'Vô phúc đáo tụng đình'!

Phan Thương
Phan Thương
30/07/2019 06:41 GMT+7

Chuyện tương tự như ông N.T.Y (ngụ Q.2, TP.HCM), mua căn nhà ở đường Phó Đức Chính với giá hàng chục tỉ đồng nhưng không thể vào ở cũng như được quyền sử dụng, định đoạt đối với tài sản của mình vì “dính” phải… người thuê không phải là chuyện hiếm.

Báo Thanh Niên từng phản ánh trường hợp ông T.H.H.B (ngụ Q.5, TP.HCM) mua một căn nhà tại Q.5 nhưng không thể lấy nhà, vì sau khi hoàn tất thủ tục sang tên, người bán đi nước ngoài định cư, còn người thuê… không chịu bàn giao nhà như thỏa thuận mà trưng ra một hợp đồng thuê khác; hay một vụ khác tại Q.1, một cá nhân cho một công ty thuê với thời hạn 5 năm. Nhưng hết hạn, bên thuê không muốn trả mặt bằng nên chơi “chiêu” kiện ra tòa. Tòa vẫn thụ lý giải quyết và thế là chủ nhà không thể lấy được mặt bằng để sử dụng, đã thế còn “vô duyên vô cớ” phải đi hầu tòa…
Từng tiếp xúc với nhiều vụ việc tương tự, chúng tôi nhận thấy ở một số trường hợp, chủ nhà đã sử dụng nhiều biện pháp khác để có thể lấy được nhà, như: đề nghị thừa phát lại lập vi bằng, rồi dọn đồ của bên cho thuê ra khỏi nhà; thuê một công ty vệ sĩ và thuê hẳn một căn nhà trống để dọn đồ bên đang thuê ra khỏi nhà cho thuê; cắt điện, cắt nước... Tuy vậy, cũng có những vụ xảy ra xô xát và chính quyền địa phương can thiệp, hướng dẫn các bên “dắt nhau” ra tòa giải quyết. “Vô phúc đáo tụng đình”! Rất mệt mỏi!
Chính cách xét xử “án dân sự xử sao cũng được” đã tạo điều kiện cho những người am hiểu pháp luật hoặc được tư vấn lợi dụng quy định pháp luật nhằm trục lợi trên chính tài sản của người khác. Rõ ràng, với quy định pháp luật hiện nay, kể cả quy định “đóng” của tội xâm phạm chỗ ở của người khác, khiến chủ nhà không có quyền đương nhiên lấy được tài sản của mình hoặc yêu cầu chính quyền địa phương “cưỡng chế” ngay lập tức bên thuê để giao nhà cho mình.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.