Vợ chồng trẻ tự 'mở lối đi' trước đại dịch Covid-19

Lê Lâm
Lê Lâm
08/06/2021 08:17 GMT+7

Trước tình cảnh cá sấu nuôi đến tuổi bán nhưng không xuất được vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 , đôi vợ chồng trẻ ở Đồng Nai quyết tập tành sản xuất đồ dùng bằng da cá sấu để tiêu thụ sản phẩm của chính mình.

Đôi vợ chồng trẻ vượt qua đại dịch Covid-19 này là anh Nguyễn Vũ Hoàng (38 tuổi) và chị Hoàng Thị Mỹ Nhung (36 tuổi), sống tại xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai), cả hai đều làm giáo viên.
Để kiếm thêm nguồn thu nhập, từ năm 2012, hai người bắt đầu nuôi cá sấu, tổng cộng 10 chuồng (100 con/chuồng), thời gian nuôi sau 2 năm là bán. Anh Hoàng cho biết những năm đầu giá cá sấu cao, có thời điểm lên đến 238.000/kg, nên việc nuôi diễn ra thuận lợi.
“Tuy nhiên, những năm gần đây giá cá sấu giảm xuống rất thấp, ai nuôi cũng lỗ. Đặc biệt, đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 làm cho giá cá sấu tiếp tục rớt thê thảm, chỉ còn 40.000 - 50.000 đồng/kg, thậm chí thương lái còn không mua vì không xuất đi nước ngoài được”, anh Hoàng nói.
Trước tình hình trên, anh Hoàng bàn bạc với vợ tìm hướng đi mới để tự cứu mình. Con đường hai vợ chồng chọn là làm các sản phẩm từ da cá sấu. Theo đó, anh Hoàng lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu, rồi trực tiếp thử nghiệm sản xuất sản phẩm.
“Tôi tự tay mổ, rồi lột da cá sấu, mang lên tận TP.HCM để thuộc (cách sơ chế để da bền đẹp và nhuộm màu, thời gian khoảng 1 tháng - PV). Sau khi có nguyên liệu rồi thì mày mò cắt, may các sản phẩm dễ như dây nịt, ví. Ban đầu sản phẩm chưa được đẹp, dần dần tay nghề nâng cao hơn thì sản phẩm có tính thẩm mỹ cao hơn, tiêu thụ được”, anh Hoàng tâm sự. Đối với các mặt hàng khó như túi xách, giày tây thì anh Hoàng cùng vợ cắt nguyên liệu ra theo khuôn rồi đưa đi đến các cơ sở may gia công để hoàn thiện.
Về máy móc, hai vợ chồng đầu tư mua sắm cả chục loại như máy lột da, máy may, máy bào, máy dập, máy cắt thịt, máy sấy, hút chân không.
“Từ khi làm công việc này, chúng tôi không những tiêu thụ được nguồn cá sấu của mình và còn tiêu thụ cho những hộ dân lân cận. Về lợi ích kinh tế, do thời gian chưa lâu nên chưa tính cụ thể được, nhưng về cơ bản chỉ tính riêng lượng thịt sau khi đã lột da rồi bán thì cũng thu được vốn”, anh Hoàng cho hay.
Trong khi người chồng phụ trách chính trong quá trình sản xuất, thì chị Nhung nắm mảng bán hàng. Theo chị Nhung, để mọi người biết đến, chị tích cực giới thiệu, rao bán trên các mạng xã hội, các nhóm bạn chung, chính những người này là khách hàng đầu tiên của chị. Chị tiết lộ, trong tháng đầu tiên bán được hơn 200 triệu đồng. Sau đó, nhiều cửa hàng, shop ở nhiều địa phương khác biết được cũng liên hệ đặt hàng.
Ngoài ra chị còn kết nối được 3 đại lý trên địa bàn Đồng Nai cùng trên 10 cộng tác viên bán hàng vượt qua đại dịch Covid-19
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.