Chiều 4.5, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Lương Thế Hiển (63 tuổi, cựu Phó chánh văn phòng Sở TN-MT TP.Hà Nội) 18 năm tù và Nguyễn Thị Liên (63 tuổi, vợ ông Hiển) 8 năm tù, cùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, liên quan đến vụ án "đất vàng" trăm tỉ đồng.
Phán quyết nêu trên được đưa ra sau khi tòa kéo dài thêm thời gian nghị án, thay vì tuyên án ngay hôm 25.4.
Theo HĐXX, dù đã được tạo điều kiện kéo dài thời gian nghị án để các bên hoà giải, giảm thiệt hại vụ án, nhằm làm căn cứ giảm nhẹ, tuy nhiên quá trình không có kết quả.
Tòa đánh giá vụ án đặc biệt nghiêm trọng, với số tài sản bị chiếm đoạt giá trị đặc biệt lớn. Trong đó, ông Hiển giữ vai trò chính, từng bước hợp thức giấy tờ nhà đất để đứng tên mình, bằng các hợp đồng giả tạo, thanh lý hợp đồng và sang tên cho vợ chồng mình để bán lại cho người khác. Tại cơ quan điều tra, ông Hiển nhiều lần thay đổi lời khai, đến khi ra toà thì không nhận tội.
Vợ ông Hiển nhận thức được ý đồ của chồng song tích cực giúp sức, ký các hợp đồng theo ý chí của chồng, cùng chồng thực hiện các thoả thuận trái pháp luật. Bị cáo có sự chuyển biến nhận thức, khai báo thành khẩn, hợp tác giúp cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án, được xét là căn cứ giảm nhẹ.
Về dân sự, toà xác định khu "đất vàng" là tang vật vụ án, đang do ông Lê Hải An (bên mua thứ ba - PV) sở hữu bằng các hợp đồng mua bán trái pháp luật, cần thu hồi các "sổ đỏ" đã cấp để giao lại đất cho bị hại.
Bị cáo Hiển có trách nhiệm bồi thường cho ông An toàn bộ số tiền ông An đã trả để mua số đất trên, tương ứng 320 tỉ đồng; đồng thời cần tiếp tục kê biên các tài sản nhà đất của ông Hiển hoặc đứng tên các con được mua bằng nguồn tiền phạm tội mà có, nhằm đảm bảo thi hành án.
Hồ sơ vụ án cho thấy, phố Bà Triệu (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) có 3 thửa đất liền nhau, nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước. Trong số này, một phần đã được bán và cấp "sổ đỏ" cho 11 hộ dân, phần còn lại cho thuê và làm diện tích chung.
Năm 2017, ông Nguyễn Thanh Thủy (trú Q.Đống Đa, Hà Nội) mua gom toàn bộ đất của 11 hộ dân nêu trên và muốn mua nốt phần còn lại rồi gộp chung "sổ đỏ" để thuận lợi cho việc làm ăn.
Do không thuộc đối tượng được mua, ông Thủy tìm đến ông Hiển nhờ giúp đỡ. Ông Hiển nói có quan hệ với nhiều lãnh đạo sở, ngành Hà Nội, có thể đứng tên thay ông Thủy mua đất và gộp "sổ đỏ", nhưng phải trả công 7 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi đứng tên thay ông Thủy mua thêm đất và gộp sổ, ông Hiển không trả lại nhà đất cho ông Thủy mà ký 4 hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất cho ông Lê Hải An với trị giá gần 320 tỉ đồng.
Theo kết luận định giá tài sản, giá trị 3 khu "đất vàng" trên tại thời điểm chuyển nhượng cho bên thứ ba là hơn 127 tỉ đồng. Đây cũng là số tiền bị cáo chiếm đoạt của bị hại.
Quá trình điều tra, ông Hiển không thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo khẳng định mình và ông Thủy có hợp tác kinh doanh, góp tiền mua đất. Bằng chứng là hai bên ký hợp đồng hợp tác thể hiện ông Thủy và vợ ông Hiển mỗi người góp 100 tỉ đồng, ký biên bản thanh lý hợp đồng thể hiện ông Thủy chuyển nhượng 50% vốn góp của mình cho ông Hiển. Ông Thủy còn viết 3 giấy nhận tiền với tổng 200 tỉ đồng từ vợ chồng ông Hiển…
Tuy nhiên, viện kiểm sát xác định các hợp đồng này chỉ là giả cách, nhằm giúp ông Hiển đứng tên thay cho ông Thủy trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến khu "đất vàng".
Bình luận (0)