Vinh danh bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

23/04/2018 07:00 GMT+7

Ngày 5.5 tới đây, tại quảng trường trung tâm, TP.Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định sẽ tổ chức Lễ đón bằng UNESCO công nhận Nghệ thuật bài chòi Trung bộ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Như vậy, sau ba năm trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bài chòi đã được vinh danh ở tầm quốc tế.
Với người dân Bình Định, bài chòi đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, nhất là mỗi dịp lễ tết. Đó là thứ âm thanh của truyền thống cha ông để lại, mộc mạc, gần gũi mà cũng tràn đầy triết lý sâu xa.
Bình Định - cái nôi của di sản bài chòi
Những ngày còn nhỏ, chúng tôi có cái may mắn được lớn lên ở một làng quê Bình Định, nơi dành rất nhiều không gian cho bài chòi. Lần đầu được dẫn đến hội hát bài chòi, những đứa trẻ con đã rất hào hứng với tiếng nhịp vần, những lần anh/chị Hiệu hô bài bằng thứ ngữ điệu địa phương xứ Nẫu. Nơi diễn ra hội đánh bài chòi thường là những khoảng đất rộng, có thể là trước sân đình, miếu hoặc một gò đất bằng phẳng gần các khu dân cư, thuận lợi cho mọi người đi dự hội... Hội đánh bài chòi dân gian thường diễn ra từ mùng một đến khoảng mùng năm tết cổ truyền, thường gọi là “Hội bài chòi xuân”, có nơi tổ chức kéo dài đến hết tháng giêng.
Nguồn gốc, thời gian xuất hiện chính xác của bài chòi đang là những câu hỏi còn gây nhiều tranh cãi. Theo nhà âm nhạc học người Pháp G.L.Bouvier, người đến Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20 để nghiên cứu về các thể loại âm nhạc dân gian, thì “bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm Nam tiến, tức sau những năm 1470”. Một số nhà nghiên cứu khác thì cho rằng Đào Duy Từ (1572 - 1634), người Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Bình Định, đã dựa theo mô hình tiêu khiển ở các chòi canh nương rẫy mà sáng lập ra hội bài chòi.
Nghệ sĩ Lâm Tới hô câu thai bài chòi cổ tại hội xuân Chợ Gò
Nghệ sĩ Lâm Tới hô câu thai bài chòi cổ tại hội xuân Chợ Gò
Trên cơ sở từ nhiều công trình nghiên cứu khác nhau, PGS-TS Từ Thị Loan, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đưa ra kết luận rằng bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian, ra đời và phát triển tại các tỉnh duyên hải nam Trung bộ từ thế kỷ 16 - 17, hoặc lịch sử hình thành của bài chòi ít ra cũng phải cùng thời hoặc trước khi có loại hình hát bội, và chắc chắn là trước loại hình cải lương và hô lô tô ở vùng đất Nam bộ.
Dù được công nhận là di sản chung của nhiều tỉnh miền Trung, nhưng Bình Định vẫn được giới chuyên môn và người dân xem là cái nôi của bài chòi. So với các tỉnh khác, bài chòi dân gian Bình Định luôn được giới nghiên cứu đánh giá là độc đáo, đa dạng nhất. Nghệ nhân bài chòi dân gian của Bình Định, nhất là các lứa nghệ nhân trung niên, cao tuổi luôn được khen chuyên môn tốt: giữ được chất cổ trong làn điệu, nhiều kịch bản, tuồng tích…
Một điểm đặc biệt khác ở Bình Định là việc bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo này rất được chú trọng. Nếu tính từ mốc năm 2010 khi tỉnh Bình Định triển khai phục dựng hội đánh bài chòi cổ, đến nay, đó là quãng thời gian không dài, nhưng từ chỗ là một di sản có nguy cơ thất truyền, bài chòi đã hồi sinh. Đến nay, theo thống kê của Sở VH-TT Bình Định, hiện cả tỉnh có 28 CLB bài chòi dân gian với 176 nghệ nhân tham gia sinh hoạt, trong đó số thực hành hô thai là 80 người, số có khả năng truyền dạy là 50 người.
UNESCO gọi tên bài chòi
Lúc 15 giờ 15 phút (giờ Việt Nam) ngày 7.12.2017, trong khuôn khổ ngày làm việc thứ 4 - kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003, theo nghi thức trang trọng truyền thống của UNESCO, ngài Byong - hyun Lee, Chủ tịch Ban Chấp hành UNESCO, chủ tọa kỳ họp thứ 12, gõ búa thông qua hồ sơ “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ của Việt Nam”, chính thức đưa di sản này vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại dãy bàn của đoàn Việt Nam thực hiện sứ mệnh bảo vệ đề cử di sản, quốc kỳ nước ta được phất cao, cùng nhiều thẻ bài chòi được giơ lên.
Nghệ nhân Lê Thị Đào tại liên hoan nghệ thuật bài chòi
Nghệ nhân Lê Thị Đào tại liên hoan nghệ thuật bài chòi
Ngay chính thời điểm bài chòi được vinh danh, ý thức của Bình Định về di sản đã được xác định rõ. Giám đốc Sở VH-TT Bình Định, ông Tạ Xuân Chánh, cho biết: “Cũng như các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận trước đây, di sản bài chòi được công nhận lần này có ý nghĩa to lớn, khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú của người dân Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung. Vinh dự to lớn, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Ngành văn hóa sẽ luôn ý thức cao về nhiệm vụ chính trị của mình trong bảo tồn, phát huy bài chòi, để góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Với lãnh đạo và người dân Bình Định, sự kiện này là một dấu mốc quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian đặc sắc. Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Đào (92 tuổi, ở TX.An Nhơn), bầu gánh kiêm nghệ nhân bài chòi dân gian cao tuổi nhất ở Bình Định, từng chia sẻ: “Một đời hô hát bài chòi, tôi chưa từng nghĩ có ngày bài chòi vươn ra khỏi làng quê, được thế giới biết đến, vinh danh như hôm nay. Suốt mấy chục năm chứng kiến bài chòi dân gian mai một dần, điều tôi thường nghĩ đến là, có luyến tiếc đến đâu thì cũng phải chấp nhận thực tế bộ môn này rồi sẽ vĩnh viễn mất đi. Ngay cả năm 1990 khi tôi khóc nhận 2 lon sữa bò, trầu cau của cố NSƯT Phan Ngạn vui mừng tham gia CLB Bài chòi cổ dân gian Bình Định mà ông sáng lập, mong dốc sức già để níu kéo di sản, tôi cũng không dám nghĩ bài chòi sẽ sống lại. Nhưng thực tế, mấy năm ròng qua, hội đánh bài chòi “tở mở” khắp nơi, trong tỉnh - Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn…, rồi ra tới Hà Nội, vô tận Sài Gòn biểu diễn; hiệu trẻ, nghệ nhân trẻ ngày một nhiều thêm... Bài chòi dân gian thật sự sống lại rồi!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.