Vợ chồng buồn tủi, thậm thụt đi khám… hiếm muộn ở Sài Gòn

17/07/2016 09:32 GMT+7

Mong có con và tìm kiếm sự giúp đỡ là nguyện vọng rất chính đáng của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn thường mang tâm lý ái ngại và e dè khi bước chân vào các bệnh viện, phòng khám hiếm muộn.

Khó có con, chuyện “tế nhị” ngại nói
Sau 5 năm lập gia đình vẫn chưa có con (dù không kiêng cữ hay kế hoạch gì), vợ chồng chị M.T.H. (32 tuổi, ngụ Bình Dương) mới đi khám hiếm muộn. “Lúc đi khám, vợ chồng mình chỉ nói là lên Sài Gòn có việc, chứ không dám nói với gia đình là đi chữa vô sinh vì sợ mọi người lại bàn tán, nói ra nói vào. Ngại lắm!”, chị H. chia sẻ.
Tại bàn hướng dẫn của Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM), một người phụ nữ bịt khẩu trang kín mít, cứ đi qua đi lại, thập thò, rồi sau một hồi mới tiến lại gần, hỏi khẽ nhân viên: “Em không có con, muốn khám, điều trị thì khoa Hiếm muộn ở đâu chị?”. Được hướng dẫn xong, chị bước đi rất nhanh để khuất hẳn vào Khoa Hiếm muộn như sợ có ai nhìn thấy.
Trong khi đó, chị B.H.M. (31 tuổi, ngụ Bình Thạnh) luôn cảm thấy khó chịu khi có ai đó hỏi chuyện: “Hai vợ chồng có tin vui chưa?” hay “ Cưới lâu rồi chưa có con hay hai vợ chồng đi khám thử xem”.
Chị M. tâm sự, mỗi lần được mọi người hỏi đến chuyện con cái đều rất ngại. “Dù biết mọi người có ý quan tâm nhưng em thấy mấy chuyện đó tế nhị, không chia sẻ được. Nhiều lúc muốn hỏi kinh nghiệm xem đi khám, điều trị hiếm muộn chỗ nào tốt, thuận tiện nhưng cũng không biết hỏi ai. Nghe ba mẹ hai bên mỗi khi hỏi khi nào có cháu bồng là em thấy sợ và “có lỗi” nên cũng không dám nói chuyện điều trị”, chị M. giải thích.
Các bà vợ ngại một thì ông chồng ngại mười
Từ lúc có ý định đi khám hiếm muộn, đến thực tế được đi khám, chị H.T.L. (32 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) mất đến một năm vì… thuyết phục chồng.
“Ảnh rất ngại đi khám vì sợ nói mình “yếu”. Ban đầu chỉ một mình mình khám nhưng bác sĩ yêu cầu điều trị phải có cả chồng lẫn vợ để khám, kiểm tra cả hai người. Phải thuyết phục mãi ảnh mới chịu đi”, chị L. tâm sự.

tin liên quan

Bố vợ bắt chàng rể tương lai phải đi thử 'tinh binh'
Anh H.B.N. (30 tuổi) cho biết: “Trước khi chịu cho làm đám cưới, bố mẹ vợ bắt buộc cả hai đứa phải đi khám sức khỏe. Bố vợ còn bảo: “Mày phải đi kiểm tra xem “tinh binh” thế nào. “Lính” khỏe thì tốt, không phải làm khổ con gái “rượu” của bố!”.
Đến giai đoạn điều trị, phải nằm viện, chồng chị lại rụt rè làm đơn xin nghỉ phép với lý do “đi du lịch”. “Lúc đó cơ quan nhiều việc, có người nghỉ thai sản nên càng thiếu người. Nộp đơn nghỉ phép “đi du lịch”, sếp không cho vì trong khi việc làm không hết, lại đi chơi. Vợ chồng em vẫn quyết nghỉ nên bị cắt khen thưởng. Chứ nếu biết lý do là điều trị bệnh thì ai lại không thông cảm”, chị L. tâm sự.
Trước phòng khám Khoa Nam học, Bệnh viện Bình dân (TP.HCM), một cặp vợ chồng cứ đứng tần ngần, anh chồng cứ thậm thụt mấy lượt định mở cửa bước vào rồi lại thôi, còn chị vợ cứ đẩy lưng chồng bước vô. Không chỉ riêng anh, mà hầu như nhiều đấng mầy râu đều ái ngại như thế trước cánh cửa khoa Nam học khi có vấn đề vô sinh.
Trong điều trị hiếm muộn, can thiệp càng sớm thì khả năng thành công càng cao - Ảnh: Độc Lập
Có một câu chuyện về chồng một nữ nhân viên ngay trong Bệnh viện Bình dân bị yếu tinh trùng. Khi có kết quả khám và chỉ định điều trị, hai vợ chồng đồng ý mổ. Thế nhưng, tới ngày mổ, anh chồng không chịu đến bệnh viện vì xấu hổ. Sau khi được bác sĩ thuyết phục, anh mới thay đổi ý kiến và xin được mổ vào ngày nào bệnh viện… vắng người.
“Đi khám hiếm muộn, cũng “bình thường thôi”
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), cho biết: Trước nay, khi nói đến vô sinh các cặp vợ chồng đều có tâm lý ngại, đặc biệt là cánh đàn ông. Không ai nghĩ tỉ lệ vô sinh do nam giới lại nhiều như thế. Tuy nhiên theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, 40% do vợ, 30% do chồng, 20% do cả vợ và chồng, 10% không rõ nguyên nhân - chia đều cho nam và nữ.
“Họ chấp nhận hiếm muộn, mong con chứ không chấp nhận từ vô sinh”, bác sĩ Dũng nhận xét tâm lý người đi chữa bệnh.
Bác sĩ Dũng đánh giá: Tâm lý chưa vượt qua được bản lĩnh đàn ông khiến nhiều người có cảm giác mặc cảm, tự ti, dẫn đến phủ nhận bệnh tật. Những bệnh nhân này khi điều trị luôn có cảm giác muốn trì hoãn. Tuy nhiên, điều trị vô sinh, cũng giống như các bệnh lý khác, cần khẩn cấp về mặt thời gian.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Thái Lộc, Trưởng Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM), khuyên: Hai vợ chồng kết hôn sau một năm, quan hệ đều, không kiêng cữ mà không có con thì được xem là hiếm muộn. Trong điều trị hiếm muộn, can thiệp càng sớm càng tốt, chỉ cần can thiệp sớm hơn một năm là khả năng thành công đã cao hơn nhiều.

tin liên quan

Phụ nữ nên có con ở độ tuổi nào?
Phụ nữ càng lớn tuổi thì số trứng trên hai buồng trứng càng giảm dần và chất lượng trứng cũng giảm, tỉ lệ trứng bất thường tăng.
Theo bác sĩ Lê Tiểu My, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức: Đi khám bệnh (tim, gan, phổi…) thì ai cũng thấy bình thường, đều “hiên ngang” gọi xin sếp và thông báo với bạn bè, đồng nghiệp mình đi khám bệnh để có sự hỗ trợ. Vậy thì tại sao khi mình mong con và tìm kiếm sự giúp đỡ, một nguyện vọng rất chính đáng và đáng thông cảm, bạn lại mang nặng cảm giác “có lỗi”? Trong khi việc vợ chồng hiếm muộn nếu có lỗi là lỗi tại “định mệnh” khiến cho vợ chồng bạn chờ hoài không thấy con, chứ bạn nào có lỗi gì đâu.
“Vậy thì, trước hết, bạn cần xác định, khi đi khám hiếm muộn, cũng “bình thường thôi”. Trút bỏ được cái gánh nặng tâm lý, bạn sẽ giảm được phần nào những lo âu không đáng có, hành trình đi tìm hạnh phúc của bạn cũng nhẹ nhàng hơn”, bác sĩ My nhắn nhủ với các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.