Vỡ òa sau 40 năm oan sai: Những công dân bối rối

31/10/2019 14:13 GMT+7

Những người chịu oan sai 40 năm, mang theo thân phận bị can dai dẳng, hôm nay, tự biết mình là một công dân, theo đúng nghĩa. Dù vậy, họ vẫn là những công dân bối rối, vì... 40 năm là thời gian dài khủng khiếp.

Sáng 31.10, nhiều người dân xã Đôn Thuận đã đến hội trường UBND xã Đôn Thuận (H.Trảng Bảng, Tây Ninh) từ sáng sớm. Họ muốn tận mắt nhìn thấy những người đã chịu oan sai suốt 40 năm qua, và dự buổi xin lỗi trực tiếp do Viện KSND tỉnh Tây Ninh tổ chức.

Xin lỗi công khai, 7 người kết thúc 40 năm thân phận bị can trong oan khuất

Nỗi khát khao 40 năm

Khi nhìn thấy tấm bảng đỏ treo cao có ghi đủ tên của 7 người, từ cụ Võ Thị Thương (người lớn tuổi nhất còn sống) rồi tới cụ Nguyễn Thành Nghị (đã chết) và các con, cháu là bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, ông Hồ Long Chánh, ông Nguyễn Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Lan, ông Nguyễn Văn Dũng, nhiều người đã xót xa cho sự oan khiên hơn nửa đời người của một dòng họ bị mang tiếng là "ăn cướp".
Sáng 31.10, cả 7 người có tên trên tấm bảng đỏ treo cao kia, được xin lỗi trịnh trọng kia, lại bối rối. Họ bối rối vì hai từ "công dân" viết ra thật dễ, mà thật khó giữ được đã suốt 40 năm rồi.
Họ không dám nghĩ rằng cũng có ngày họ được coi là công dân. Điều lẽ ra họ hiển nhiên được hưởng, lại là nỗi khao khát suốt 40 năm qua kể từ ngày bị bắt.
Buổi xin lỗi diễn ra chóng vánh, chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ. Nhưng khi những cán bộ VKS, cán bộ xã đã rời đi, nhiều người dân Đôn Thuận vẫn cố nán lại, níu tay chúc mừng gia đình cụ Thương một lần nữa...

Trời ơi, họ thực sự bị oan

Những người dân xã Đôn Thuận chỉ nhau xem đâu là bà Lan "lớn", đâu là bà Lan "nhỏ". Bà Trần Thị Hà (người dân ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận) không cầm được nước mắt: "Lúc chưa bị bắt, ai nấy đều còn khỏe. Anh Dũng lúc ấy làm việc ở xã, cụ Nghị là bộ đội phục viên, lúc nào cũng ăn nói đĩnh đạc, đàng hoàng. Chúng tôi ai cũng thương quý... Sau khi bị bắt thì tan tác hết. Giờ nhìn cụ Thương, ông Chiến, ông Dũng (Dũng "nhỏ" - PV), bà Lan, tôi chẳng nhận ra. Nhìn họ lam lũ, thương xót quá".

Nhiều người cùng nán lại sau buổi xin lỗi, chia nhau 1 điếu thuốc, chia nhau một bó hoa muộn màng, chia nhau lời thăm hỏi...

Ảnh: Lam Ngọc

Còn bà Đỗ Thị Đẹp (58 tuổi, người dân ấp Bùng Binh) thì cho biết 40 năm trước chính mắt bà chứng kiến cái ngày người ta đến bắt cụ Nghị: "Họ đánh cụ Nghị, chính mắt tôi nhìn thấy".
Dù thấy cụ Nghị bị đánh như vậy, nhưng bà Đẹp bảo bà vẫn không tin cụ Nghị ăn cướp vàng. Bởi là hàng xóm của cụ, biết cụ rất rõ, bà tin cụ Nghị không bao giờ ăn cướp.
Cũng vì tin cụ Nghị nên gần chục năm trước khi hay tin cụ Nghị mất bà từ ấp Bùng Binh tìm lên tận Dầu Tiếng để đưa tang cụ.
Bà Trần Thị Giàu (60 tuổi, người dân ấp Bùng Binh) bức xúc: "Tôi vẫn nhớ cái người đánh cụ Nghị là ông Tư Tiết. Ngày đó ổng có quyền, ổng đánh ác lắm. Tôi nghe nói ổng còn sống nên muốn đến xem hôm nay ổng có tới xin lỗi hay không. Tôi thất vọng thật sự khi ổng lại không có mặt để xin lỗi", bà Giàu nói.
Chúng tôi hỏi một vài người dân Đôn Thuận xem vì sao họ biết mà tới tham gia buổi xin lỗi. Họ nói mấy hôm rồi, thấy báo đài đưa tin xin lỗi người bị oan ở xã Đôn Thuận, đọc tin thấy tên của người quen cũ, nên tới dự...
May khi tới nơi thì gặp lại tất cả, mới vỡ oà rằng trước nay những người mà họ sợ sệt, họ đề phòng lại thật sự bị oan sai: "Trời ơi. Họ thực sự bị oan..."
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.