Vào tháng 11.2023, trên đường về nhà sau khi chơi cầu lông, anh Lực đã gặp tai nạn giao thông. Nơi anh Lực gặp tai nạn cách nhà khoảng 800 m nên hàng xóm đã báo cho Nguyệt ngay sau đó. “Khi được đưa lên xe đi cấp cứu trông mặt chồng mình vẫn rất bình thường, nhịp thở đều. Anh bị chảy máu ở tai, lúc đó mình đã có dự cảm không lành. Tuy nhiên, mình vẫn hy vọng anh không sao vì trông tình trạng không nặng”, Nguyệt chia sẻ.
Nguyệt cho biết khi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình, thì anh Lực bắt đầu co giật, bác sĩ tiên lượng xấu 80% sẽ tử vong và cần đặt nội khí quản gấp. Sau khi chụp phim và đối chiếu, bác sĩ chẩn đoán anh Lực bị dập não thái dương phải, tụ máu dưới màng cứng và vỡ xương đá. Bác sĩ chỉ định mổ gấp. Vốn là một người yếu đuối, dễ xúc động nhưng bằng một sức mạnh tiềm ẩn nào đó mà Nguyệt vẫn còn giữ được bình tĩnh ký vào tờ giấy cam kết.
Nguyệt cho biết thời gian chờ đợi ngoài phòng phẫu thuật tim cô như thắt lại, cảm giác thời gian trôi qua rất chậm. Sau ca đại phẫu, tình trạng của anh Lực rất xấu khiến Nguyệt gần như suy sụp: “Sau mổ 1 ngày chồng mình bị phù não nặng, tỷ lệ tử vong là 60% nên bác sĩ cho hôn mê sâu từ 7-15 ngày. Thời gian chồng hôn mê mình gần như thức trắng, không thể chấp nhận được sự thật vì trước đó vài tiếng, anh vẫn còn rất khỏe mạnh".
Sau 7 ngày, bác sĩ quyết định cai thuốc mê để anh Lực tự tỉnh lại. Sau 2 tiếng đồng hồ cai thuốc mê, anh Lực đã tỉnh lại nhưng phản xạ rất kém, không có ý thức, liệt tứ chi, vệ sinh không tự chủ và chẳng thể ăn uống bình thường. Lúc này, Nguyệt mới nhận thức được bản thân cần phải giữ bình tĩnh vì hành trình chạy chữa cho anh Lực vẫn còn rất dài.
May mắn trở về từ cõi chết, tuy nhiên thử thách dường như chỉ mới bắt đầu với vợ chồng anh Lực và Nguyệt. Sau tai nạn anh Lực không thể tự chủ được việc đi vệ sinh, Nguyệt phải thường xuyên thay tã cho chồng. Anh lực cao gần 1,8 m nên mỗi lần vệ sinh, hay thay quần áo Nguyệt đều rất vất vả. Có những hôm cả hai vợ chồng cùng trượt té ở nhà tắm trong lúc vệ sinh cho anh Lực.
Từ một cô gái yếu đuối, Nguyệt bắt bản thân phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho anh Lực và con gái. Khoảng 1 tháng sau tai nạn, Nguyệt bắt đầu hành trình phục hồi chức năng cho anh Lực tại Bệnh viện phục hồi chức năng T.Ư (tỉnh Thanh Hóa). Những ngày ở viện, Nguyệt phải trải chiếu dưới sàn nhà để nằm trông chồng. Sau 50 ngày gặp tai nạn, anh Lực mới lấy lại ý thức và có thể nói chuyện.
Thời gian đầu họ hàng thay nhau hỗ trợ Nguyệt chăm sóc anh Lực. Con gái nhỏ phải gửi về ngoại nhờ chăm sóc để Nguyệt chuyên tâm chữa chạy cho anh Lực. Theo Nguyệt, anh Lực phải tập ăn, đi đứng lại từ đầu như một đứa trẻ. Sau 4 tháng bị tai nạn, anh Lực mới có thể tự ngồi mà không cần chỗ tựa vào. 5 tháng sau, anh Lực mới đứng được bằng hai chân.
“Chăm chồng trong thời gian qua khiến mình trở nên mạnh mẽ và bình tĩnh hơn trong mọi tình huống. Có những hôm tập đi, anh bị mất thăng bằng, mình thì không đủ sức giữ lại nên cả hai cùng té ngã. Trong lần đi ghép sọ cho anh vào tháng 4 vừa rồi, mình đã không còn lo sợ khi chờ đợi ngoài phòng phẫu thuật. Dù khó khăn thế nào nhưng hai vợ chồng cùng cố gắng thì mọi thứ sẽ tốt lên”, Nguyệt chia sẻ.
Nguyệt cho biết trước đó hai vợ chồng đã có được một số tiền tiết kiệm, cộng với sự giúp đỡ của họ hàng nên mới đủ tài chính chạy chữa cho anh Lực trong thời gian qua. Hiện tại, tình trạng sức khỏe và chức năng vận động của anh Lực phục hồi ở mức tốt. Tuy nhiên, nửa người bên trái của anh Lực còn rất yếu, tay cầm nắm khó khăn, chân không tự duỗi thẳng. Hành trình tập đi của anh Lực vẫn còn dài, Nguyệt luôn đồng hành và hy vọng sẽ giúp anh Lực trở về trạng thái như lúc chưa gặp tai nạn.
Anh Lực xúc động khi nói về vợ: “Mình rất thương vợ vì trong thời gian qua đã hết lòng chăm sóc, kiên nhẫn chờ chồng hồi phục. Thật sự nếu không có cô ấy, mình chẳng biết vượt qua giai đoạn này thế nào. Mình khuyên các bạn phải thật cẩn thận trong quá trình tham gia giao thông, không uống rượu bia và luôn đội mũ bảo hiểm”.
Bình luận (0)