VN-Index giảm kỷ lục, đẩy vốn hóa sàn TP.HCM ‘bốc hơi’ gần 10 tỉ USD

Mai Phương
Mai Phương
19/01/2021 17:28 GMT+7

Ngày 19.1, VN-Index lao dốc bất ngờ khi cổ phiếu rớt sàn hàng loạt.

Đóng cửa thị trường chứng khoán ngày 19.1, chỉ số VN-Index giảm 60,94 điểm, tương ứng giảm 5,11% xuống 1.131 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index trên sàn Hà Nội cũng giảm 6,48 điểm, tương ứng giảm 2,81% còn 224,02 điểm. Thậm chí khi tạm đóng cửa phiên buổi sáng, VN-Index đã sụt hơn 74,71 điểm, tương đương mất 6,27%. Đây là mức giảm kỷ lục trong một phiên giao dịch từ trước đến nay của chỉ số VN-Index và khiến vốn hóa sàn chứng khoán TP.HCM giảm 225.405 tỉ đồng, tương đương gần 10 tỉ USD.
Đây là phiên giảm sốc khá bất ngờ của thị trường khi áp lực bán gia tăng. Hàng loạt cổ phiếu bị lao dốc về giá sàn. Đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính như HDB, MBB, TCB, SSI, VPB… cũng không thoát khỏi tình trạng này. Toàn bộ 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn TP.HCM trong rổ VN30 đều chìm trong sắc đỏ như VIC, GAS, VCB, VNM, SAB, MWG… khiến thị trường không có cơ hội quay đầu hồi phục.
Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh trong phiên. Chỉ riêng trong đợt giao dịch buổi sáng đã có hơn 1,09 tỉ cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được giao dịch thành công. Tuy nhiên, bước sang phiên chiều, tình trạng nghẽn lệnh trên sàn TP.HCM lại diễn ra nên nhiều giao dịch không thành công. Dù vậy, tổng cộng thị trường có hơn 1,35 tỉ chứng khoán được giao dịch, tương ứng giá trị đạt 25.510 tỉ đồng.
Báo cáo cập nhật nhanh diễn biến thị trường của Công ty chứng khoán MBS cho biết diễn biến giảm nhanh và mạnh thường sẽ không kéo dài mà chỉ trong 1-2 phiên giao dịch. Các cổ phiếu bị bán sàn sẽ sớm phục hồi ngay sau khi giao dịch ổn định trở lại. MBS cho rằng nhà đầu tư có thể xem xét mua tại các vùng hỗ trợ dự kiến từ 1.033 – 1.064 điểm.
Tại cuộc gặp mặt của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước với báo chí sáng 19.1, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết do thị trường phát triển nhanh quá khiến hệ thống của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM nghẽn lệnh, cơ quan này đã báo cáo Bộ Tài chính và cùng TP.HCM, các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký họp để áp dụng các biện pháp "hết sức tạm thời" như nâng lô 10 lên 100 đơn vị; các công ty chứng khoán phải cam kết không sử dụng robot và không cung cấp dịch vụ robot cho nhà đầu tư; các sở giao dịch tăng cường trực ca, phải củng cố hệ thống dự phòng….
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.