Vợ mất đột ngột, chồng làm thợ hồ chăm từng bữa ăn cho hai con

Khánh Hoan
Khánh Hoan
13/09/2018 12:13 GMT+7

Vợ đột ngột mất vì tai nạn, bỏ lại anh Nguyễn Văn Công cảnh “gà trống” nuôi hai con thơ. Đứa con nhỏ bệnh tật nên anh không đi làm ăn xa vì nếu đi, anh sợ mình không còn tự tay chăm từng bữa ăn cho con....

Hạnh phúc ngắn ngủi

Anh Nguyễn Văn Công (34 tuổi, ở xóm 3, xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nên duyên với chị Nguyễn Thị Nhung, cô gái kém anh 6 tuổi, ở cùng làng vào năm 2012.

[VIDEO] Gà trống nuôi con - Thực hiện: Khánh Hoan

Sau khi cưới nhau, vợ chồng anh được bố mẹ cho ra riêng ở căn nhà nhỏ xây trong vườn nhà. Hai đứa con một gái, một trai lần lượt chào đời.

Người cha này chọn công việc thợ hồ gần nhà để tiện chăm sóc hai con nhỏ KHÁNH HOAN


Thế nhưng, đứa con thứ hai là Nguyễn Gia Bảo khi mới 3 tháng tuổi đã bị triệu chứng lạ: xuất huyết ngoài da, các vết bầm tím như hình đồng xu. Thấy con bất thường, mệt mỏi và hay quấy khóc, vợ chồng anh đưa đi khám thì phát hiện con mắc bệnh xuất huyết tiểu cầu. Từ đó, đều đặn mỗi tháng một lần, vợ chồng anh phải đưa con nhập viện điều trị, mỗi đợt 5-7 ngày.

 

Ngày 22.11.2017, tai họa ập xuống mái ấm bé nhỏ này. Chị Nhung đang làm thuê cho một cơ sở đóng gạch táp lô ở xã Quỳnh Thạch kề bên thì bị máy trộn bê tông cuốn vào khoang trộn. Anh Công cùng gia đình đưa chị Nhung nhập viện tỉnh rồi ra Hà Nội với hy vọng “còn nước còn tát”, nhưng do vết thương quá nặng, không cứu được.

Người mẹ ra đi khi đứa con gái lớn 5 tuổi, con út vừa tròn 15 tháng tuổi, đang bú mẹ, với căn bệnh xuất huyết tiểu cầu đang phải nhập viện điều trị hàng tháng.

Những đêm dài thiếu mẹ, bé Gia Bảo quấy khóc, đòi mẹ. Anh Công và bà nội của cháu phải thay nhau bồng bế, dỗ giành. “Khi mẹ cháu mất, đang mùa đông trời rất lạnh, cháu lại đang ốm. Không có mẹ nên nó càng quấy khóc, đòi mẹ không chịu ngủ”, anh Công kể.

Để tang vợ được một tuần, anh Công lại bồng con nhập viện. Hình ảnh người cha với thân hình nhỏ, gầy, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ nhẫn nại ôm con ở bệnh viện khiến nhiều người biết chuyện đều xót xa. 

Dù có bà phụ chăm cháu nhưng anh Công vẫn không nỡ đi làm ăn xa dù gia cảnh chật vật KHÁNH HOAN

Chèo chống nuôi con

Anh Công làm thợ hồ, thu nhập thấp. Cuộc sống vốn khó khăn từ đó càng túng bấn hơn. Thương con trai sớm rơi vào cảnh đơn chiếc, gà trống nuôi con, bố mẹ anh Công bảo anh chuyển vào sống chung nhà với bố mẹ, để đỡ đần, chăm sóc các cháu.

Nhắc về người con dâu, bà Nguyễn Thị Cam, mẹ anh Công, đôi mắt đỏ hoe: “Nhung về làm dâu 6 năm nay, gia đình tôi ai cũng quý nó. Nó sống biết trên biết dưới, biết vun vén chăm lo cho chồng con. Tiếc là số cháu vắn quá!”. Ngày con dâu mất, để lại cho con trai hai đứa con thơ, đó cũng là ngày vợ chồng bà như cắt từng khúc ruột. “Về đêm, Gia Bảo nhớ mẹ nó, cứ đòi khóc, bắt bố đi tìm mẹ. Vợ chồng tui không ngủ được, nước mắt cứ trào ra. Bây giờ cháu cũng đã quen dần cuộc sống thiếu mẹ, nhưng vẫn chưa thể quên được. Thỉnh thoảng, Gia Bảo lại gần bàn thờ mẹ nó, chỉ tay nói mẹ đang ngủ ở đó tề (kìa)!”, bà Cam kể.

Anh Công vừa làm cha vừa làm mẹ, không bao giờ ngừng hi vọng sẽ chữa khỏi bệnh cho con trai KHÁNH HOAN

Tiền sữa, quần áo, tiền học, tiền thuốc cho con, một vai anh Công gánh vác. Hai đứa con nhỏ nhờ bà nội trông coi, anh Công tiếp tục đi làm thợ hồ. Anh Công chọn công việc ở gần nhà để tiện chăm sóc hai con bởi chúng đã thiếu tình thương của mẹ rồi, anh không thể để chúng xa thêm bố.

Tiền công mỗi ngày của anh gói ghém trong 200.000 đồng khiến anh khá chật vật. “Em muốn đi xa để làm ăn, đồng lương cao hơn để có chút tích cóp nhưng con đang quá nhỏ, lại bệnh tật như vậy nên không thể dứt đi được”, người cha nhìn ra khoảnh sân đang chói nắng, nói. Anh Công nói nếu anh đi, bà cũng sẽ chăm được hai cháu nhưng anh không còn tự tay chăm từng bữa ăn cho con, anh xót....

Trưa phóng viên đến nhà anh Công, bữa cơm được dọn trên chiếc giường. Bé Bảo Trâm đã lên 6 tự cầm thìa xúc ăn. Bé Gia Bảo không mặn mà lắm với chén cơm, cứ hờn, đòi chơi, không chịu ăn. Anh Công nhẫn nại dỗ: “Con ăn ngoan chiều đi làm về, bố chở đi chơi nhé!”. Cô chị lên 6 cũng nũng nịu: “Bố cho con đi với nhé, không con không ăn nữa”. “Ừ, bố chở cả hai chị em đi chơi, các con ăn nhanh lên”. Anh Công đưa thìa cơm lên lần nữa, lại dỗ, cậu con mới chịu há miệng. “Bữa ăn nào cũng hết khổ vì nó. Cháu nó đau bệnh nên ăn uống cũng kém, may còn chịu uống sữa nên nhìn cơ thể cũng đỡ”, anh Công nói.

Lịch khám bệnh định kỳ cho con trai lại sắp đến. Bố con Công lại phải vượt 70 cây số vào bệnh viện tỉnh để điều trị. “Bác sĩ bảo bệnh này có trường hợp phải sống chung với nó cả đời nhưng cũng có trường hợp được chữa khỏi, giờ mình cũng chỉ biết làm hết sức mình để lo cho con và mong trời phật thương cho thằng nhóc mau khỏi bệnh”, anh Công nói mà đôi mắt ánh lên niềm hi vọng nhỏ nhoi...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.