Vợ Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng bị bắt giam vì lừa đảo

17/06/2020 07:07 GMT+7

Bà Bùi Thị Mai Liên, vợ Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng Đoàn Xuân Sơn vừa bị cơ quan công an bắt giam tối 15.6 để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản .

Bà Bùi Thị Mai Liên làm việc cùng cơ quan với chồng, giữ chức Trưởng phòng Hành chính Tư pháp của Sở. Ngoài bà Liên, còn có 3 công chứng viên cùng bị khởi tố, bắt tạm giam gồm Bùi Hữu Quang Luận, công chứng viên Phòng công chứng số 1 Sở Tư pháp Lâm Đồng; Chu Văn Sữa, Trần Thùy Lâm thuộc Văn phòng công chứng Đoàn Quang Lưu (P.9, TP.Đà Lạt); trong đó Luận là cháu bà Liên.

Vừa thế chấp ngân hàng vừa bán đất lấy tiền

Theo thông tin ban đầu, thời gian gần đây Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được nhiều đơn thư người dân tố cáo bà Liên và ông Sơn lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, qua điều tra bước đầu, cơ quan chức năng đến nay chỉ mới phát hiện 1 vụ có đủ chứng cứ để khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, bà Liên mang sổ đỏ nhà, đất trên đường Nguyễn Văn Cừ (P.1, TP.Đà Lạt) thế chấp, vay ngân hàng hơn 10 tỉ đồng, nhưng đồng thời rao bán tài sản này. Để bán được khối tài sản đó, bà Liên được sự giúp sức của Luận, Sữa, Lâm. Ba công chứng viên đã công chứng giấy tờ và việc mua bán, giúp bà Liên chiếm đoạt hơn 12 tỉ đồng của người mua. Cơ quan chức năng xác định, đây là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Sẽ điều chuyển Giám đốc Sở Tư pháp

Ngày 16.6, ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, xác nhận thời gian qua lãnh đạo UBND tỉnh có nhận được đơn thư của bà H.T.V (vợ nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng - PV), tố cáo vợ chồng Đoàn Xuân Sơn, Bùi Thị Mai Liên lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Lãnh đạo tỉnh đã giao cho Thanh tra tỉnh xem xét nội dung đơn thư tố cáo. Hiện thanh tra đang làm và chưa báo cáo tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Yên, riêng vụ án công an tỉnh vừa khởi tố bắt tạm giam bà Liên thì ông Sơn không liên quan. Nếu trong quá trình điều tra vụ án phát hiện ông Sơn có liên quan hoặc đồng phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo pháp luật.
Tuy nhiên, theo Quy định 102/QĐ-TW năm 2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, khi vợ (hoặc chồng) là cán bộ công chức bị khởi tố bắt tạm giam thì phải xem xét hình thức kỷ luật với chồng (hoặc vợ) đang đương chức. Với trường hợp ông Đoàn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp, UBND tỉnh sẽ xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy để xử lý, chắc chắn sẽ điều chuyển vị trí công tác. Hiện ông Sơn đang xin nghỉ phép đến hết tháng 6.2020, việc điều hành tại Sở Tư pháp được giao cho một phó giám đốc.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Tạo, Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng - nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng, cho biết từ tháng 2.2020 người bị hại đã có đơn tố cáo bà Liên lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng cơ quan chức năng chậm xử lý. Cũng theo ông Tạo, qua theo dõi và nắm thông tin vụ việc, ngoài công việc chính ở Sở Tư pháp, từ năm 2015 bà Liên còn buôn bán bất động sản. Thời gian đầu khá suôn sẻ, cho tới vài năm gần đây bà Liên đầu tư “quy hoạch khu dân cư ở Măng Lin” (P.7) và xã Tà Nung (TP.Đà Lạt) nhưng lại bị vướng việc phân định đất nông lâm chưa rõ ràng nên bị tắc. Do đó, bà Liên đi vay “nóng” để trả nợ, tiếp đó lại vay của nhiều cán bộ, nhân viên trong Sở Tư pháp và nhiều người khác để trả "lãi nóng" với tổng số tiền hơn 400 tỉ đồng.
Vợ Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng  bị bắt giam vì lừa đảo

Giấy mượn tiền có chữ ký của ông Đoàn Xuân Sơn và bà Liên

Giám đốc sở cùng vợ ký giấy vay mượn ?

Qua tìm hiểu của PV, liên quan vụ này, bà Nguyễn Thị N. (ngụ P.2, TP.Đà Lạt) tố cáo do tin tưởng bà Liên nên ngày 14.1.2020, bà cho bà Liên vay 22 tỉ đồng. Khi vay, bà Liên dẫn theo cháu là Bùi Hữu Quang Luận cùng ký “hợp đồng mượn tiền”. Theo một số hợp đồng vay nợ, bên B (bên mượn tiền) bảo đảm việc vay nợ bằng 8 khối nhà, đất “đang thế chấp ngân hàng”. Thế nhưng khi quá hạn, bên vay không chịu trả tiền, mà còn lấy sổ đỏ đang thế chấp tại ngân hàng ra tẩu tán. Cụ thể, ngôi nhà số 20C Phan Chu Trinh (P.9, TP.Đà Lạt) được vợ chồng bà Liên thế chấp tại ngân hàng từ cuối tháng 9.2018 để vay 12,2 tỉ đồng. Sau khi mượn được tiền của bà N., bà Liên giải chấp, rồi bán (gán nợ) cho vợ chồng bà H.T.V (TP.Đà Lạt) với giá 14 tỉ đồng. Sau khi nhận được đơn khởi kiện của bà N., ngày 28.2.2020 TAND TP.Đà Lạt đã thụ lý vụ án và ra quyết định phong tỏa ngôi nhà trên.
Một nạn nhân khác là bà L. (ngụ Đà Lạt) cũng tố cáo do tin tưởng vợ chồng bà Liên có chức, có quyền, nên đã thế chấp nhà, cửa vay mượn người thân cho vợ chồng bà Liên vay 53 tỉ đồng. Trong đó ông Sơn là chồng bà Liên trực tiếp ký vào một giấy mượn 8 tỉ đồng. Hiện bà L. vẫn chưa nhận được tiền trả nợ.
Cuối năm 2019, ông Sơn cũng được cho là cùng vợ ký giấy vay 8 tỉ đồng của bà H. (ngụ P.4, TP.Đà Lạt) trong 2 ngày sẽ trả nhưng đến nay vẫn chưa trả.
Ngoài các nạn nhân trên, còn rất nhiều người cũng đang là chủ nợ của bà Liên với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Trong đó, có cả những trường hợp đặt cọc mua hàng chục lô đất nền trên giấy tại “khu quy hoạch Măng Lin” do bà Liên tự vẽ ra.
Để làm rõ ông Sơn có liên quan đến vụ án mà bà Liên bị bắt hay không cũng như việc ông Sơn có cùng vợ ký các giao dịch tài sản trong thời gian mua bán bất động sản, vay mượn tiền của nhiều người, PV liên hệ đại tá Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, nhưng ông từ chối trả lời với lý do đang đi công tác và “chưa nắm vụ việc” (!?). Tương tự, ngày 16.6, PV đến Sở Tư pháp Lâm Đồng để gặp ông Sơn xác minh thông tin, nhưng nhân viên trực cho biết ông đang nghỉ phép đến ngày 29.6. PV gọi vào số điện thoại di động của ông Sơn nhưng không gặp được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.