Vô cảm

18/04/2015 05:11 GMT+7

Một học sinh chuẩn bị thi Olympic toán học trên đường đi xe máy về nhà thu xếp đồ đạc, khi qua ngã tư đèn đỏ dù đi theo tuyến đèn xanh nhưng vẫn bị một người tham gia giao thông ở tuyến đang có đèn đỏ chạy ẩu tông chết tại chỗ. Một nữ sinh bị đánh hội đồng, cả lớp thản nhiên đứng nhìn. Có người còn quay clip tung lên mạng, coi đó như một trò vui... tập thể...

Một học sinh chuẩn bị thi Olympic toán học trên đường đi xe máy về nhà thu xếp đồ đạc, khi qua ngã tư đèn đỏ dù đi theo tuyến đèn xanh nhưng vẫn bị một người tham gia giao thông ở tuyến đang có đèn đỏ chạy ẩu tông chết tại chỗ. Một nữ sinh bị đánh hội đồng, cả lớp thản nhiên đứng nhìn. Có người còn quay clip tung lên mạng, coi đó như một trò vui... tập thể...
Sự vô cảm đã trở thành một căn bệnh ở nhiều nơi trong nước ta hiện nay. Dĩ nhiên, căn bệnh này có nguồn gốc. Nói nó có nguồn gốc từ lối sống giành giật kiếm ăn của một bộ phận cư dân, cái gì cũng chỉ vì tiền, chỉ biết tiền chứ không biết gì khác... cũng đúng, nhưng chưa đủ. Một xã hội có kỷ cương, luật lệ là một xã hội mà người tham gia giao thông thấy đèn đỏ phải dừng, chứ không thể cứ cắm đầu chạy, bất chấp có thể gây hiểm nguy cho người khác. Một xã hội có pháp trị và lòng nhân ái cùng song song tồn tại, thì bệnh viện khi gặp người cần cấp cứu phải cấp cứu, chứ không hỏi tiền trước rồi mới cứu chữa.
Nguồn gốc của sự vô cảm hiện tại bắt nguồn từ sự xuống cấp của đạo đức và từ sự lỏng lẻo của kỷ cương, phép nước. Sự lỏng lẻo ấy nếu kéo dài sẽ khiến người dân mất lòng tin vào một số cơ quan chức năng, cơ quan công quyền, sau khi đã trình báo mà không được xử lý tới nơi tới chốn.
Có thể ở các nước dân chủ và phát triển khác cũng còn những người vô cảm, nhưng sự vô cảm ở đó bị hạn chế tới mức thấp nhất bởi người dân có ý thức công dân, có ý thức cộng đồng khi làm bất cứ việc gì vì cộng đồng, vì nhu cầu bảo vệ pháp luật và kỷ cương. Thêm nữa, họ có lòng tin cao vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.
GS Nguyễn Lân Dũng đã có một ý kiến rất đáng cho chúng ta suy nghĩ về sự vô cảm: “Vô cảm là do người dân không muốn đóng góp ý kiến, nói không ai nghe. Vô cảm lớn nhất hiện nay là chỉ biết lo cho "nồi cơm" nhà mình mà quên đi xã hội. Vô cảm không giúp thúc đẩy xã hội lên được. Không phải người dân vô cảm mà bởi xã hội không sớm giải quyết những điều họ bức xúc”. Đó là sự vô cảm “ở tầm vĩ mô”. Nhưng nó bắt nguồn từ rất nhiều sự vô cảm nhỏ, “vô cảm vi mô” hằng ngày, lặp đi lặp lại trong xã hội. Và nó cho thấy nguy cơ “di căn” của căn bệnh là lớn và nguy hiểm như thế nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.