Vợ chồng trên tuyến đầu chống dịch: Giành lấy sự sống cho bệnh nhân

Bích Ngân
Bích Ngân
16/10/2021 09:00 GMT+7

Hơn 2 tháng qua, bệnh nhân Covid-19 liên tục chuyển đến khu hồi sức tích cực của Bệnh viện điều trị Covid-19 An Bình (Q.5, TP.HCM). Các y bác sĩ ở đây đành tạm xa gia đình, khoác lên mình chiếc áo bảo hộ bước vào tâm dịch.

Từ ngày 10.7, Bệnh viện An Bình chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị Covid-19 An Bình. Bệnh viện chia làm 2 khu tách biệt: khu vực điều trị bệnh nhân và khu vực y bác sĩ nghỉ ngơi theo phương án “3 tại chỗ”.

Khu Hồi sức tích cực - chống độc I nằm tầng trệt, bên tay trái từ cổng đi vào Bệnh viện An Bình. Khi chúng tôi đến, một chị điều dưỡng nói nửa thật, nửa đùa: “Giá như mọi người đến sớm một chút, quay cảnh cấp cứu cho 2 - 3 bệnh nhân cùng một lúc hồi nãy thì sẽ rõ hơn cảnh chiến đấu với Covid-19”.

Nghe vậy, anh Đinh Công Dũng (37 tuổi, ngụ Q.12), điều dưỡng trưởng của Khu Hồi sức tích cực - chống độc I, vội tiếp lời: “15 bệnh nhân nằm đây, chỉ cần có 1 ca cấp cứu, đặt nội khí quản thì 7 - 8 điều dưỡng trong ca trực phải tập trung hỗ trợ”.

Toàn cảnh phòng ICU tại Khu Hồi sức tích cực - chống độc

Toàn tâm toàn ý trong điều trị

Phòng hành chính và phòng ICU ở đây thiết kế có vách ngăn bằng kính, có micro để truyền tín hiệu qua lại mỗi khi có việc cần bàn.

Khoảng 13 giờ ngày 29.9, nữ điều dưỡng cầm micro nói vào phòng bệnh: “Đem bảo hiểm y tế bản chính qua bên đó, chắc chắn người ta sẽ nhận. Chứ bệnh này đâu có người thân đâu mà trả. Nếu họ không nhận thì mình đem về”. 2 điều dưỡng bên trong chú ý lắng nghe.

“Các bác gọi điện cho người thân họ chưa?”, anh Dũng hỏi. Nữ điều dưỡng ban nãy trả lời: “Dạ rồi, mà không bắt máy”. Sau đó, có 6 điều dưỡng lấy băng ca vào phòng ICU nhẹ nhàng nhấc bệnh nhân từ giường qua băng ca. “Coi bình ô xy còn nhiều không, coi chừng đi giữa đường hết bình”, anh Dũng nhắc nhở.

Những trao đổi đó vẫn hay diễn ra ở Bệnh viện điều trị Covid-19 An Bình khi có ca bệnh nặng cần chuyển lên tuyến trên.

Ở đây, mỗi ca trực 12 tiếng, mỗi ca có 7 - 8 điều dưỡng. Cứ đều đặn 6 giờ sáng, điều dưỡng sẽ vào tắm rửa, vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân, chờ bác sĩ khám rồi thực hiện y lệnh thuốc...

Bác sĩ Võ Thanh Nam thăm khám cho bệnh nhân B.T.T

Anh Dũng tâm sự: “Thời gian đầu tiếp xúc trực tiếp với những bệnh nhân Covid-19 nặng, bản thân tôi thấy rất áp lực. Kể cả mình có là điều dưỡng đi chăng nữa thì cảm giác này vẫn chưa quen. Cho đến khi quen việc rồi thì thấy thương bệnh nhân vô cùng, nên tôi quyết định dành hết thời gian cho bệnh nhân”. Ngoài những công việc chuyên môn, điều dưỡng còn làm bạn cùng bệnh nhân để an ủi và động viên họ vượt qua nỗi sợ.

Vợ chồng anh Đinh Công Dũng có 15 năm công tác, đợt này cùng chống dịch tại bệnh viện, nhưng mỗi người một công việc. Vợ anh Dũng là chị Phạm Thị Bích Huyền (38 tuổi) được điều động làm điều dưỡng khu nhiễm 2. Chỗ chị Huyền có khoảng 100 giường bệnh, chị làm việc 12 tiếng/ca trực.

Chị Huyền nói: “Lúc mới nhận nhiệm vụ, tôi thấy stress lắm, vì lúc đó ít nhân lực và chưa hiểu biết nhiều về Covid-19. Mỗi ngày đối diện với bệnh nhân là một nỗi sợ. Bây giờ đã đỡ sợ hơn vì quen việc và có thêm đồng nghiệp san sẻ”.

Đối diện công việc áp lực, niềm vui của chị Huyền đơn giản là cứ mỗi buổi chiều lại có bệnh nhân được xuất viện ra về. Nhìn theo bóng lưng họ mừng vui ra về, lòng chị thấy ấm áp. Còn niềm vui của anh Dũng lại càng đơn giản hơn, đó chính là lời cảm ơn của bệnh nhân khỏi bệnh gọi điện thoại cho anh.

Covid-19 sáng 16.10: 857.639 ca nhiễm, 788.923 ca khỏi | TP.HCM tạm được coi là vùng cam

Vợ chồng anh Dũng gửi con gái 9 tuổi cho mẹ già chăm sóc. Suốt thời gian dài, họ chỉ có thể “đoàn viên” qua màn hình điện thoại, cuộc gọi về nhà cũng không nhiều vì phải bận trực. “Nói gì nói chứ con còn nhỏ, nhớ lắm chứ, nhưng nhiệm vụ chống dịch phải ráng hoàn thành. Khi nào hết dịch, ba mẹ về với con”, chị Huyền tâm tình.

Điều dưỡng Đinh Công Dũng điều phối chuyển tuyến cho bệnh nhân Covid-19

Bích Ngân

Vượt qua bộn bề áp lực căng thẳng

Cùng làm nhiệm vụ chống dịch tại khu hồi sức tích cực của Bệnh viện điều trị Covid-19 An Bình còn có anh Võ Thành Nam (31 tuổi, quê Long An) cùng vợ là chị Nguyễn Quang Châu Thủy (32 tuổi, quê Bình Thuận), cả hai cùng là bác sĩ khoa nội thần kinh. Khi Bệnh viện An Bình chuyển đổi công năng, anh Nam được điều động giữ vị trí Phó trưởng khu Hồi sức tích cực - chống độc II, còn chị Thủy trực tiếp thăm khám, điều trị cho bệnh nhân.

Khu Hồi sức tích cực - chống độc II do bác sĩ Nam phụ trách hiện có khoảng 30 giường bệnh, trong đó có 8 giường ICU được chăm sóc đặc biệt. Thời gian đầu, bác sĩ Nam và các đồng nghiệp phải cùng nhau tìm hiểu thêm tài liệu về điều trị Covid-19 để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị cho bệnh nhân.

Khi đó, mỗi ca trực gồm 3 bác sĩ, 3 điều dưỡng và 1 hộ lý phải làm việc suốt 12 tiếng đồng hồ. Trong ca trực, bác sĩ Nam vừa làm công tác chuyên môn, vừa điều phối chung nên ca trực của anh thường kéo dài đến 16 tiếng, còn chị Thủy trực 12 tiếng/ca. Bây giờ đội hình giảm 1 bác sĩ, nhưng làm việc 3 ca 4 kíp, cứ 8 tiếng thay ca 1 lần.

Phòng hành chính nơi bác sĩ Nam làm việc rộng chừng 25 m2, có thiết kế vách ngăn bằng kính với phòng ICU. Theo chân bác sĩ Nam vào thăm khám cho bệnh nhân tại phòng ICU, chúng tôi quan sát thấy có 5 bệnh nhân đều là người lớn tuổi, đang thở máy, xung quanh có máy đo nhịp tim, SpO2, máy truyền thuốc, ống dẫn thức ăn, ống dẫn tiểu, túi đựng chất thải...

Gia đình bác sĩ Võ Thành Nam trước đợt dịch thứ 4

Mỗi lần thăm khám, ê kíp đến phòng ICU trước, 1 bác sĩ sẽ phụ trách khám cho 2 - 3 bệnh nhân. Trong lúc thăm khám cho bà B.T.T (59 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM), bác sĩ Nam kiểm tra bệnh nhân có tỉnh không, có “hợp tác” với máy thở không và có đau hay khó chịu ở đâu không, cùng nhiều chỉ số khác rồi mới ra y lệnh.

Bà T. nhập viện đã 4 ngày, thở máy, mỗi nhịp thở bà phải cong người lấy hơi rất vất vả. Cùng lúc này, đồng nghiệp của bác sĩ Nam ở bên ngoài đang làm thủ tục chuyển viện lên tuyến trên cho bà T. Chốc lát, bác sĩ Nam bước sang phòng hành chính hỏi: “Xe cấp cứu đến chưa? Tuyến trên đồng ý nhận bệnh chưa anh em?”…

Tâm sự với chúng tôi, bác sĩ Nam kể Covid-19 tấn công phổi, khiến bệnh nhân khó thở, nhưng não thì vẫn ý thức được, họ muốn sống nên luôn nhắn nhủ: “Bác sĩ ơi, ráng giúp tôi”. Khi nhận nhiệm vụ ở khu hồi sức tích cực, bác sĩ Nam luôn tâm niệm sẽ cố hết sức để cứu người. Đó là điều mà anh và đồng nghiệp đã mang theo để vững vàng bước vào tâm dịch.

“Đối với những ca từ chối đặt ống thở nhưng bệnh viện không liên lạc được với thân nhân, bác sĩ phải quyết định làm điều tốt nhất cho bệnh nhân. Có bệnh nhân khi tỉnh dậy chịu đau không nổi đã yêu cầu lấy giấy, viết nguệch ngoạc với nội dung “xin rút ống thở cho tôi... chết”. Nếu bệnh nhân giãy giụa, chúng tôi phải cho thuốc an thần, giãn cơ...”, bác sĩ Nam chia sẻ.

Vợ chồng điều dưỡng Đinh Công Dũng

NVCC

May mắn hơn những cặp vợ chồng khác đi chống dịch mỗi người một nơi, vợ chồng bác sĩ Nam chống dịch cùng đơn vị, lại cùng công việc nên thấu hiểu và dễ thông cảm cho nhau. Tuy nhiên, thời gian anh chị gặp nhau lại rất hiếm hoi vì xoay ca liên tục. Có lẽ niềm an ủi lớn nhất chính là một trong hai người nhìn thấy nhau vẫn khỏe mạnh.

Nhận nhiệm vụ chống dịch “3 tại chỗ”, vợ chồng bác sĩ Nam để lại đứa con nhỏ mới gần 2 tuổi cho ông bà ngoại chăm sóc. Xa con nhỏ, anh chị nhớ con mà không biết tỏ cùng ai. Chị Thủy rơm rớm nước mắt: “Mới đây con bập bẹ biết nói con thương mẹ”.

Bao nhiêu nhớ mong góp thành động lực để vợ chồng bác sĩ Nam càng vững vàng trên tuyến đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.