Tiến sĩ Sebastian Maurer-Stroh, Giám đốc điều hành Viện Tin sinh học tại Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore là người tham gia quá trình thu thập và phân tích những biến đổi về sự nhân lên bộ gene của virus này trên nền tảng dữ liện GISAID – nơi chia sẻ hơn 1,5 triệu chuỗi trình tự gene virus trên toàn cầu.
Theo ông, kể từ khi được phát hiện lần đầu vào tháng 12.2019 đến nay, đã có hơn 6.600 đột biến riêng biệt với protein gai của SARS-CoV-2.
Virus đột biến bất cứ khi nào xảy ra “sai sót” trong quá trình sao chép. Điều này có thể ở dạng thêm vào, xóa đi hoặc thay đổi mã gene di truyền của virus. Nếu sự “sai sót” đó làm tăng khả năng sinh tồn của virus thì những phiên bản “lỗi” hay nói cách khác là các đột biến sẽ tồn tại lâu hơn, thậm chí áp đảo phiên bản gốc.
Ví dụ, đột biến D614G bắt đầu lây lan mạnh hồi tháng 2.2020 hiện đã được tìm thấy ở tất cả các mẫu virus, dù chúng là biến thể nào. Chính vì sự áp đảo phổ biến đó, đột biến này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định danh nhóm riêng là G. Theo WHO, đột biến nhóm G làm tăng khả năng lây lan và truyền bệnh nhưng không đồng nghĩa độc tính cao hơn, và nó cũng không ảnh hưởng tới triệu chứng, việc điều trị hay vắc xin. Biến chủng B.117 ở Anh cũng thuộc nhóm phụ của đột biến nhóm G.
Câu hỏi đặt ra là tại sao có nhiều biến chủng virus như vậy nhưng WHO đến nay chỉ liệt kể 4 biến chủng “đáng lo ngại” gồm biến chủng ở Anh, Nam Phi, Brazil và mới nhất là Ấn Độ. Ngoài ra một số biến chủng khác được xếp vào nhóm “đáng quan tâm”.
Theo The Straits Times, virus đột biến được xếp vào biến chủng “đáng lo ngại” khi có bằng chứng về 1 trong 3 tiêu chí gồm: nó lây nhiễm dễ dàng hơn, gây bệnh nặng hơn, giảm trung hòa kháng thể, hoặc giảm hiệu quả điều trị, vắc xin hay chẩn đoán.
Tiến sĩ Maurer-Stroh giải thích rằng không phải tất cả đột biến đều làm thay đổi bệnh theo những cách trên. Những đột biến như thế không gây ra làn sóng lây nhiễm lớn nên không gây lo ngại.
Bình luận (0)