kịch); Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Doãn Mẫn, Thái Ly (tổ ca múa nhạc); Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam (tổ chèo). Khi Đảng đặt ra chủ trương phục hồi vốn cổ dân tộc, mỗi thành viên của Đoàn khi đó đều phải học hát chèo dưới sự chỉ bảo của các nghệ nhân như Năm Ngũ, Cả Tam, Dịu Hương... Duyên chèo của NSND Trần Bảng bắt đầu từ đó.
Năm 1952, ông Trần Bảng cùng với các nghệ nhân chèo Năm Ngũ, Dịu Hương cùng viết và dựng vở Chị Trầm, kể về một người đi ở cho địa chủ sau này được cách mạng giải phóng. Vở diễn này được chọn để diễn phục vụ Hội nghị T.Ư năm 1953 tại An toàn khu Thái Nguyên. Bác Hồ cùng các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng đến xem. Bác Hồ đã trực tiếp lên sân khấu thưởng kẹo cho nghệ sĩ, ông Trần Bảng sau đó còn vinh dự được Bác mời cơm.
Cuộc đời sân khấu của NSND Trần Bảng từ đó càng gắn với chèo hơn. Ông là một trong những đạo diễn trong thế hệ đạo diễn chèo hiện đại đầu tiên, cùng với Trần Huyền Trân, Cao Kim Điền, Lộng Chương… Ở cương vị đó, ông cùng lúc phục hồi chèo cổ, và viết thêm những kịch bản chèo hiện đại. Vì thế, ông có cả những mốc son trong cả chèo cổ lẫn chèo mới. Với phục dựng ông có Súy Vân (1961); Quan Âm Thị Kính (3 bản diễn vào các năm 1957, 1968, 1985); Từ Thức (1990), Nàng Thiệt Thê (2001)... Với chèo hiện đại ông có: Con trâu hai nhà (1956); Đường đi đôi ngả (1959); Máu chúng ta đã chảy (1962); Tình rừng (1972); Chuyện tình năm 80 (1981)...
Một đóng góp của GS-NSND Trần Bảng cho sân khấu chèo chính là đi tìm, "điều chỉnh" những thông điệp mới cho các vở chèo. Năm 1960, ông Trần Bảng cùng đạo diễn Hàn Thế Du cùng thực hiện việc cải biên vở chèo Súy Vân từ vở chèo cổ Kim Nham. Ông đặt vấn đề cải biên này vì vở cổ có sự "dùng dằng về tư tưởng" giữa trọng nam khinh nữ (phê phán Súy Vân thoát khỏi hôn nhân đi tìm hạnh phúc lứa đôi khác) và coi đó là sự giải thoát hợp tình người. Ông cùng với tập thể Ban nghiên cứu chèo lúc đó muốn ủng hộ sự "nổi dậy" của Súy Vân. Vì thế Súy Vân bất chấp khuôn phép, nhưng muốn được thương yêu, nhận được nhiều ủng hộ của người xem hơn.
Truyền lửa chèo
Không chỉ phục dựng vở, kiến tạo vở mới, sau này GS-NSND Trần Bảng còn để lại những nghiên cứu chèo. Khi còn sống, ông vẫn luôn tâm tư về việc chèo là một loại hình biểu diễn được truyền dạy miệng, trong điều kiện phương tiện ghi hình chưa phổ biến, sẽ rất dễ bị mai một. Chính vì thế, năm 2004, ông bắt đầu tổng kết lại những trải nghiệm sáng tạo trong suốt 50 năm làm đạo diễn chèo. Trong đó, ông viết về nghệ thuật chèo, về dàn dựng, về các thể hiện ước lệ trên sàn diễn, về cách thức sáng tạo nhân vật, cũng có cả cách để sao cho chèo vẫn là chèo mà không phải là kịch nói pha chèo. Ông đặt tên sách là Trần Bảng - Đạo diễn chèo. Cuốn sách được xuất bản năm 2006.
Giờ đây, khi GS-NSND Trần Bảng qua đời (6 giờ sáng 19.7.2023), tình yêu chèo của ông vẫn còn hiện hữu trong những thế hệ giữ chèo tiếp nối. Con trai ông, NSND Trần Lực, đã luôn mang những bài bản sân khấu chèo vào những vở kịch mà mình đạo diễn. NSND Trần Lực chia sẻ những ước lệ mà NSND Trần Bảng thực hành trong các vở chèo đã gây ấn tượng với anh từ nhỏ, và giờ anh muốn học theo.
Soạn giả chèo Mai Văn Lạng chia sẻ: "GS-NSND Trần Bảng là một trong những người sáng lập Đoàn văn công nhân dân T.Ư, ông là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Nhà hát Chèo VN. Khi Nhà hát Chèo VN được thành lập, NSND Trần Bảng là Trưởng đoàn đầu tiên, rồi làm Giám đốc đầu tiên. Ông là người đứng đầu trong Ban nghiên cứu chèo, để chỉnh lý, cải biên, sắp trò, dàn dựng để có 7 vở chèo cổ hôm nay cho nhà hát. NSND Trần Bảng là người sống tình cảm chân tình, quý trọng bạn nghề yêu thương học trò".
NSND Trần Quốc Chiêm, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, cho biết: "NSND Trần Bảng mất đi là một mất mát lớn với chèo. Ông là người thầy dạy chèo, cũng là người hiểu và có tình yêu chèo bao la. Tôi nhớ lúc ông ngoài 70 vẫn nhận chấm các hội diễn sân khấu quần chúng ở Hà Nội. Hội diễn Hà Nội có kịch, có chèo nhưng chủ yếu là chèo. Ông nói với tôi, chèo xuất phát từ nhân dân, từ quần chúng. Nên chèo ở các hội diễn này rất quan trọng không kém chèo ở hội diễn chuyên nghiệp".
Bình luận (0)