Vinh hoa cũng lắm đoạn trường!

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
03/11/2020 06:16 GMT+7

Ê kíp làm phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa đã có buổi chiếu ra mắt phim tại TP.HCM vào tối 1.11.

Hành trình đi tìm những giấc mơ vinh hoa của các nghệ sĩ trong một gánh hát nghèo ở miền Tây Nam bộ do hai người làm phim trẻ chuyển tải vào phim khiến khán giả lặng người xúc động.

Hai chàng trai gốc Bắc về miền Tây “sống” cùng gánh hát

Đoạn trường vinh hoa là bộ phim tài liệu do đạo diễn Lê Mỹ Cường và Thanh Nguyễn đồng tác giả, quay hình trong suốt 18 tháng với hơn 100 giờ quay (từ tháng 3.2019 - 8.2020). Đạo diễn Lê Mỹ Cường chia sẻ: “Cơ duyên tôi đến với phim này xuất phát từ sự tò mò của một người trẻ từ miền Bắc, chưa am hiểu về nghệ thuật cải lương tuồng cổ nên khi nhìn thấy những gánh hát ở các vùng quê, tôi thật sự muốn tìm hiểu đằng sau bức màn nhung ấy là gì. Ý định đó nung nấu quyết tâm để tôi từ Hà Nội vào miền Tây bắt tay làm bộ phim. Thật sự, ê kíp đi cùng tôi không biết mỗi ngày mình sẽ quay gì và cũng không biết cho đến khi nào mới quay xong bộ phim... Thế là họ về, tôi vẫn ở lại để tự quay và chờ đợi những diễn biến, bắt được khoảnh khắc mà mình không thể nào biết trước. Sau này, vì cần có một người đồng hành để người quay, người thu tiếng, nên tôi rủ rê Thanh Nguyễn từ Bắc vào làm cùng. Cả hai bắt đầu hành trình theo chân một gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại, rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây vào các dịp lễ Kỳ yên trong năm. Bằng việc lựa chọn hình thức thể hiện hướng tới phong cách phim tài liệu điện ảnh trực tiếp, hai chúng tôi đã đồng hành cùng gánh hát Phương Ánh như một phần trong công việc và cuộc sống của họ. Chúng tôi đã ăn ngủ cùng các nghệ sĩ hát tuồng cổ, chứng kiến những gì diễn ra xung quanh niềm đam mê của họ một cách gần gũi, bộc lộ tính cách nhân vật một cách chân thực. Phía sau tấm màn sân khấu là những bữa cơm đạm bạc, những giấc ngủ vội khi chưa kịp tẩy trang, những lớp trang điểm do nghệ sĩ tự họa và những buổi tập luyện mệt nhọc nhưng đầy ắp tiếng cười, bên cạnh cả những trận ốm đau khi rong ruổi xướng ca”.
Quay phim Thanh Nguyễn chia sẻ thêm: “Phim ghi lại diễn biến cuộc sống như những mảnh ghép. Chúng tôi tìm đến họ với tâm thế muốn ghi nhận cuộc sống của họ, để có thể kể lại câu chuyện về cuộc đời họ gần nhất với cách mà họ đã sống. Gánh hát nghèo Phương Ánh có các thành viên mỗi người một nơi - người ở Cần Thơ, người ở Sóc Trăng, Bạc Liêu - tụ lại để cùng mưu sinh và chia sẻ niềm đam mê sân khấu. Hoàn thành phim, lúc chia tay để về lại Hà Nội, đã có những cái ôm thật chặt như người thân trong gia đình”.

Những phận đời trôi nổi theo câu hát

Trong Đoạn trường vinh hoa, nhân vật chính đối thoại trực tiếp với khán giả là “bà bầu” Phương Ánh - vốn cũng từng đi hát tuồng với hơn 40 năm giữ nghề gia truyền. Cô con gái duy nhất của bà là Phương Anh - tuổi cũng tứ tuần, đi theo nghiệp bà từ nhỏ và là đào chính của đoàn. Nghệ sĩ Phương Anh dù là “ngôi sao” của gánh hát (đoàn hát chỉ 3 - 4 người hát và một mình cô đóng đào chính), nhưng xuất hiện trong phim tài liệu với một hình ảnh không thể đời thường hơn.

Chúng tôi đã ăn ngủ cùng các nghệ sĩ hát tuồng cổ, chứng kiến những gì diễn ra xung quanh niềm đam mê của họ một cách gần gũi, bộc lộ tính cách nhân vật một cách chân thực

 Đạo diễn Lê Mỹ Cường

Những “ông hoàng, bà chúa” khác hiện lên trong phim cũng chính là những người nông dân chật vật với đời sống mưu sinh khi bức màn sân khấu hạ xuống. Khán giả xem phim sẽ thấy thú vị với nhân vật phụ là người đàn bà tướng tá như lực điền, tính cách hào sảng ở bên ngoài, nhưng khi lên sân khấu có thể “biến hình” thành cô đào thương tuồng cổ với nét mặt “ăn hình” khác hẳn sau khi trang điểm, diện phục trang. Cũng như thế, “bà chúa” Phương Anh bước lên sân khấu oai phong, lộng lẫy dưới ánh đèn màu, nhưng rồi cũng có cảnh nằm bệnh viện co ro, ho hù hụ khi lâm bệnh. Cái kết không ngờ của bộ phim khiến khán giả thảng thốt và xúc động đến ngơ ngác, câm lặng. Đời nghệ sĩ vô danh, không nổi tiếng trong phim buồn như những câu hát cải lương mà họ đã ca, lặng lờ như những con nước mà gánh hát đã trôi xuôi ghe theo dòng chảy của cuộc đời và số phận.
55 phút phim với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, như một ý kiến bày tỏ cảm nhận khi ở lại giao lưu cùng đạo diễn sau buổi chiếu: “Tựa tiếng Anh của phim là The Glorious Pain (tạm dịch: Nỗi đau vinh quang) hay cả cái tựa tiếng Việt Đoạn trường vinh hoa cũng thật khiến cho người xem thấm cả tiếng hát đam mê, lẫn nỗi đau của những người nghệ sĩ dù không tên tuổi vẫn tận hiến cho bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc hiện đang mai một; để mỗi người sau đó tự soi chiếu lại lẽ sống và cái nghề, cái nghiệp của mình trong cuộc sống vô thường”. Đạo diễn Lê Mỹ Cường chia sẻ: “Thấy mắt mọi người đỏ hoe, tôi biết phần nào đó chúng tôi đã chạm được đến cảm xúc của khán giả”.
“Vinh hoa” nào cũng có những “đoạn trường”, nhưng tự thân những “đoạn trường” của bộ phim tài liệu này đã có được nhiều “vinh hoa” lấp lánh!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.