Người dân núi Cấm cũng như du khách miền Tây, đã quen chờ tiếng vó ngựa lóc cóc, với nhạc ngựa êm tai mang vẻ đẹp chốn núi rừng.
Bến xe ngựa Vĩnh Trung |
tgcc |
Theo một số nguồn tư liệu thì xe ngựa đã xuất hiện ở Sài Gòn vào năm 1920, cho đến năm 1930 mới xuất hiện ở Nam kỳ lục tỉnh, còn xe ngựa ở xã Vĩnh Trung chưa ai biết đích xác ra đời từ lúc nào, những xà ích ở Vĩnh Trung cho biết: bến xe ngựa hiện nay đã nghỉ nghề rất nhiều, chỉ còn lại khoảng 45 – 50 xe hoạt động chủ yếu chở người, hàng hóa; lương thực, đồ cồng kềnh từ chợ về các phum, sóc, từ phum sóc đi mọi ngã. Ưu điểm của xe ngựa là chạy đường đất nhỏ, đường đá chông chênh từ sóc này sang qua sóc khác. Thỉnh thoảng chở một số khách đi du lịch. Khi ngựa chạy, tiếng vó ngựa hòa lẫn tiếng lục lạc phát ra nhạc ngựa êm tai.
Bến xe ngựa ở Vĩnh Trung chủ nhân là những người Khmer nghèo. Ít ruộng đất lấy nghề kéo xe ngựa làm kế mưu sinh. Họ tự mua sắm ngựa, sắm xe, tự làm xà ích chở khách, thức ăn cho ngựa phải tự kiếm, tự phòng bệnh và lo chữa bệnh khi ngựa đau ốm.
Bến xe không có tuyến nhất định, khách muốn đi đâu thì thương lượng với xà ích, giá cả cũng theo thỏa thuận. Từ bến xe Vĩnh Trung, 5 giờ sáng xe ngựa đã tụ hội, một số chủ xe tháo rời ngựa cho đi ăn cỏ trong lúc chờ đợi khách. Khoảng 7 – 8 giờ xe ngựa bung ra các tuyến như núi dài, núi Cô Tô, núi Cấm chở đầy hàng hóa như măng, su, rau cải, lúa, cây cột, cho đến rơm rạ chạy lốc cốc bên những chiếc xe máy đời mới.
Còn hành khách hầu hết là những bà con thuộc vùng bán sơn địa đã gắn bó với xe ngựa, nhất là các ngày lễ hội, hình ảnh xe ngựa hoạt động vui nhộn trên các đường quê khiến bà con nhớ mãi.
Kiểu dáng xe ngựa ở Vĩnh Trung thấp, nhỏ, gọn dễ thích nghi với con đường nhỏ, gồ ghề. Khung xe làm bằng gỗ núi như cam xe, sao, giáng hương… Mỗi xe có thể chở từ 300 ký – 400 ký. Mui trần, không có tay vịn. Trước đây, bánh xe làm bằng cây, hiện nay đã thay bằng bằng bánh cao su bơm nên chạy êm hơn và ít bị xóc.
Anh Chau Walna (ở ấp Bần Ro, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) nhà có hai con ngựa chở mướn đã 6 năm, anh là người duy nhất có đi học và được cấp bằng lái xe ngựa tại bến xe Vĩnh Trung này.
Xe ngựa ở Vĩnh Trung là một phương tiện góp phần tô đẹp cho nét văn hóa của vùng bán sơn địa |
tgcc |
Neang Sabêt vợ của anh Walna cho biết: "Nhà có hai con ngựa, chồng tôi chạy một con, thằng con trai chạy một con, vừa qua con ngựa của chồng tôi bị bệnh chết, ngày nó bệnh nó khóc, chồng tôi cũng khóc theo. Nó là con ngựa có dáng chân cao, mình thon, mũi khô, mắt sâu và sáng nên chồng tôi rất cưng chiều nó". Hiện nay, anh Châu Walna phải đi làm mướn ở Bình Dương kiếm tiền về mua lại con ngựa khác tiếp tục hành nghề kéo xe.
Để có giống ngựa tốt, các chủ nhân thường mua ngựa ở Tà Keo (Campuchia). Ngựa và xe mỗi chiếc từ 15 triệu - 17 triệu đồng, nếu là người quen trả trước 5 triệu còn mỗi tháng trả góp 500.000 đồng. Hoặc mua ngựa ở Vĩnh Trung giá từ 10 triệu - 12 triệu, mướn thợ đóng xe mỗi chiếc 3 triệu đồng. Ở Vĩnh Trung cũng có thợ đóng móng giá 25.000 đồng/cái. Mỗi tháng đóng móng một lần. Thường những xà ích đi mua ngựa, họ không để ý đến ngựa ốm hay ngựa mập, họ thường nhắm tướng ngựa chân cao, mình thon, mũi khô, mắt ướt, hay có xoáy ở bên tai là tai rất thính, hoặc ở gối con ngựa có đủ 4 xoáy, người sành ngựa gọi là “tứ mục trung đồng” rất quý hiếm gọi là thiên lý mã.
Thức ăn của chúng thường là cỏ, chuối trộn với lúa. Tối ngủ cũng um lửa, treo mùng để tránh muỗi. Ngựa mỗi ngày phải tắm, nếu không chúng sẽ bị đóng vảy trên da. Theo kinh nghiệm nuôi ngựa lâu năm, anh cho biết trời nắng tắm ít hơn trời mưa vì sợ chúng không khỏe.
Hiện nay, tại bến xe ngựa giá cả giao động rất ít, chở trấu 1 bao giá 500 đồng mỗi xe chở được 20 bao, mỗi ngày có thể chở 300 – 400 bao. Chở vật nặng tính theo đường dài chạy từ 15 km – 20 km chở từ 300 ký giá tiền 300.000 đồng. Hôm nào, trúng mánh, chở được khách du lịch. Mỗi thùng xe chở được từ 6 người – 10 người được trải chiếu sạch sẽ. Từ bến xe Vĩnh Trung - Nhà bàn hoặc Núi Cấm, chở 5 - 6 khách du lịch giá 200.000 đồng. Khách thường từ Vĩnh Trung đi Tịnh Biên 15.000 đồng.
Xe ngựa chạy đường dài và chạy từ từ rất tốt, ưu điểm đất ruộng, đường đất, vả lại xe ngựa chở được hàng cồng kềnh như lúa, gạo, gỗ, rơm, rau cải, măng tre, trái cây, kể cả chất dơ như phân bò, rơm.
Anh Châu Sóc Rang có vợ hai con đã có 6 năm chạy xe ngựa. Trung bình mỗi ngày kiếm được tám chục đến một trăm ngàn đồng, ngoài ra anh có 2 công ruộng mỗi năm làm 2 mùa nên đời sống anh thoải mái.
Xe ngựa ở Vĩnh Trung là một phương tiện góp phần tô đẹp cho nét văn hóa của vùng bán sơn địa, những chiếc xe ngựa đã trở thành hồn và sức sống vùng đất này.
Bình luận (0)