Võ Đông Sơ - mối tình trong cơn lửa binh

15/03/2016 06:25 GMT+7

Soạn giả Viễn Châu có một bài vọng cổ mà hầu như người miền Nam nào cũng biết, bài Võ Đông Sơ : 'Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi. Đường dài mịt mùng em không đến nơi...'. Tuy nhiên hầu hết người ca và người nghe đều không rõ Võ Đông Sơ là ai.

Soạn giả Viễn Châu có một bài vọng cổ mà hầu như người miền Nam nào cũng biết, bài Võ Đông Sơ: 'Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi. Đường dài mịt mùng em không đến nơi...'. Tuy nhiên hầu hết người ca và người nghe đều không rõ Võ Đông Sơ là ai.

Nghệ sĩ Minh Cảnh và Bích Hạnh - Ảnh: tư liệuNghệ sĩ Minh Cảnh và Bích Hạnh - Ảnh: tư liệu
Mối tình trai tài gái sắc
Võ Đông Sơ xuất hiện trong cuốn “lịch sử tiểu thuyết” có tên Giọt máu chung tình xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1926.
Trong truyện, Võ Đông Sơ là con của Võ Tánh, một nhân vật lịch sử có thật. Võ Tánh quê gốc Bà Rịa-Vũng Tàu, theo mẹ lưu lạc về Gò Công (Tiền Giang). Ông có sức khỏe và võ nghệ hơn người nên thành lập nhóm trai trẻ bảo vệ người dân khỏi bọn trộm cướp và cọp beo nơi vùng đất còn hoang vu. Sau ông theo phò chúa Nguyễn Phúc Ánh, lập được nhiều công trạng, được chúa gả em gái là công chúa Ngọc Du, sinh ra con trai là Võ Đông Sơ. Nhưng khi Nguyễn Phúc Ánh giao cho Võ Tánh trấn thủ thành Bình Định thì nhà Tây Sơn đang thời kỳ hùng mạnh, tổ chức bao vây thành, Võ Tánh phải tự thiêu để đổi lại việc Tây Sơn không giết hại hàng binh. Vì nhớ ơn này nên khi lên ngôi, chúa Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) cho xây miếu thờ Võ Tánh tại TX.Gò Công.
Cũng theo truyện, Võ Đông Sơ mồ côi cha mẹ, ở với người chú ruột tại Bình Định, lớn lên trở thành chàng trai tài giỏi, văn võ song toàn. Chàng vào kinh ứng thí nhân dịp triều đình kén nhân tài dẹp giặc Tàu Ô ở Biển Đông. Dọc đường, chàng cứu được tiểu thư Bạch Thu Hà con gái của quan tổng trấn Tây Thành. Họ thầm yêu nhau, hẹn ngày gặp lại. Nhưng khi Võ Đông Sơ ra chiến trường thì ở nhà Bạch Thu Hà bị gia đình ép lấy chồng, nàng lén bỏ đi phiêu bạt giang hồ. Khi nghe tin Võ Đông Sơ tử trận, nàng quyên sinh để vẹn chữ chung tình.
Khoảng năm 1930 chuyện tình này được tái hiện trong vở tuồng Giọt máu chung tình của đoàn hát Huỳnh Kỳ do vợ chồng NSND Phùng Há làm bầu. Khi đó cô đào đẹp Phùng Há đóng vai Bạch Thu Hà, còn ông xã đẹp trai Bạch công tử Lê Công Phước vào vai Võ Đông Sơ. Thời ấy, Bạch công tử và Hắc công tử nổi tiếng lừng lẫy, và cô Bảy Phùng Há cũng không thua kém, càng thêm hào quang cho Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà.
Nhói lòng tiếng ca minh cảnh
Nhưng danh tiếng Võ Đông Sơ một lần nữa lại bay đi khắp miền Nam và lưu lại cho hậu thế tới bây giờ chính là nhờ bài vọng cổ Võ Đông Sơ do soạn giả Viễn Châu sáng tác vào thập niên 1960. Trong một lần trò chuyện, ông cho biết do rung cảm sâu sắc trước nỗi đau sinh ly tử biệt của đôi trai tài gái sắc thời loạn mà sáng tác bản vọng cổ này.
Cái hay là trong một bài vọng cổ đa số tác giả thường chỉ viết 4 câu cho gọn, nhưng ở bài này soạn giả Viễn Châu đã viết trọn vẹn 6 câu. Nhờ những đoạn nhạc ngắn ông viết chen vào nên 6 câu ấy luôn ngắt quãng ra, khiến người nghe không thấy bài vọng cổ lê thê, ngán ngẩm... Chính những đoạn nhạc này làm mấy cô cậu trẻ mê mẩn, có khi chẳng biết ca vọng cổ mà chỉ biết ca “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi. Đường dài mịt mùng em không đến nơi. Mây nước buồn cơn lửa binh. Hết kể chuyện chung tình. Khóc than riêng em một mình. Cây tuôn lá xanh xây mồ cho anh. Tình đầu bẽ bàng trong cơn chiến chinh. Đưa tiễn nào hay rẽ chia. Cách trở hận muôn đời. Nói nữa chi thêm nghẹn lời...”.
Đã có nhiều nghệ sĩ thể hiện bài Võ Đông Sơ, thế nhưng đến nay người ta vẫn cho rằng người ca bài này hay nhất là Minh Cảnh. Giọng Minh Cảnh trong vắt, ca một hồi thấy ngân rung đau đớn, rất “ăn” với lời ca đẹp não nùng của Viễn Châu: “Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà. Bạn tình ơi đừng hoài công mòn mỏi đợi chờ. Hãy gọi tên anh trong những chiều sương lạnh, khi cánh nhạn bay về cuối nẻo trời xa. Hay những lúc canh khuya tựa rèm châu ngắm ánh trăng tà, nàng hãy nhớ đến tháng năm này có một người yêu đã vùi thây giữa vùng cát trắng...”. Nhất là câu vọng cổ thứ 4 và 5 Minh Cảnh cất lên nghe sao tê tái: “Tuấn mã ơi, hãy phi mau về báo hung tin cho quân ta được rõ. Rằng Võ Đông Sơ đã vùi thây trong gió bụi quan... hà. Tiếng kẻng thu quân tắt lịm tự bao giờ. Hoàng hôn phủ trùm trên bãi chiến, một vẻ u buồn lạnh lẽo tiêu sơ. (thơ) Lá rừng rơi rụng như mưa - Phải chăng xây hộ nấm mồ cho ta - Máu hồng theo lệ tuôn sa - Nhắc câu chung thủy lòng ta nghẹn ngào. (nhạc) Máu đào tuôn rã ướt nhung bào. Chí anh hùng vùi trong kiếm đao. Bóng chiều rơi cuối nẻo biên thùy. Ta thấy miền xa rủ bóng quân kỳ...”.
Sau này khi Minh Cảnh sang Mỹ sống, ông vẫn thường xuyên được khán giả ở hải ngoại yêu cầu ca bài này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.