“Chờ mãi mà… chưa thấy”
Buổi chiếu bộ phim Ánh sáng cho con (đạo diễn Đỗ Thị Thu Trang), Xưa kia có một cậu bé (đạo diễn Uri Levi, Israel)… trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Tài liệu châu Âu - Việt Nam (vừa diễn ra từ 1 - 10.10 tại Hãng phim tài liệu và khoa học T.Ư, Hà Nội và Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM) có đông khán giá nhí hơn những buổi chiếu khác. Lý do, có lẽ bởi nhân vật chính của 2 bộ phim đều là những em nhỏ. Câu chuyện về nghị lực, khát vọng, cùng sự lạc quan, trong trẻo của 3 nhân vật khiếm thị trong Ánh sáng cho con; hay sự hồn nhiên, thông minh và năng lượng của Ron - cậu bé mắc bệnh bại não trong phim Xưa kia có một cậu bé khiến không ít người xem rơi nước mắt vì xúc động. Hơn hết, 2 bộ phim đã truyền cảm hứng và những thông điệp nhân văn đến với khán giả, trong đó có cả những khán giả nhỏ tuổi.
Ánh sáng cho con là phim tài liệu thứ hai của đạo diễn Đỗ Thị Thu Trang, trong đó có nhân vật chính là trẻ em. Trước đó, Đỗ Thị Thu Trang từng thực hiện bộ phim Lớp học yêu thương nói về lớp học cho bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Nhi T.Ư, Hà Nội). Theo thông tin từ Hãng phim tài liệu và khoa học T.Ư, dự kiến bộ phim Tuổi thác ghềnh (đạo diễn Đặng Linh) đề cập vấn đề tuổi mới lớn đến với khán giả là các em học sinh vào đầu năm nay. Nhưng đáng tiếc, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên chương trình chiếu phim đành hoãn lại.
Theo cách nào đó, phim tài liệu trong nước đang cố gắng tiếp cận với đối tượng khán giả trẻ em, thanh thiếu niên. Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế, những bộ phim tài liệu dành cho đối tượng khán giả là trẻ em, thanh thiếu niên, hay xoay quanh những nhân vật ở tuổi này, còn rất ít ỏi so với những bộ phim tài liệu được sản xuất hằng năm.
“Làm phim về trẻ em có cái khó là tâm lý các em hay thay đổi, nay có thể hợp tác nhưng mai thì không. Tuy nhiên, làm phim về đề tài, đối tượng nào cũng đều có những cái khó riêng, quan trọng là cách xử lý của mình thế nào. Việc chưa có nhiều những bộ phim về trẻ em, tôi nghĩ một phần do cách lựa chọn đề tài của nhà làm phim. Có thể họ thấy đó không phải là sở trường hay “gu” của mình”, đạo diễn Đỗ Thị Thu Trang chia sẻ.
LHP Khoa học do Viện Goethe tổ chức đang diễn ra (sẽ kéo dài đến tháng 12) tại nhiều trường học, trong đó giới thiệu 16 bộ phim mà hầu hết là phim tài liệu. Ông Hoàng Dương, đại diện ban tổ chức, cho biết những bộ phim này được lựa chọn từ 163 bộ phim của 34 quốc gia, nhưng tuyệt nhiên, trong số đó không có bộ phim nào đến từ Việt Nam.
“Năm nay là năm thứ 10, LHP được tổ chức. Trong suốt 10 năm qua, lúc nào chúng tôi cũng chờ có phim Việt Nam (của hãng phim, công ty, nhà làm phim độc lập) gửi tham dự. Nhưng chờ mãi mà… chưa thấy!”, ông Dương bày tỏ, và nói thêm: “Chúng tôi cũng đã làm việc với nhiều kênh truyền hình để tìm cách giải quyết cho câu chuyện này, nhưng vẫn chưa thể tìm được câu trả lời rốt ráo”.
|
Vừa xem, vừa chơi, vừa học
Việc thiếu vắng những bộ phim tài liệu cho trẻ em có thể lý giải do nhiều nhà sản xuất, nhà làm phim trong nước chưa mấy mặn mà. Bên cạnh đó, những bộ phim này đòi hỏi cách làm phải gần gũi, hấp dẫn đối tượng khán giả “đặc biệt”.
Sự xuất hiện của bộ phim Cô bé (Malá/The Little One) của nữ đạo diễn người Czech gốc Việt - Diana Cam Van Nguyen không chỉ như một dấu ấn thú vị tại LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam, mà còn là sự gợi mở về cách làm phim tài liệu cho trẻ em của nhà làm phim đến từ châu lục này. Bộ phim đã được Hiệp hội Phim thiếu nhi châu Âu (ECFA) đề cử là phim tài liệu hay nhất cho thiếu nhi 2018. Với thời lượng 10 phút, bộ phim kể về cô bé người Việt tên Rồng, lớn lên trong một thị trấn nhỏ ở châu Âu. Một trong những điểm mà bộ phim khiến nhiều người xem thích thú là tuy thuộc thể loại phim tài liệu nhưng phim được thực hiện với định dạng hoạt họa.
Phim tài liệu đang được nhiều quốc gia sử dụng như một hình thức giáo dục, vừa xem, vừa chơi, vừa học. Tại LHP Khoa học đang diễn ra tại nhiều trường học, học sinh không chỉ được xem phim mà còn được “chơi” với những thí nghiệm, sáng tạo khoa học, qua đó thu nạp kiến thức một cách tự nhiên. Ông Hoàng Dương cho rằng: “Những bộ phim tài liệu, khoa học có thể khiến các em nuôi ước mơ, đam mê với khoa học, công nghệ ngay từ lứa tuổi nhỏ. Chính điều đó cũng sẽ góp phần tạo nên nền tảng cho sự phát triển của những lĩnh vực này tại nhiều quốc gia trên thế giới”.
Đạo diễn Đỗ Thị Thu Trang cũng cho rằng nên khuyến khích trẻ em xem phim tài liệu. “Qua những bộ phim, các bé có thể tích lũy vốn sống, kinh nghiệm từ khi còn nhỏ”, chị nói.
Phim tài liệu kích thích trẻ suy nghĩ
Ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam, cho hay: “Ở Đức hay nhiều quốc gia khác, các nhà làm phim tài liệu, khoa học cho trẻ em thường dựa trên sự tò mò, muốn khám phá của trẻ em về khoa học, thế giới xung quanh. Những bộ phim sản xuất ra cần đáp ứng được yêu cầu giúp trẻ tiếp thu kiến thức chủ động chứ không phải thụ động, kích thích trẻ suy nghĩ, bị lôi cuốn tiếp tục tìm hiểu, giải quyết những vấn đề đưa ra trong phim…”. Ông cũng cho biết, hiện tại nhiều quốc gia đã rất chú ý đến những bộ phim tài liệu, khoa học cho trẻ em, trong đó có nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Myanmar…
|
Bình luận