Võ sư Tuấn “hạc” (võ sư sinh năm 1979 này có biệt danh như vậy vì năm 2004 đã biểu diễn một bài Hạc quyền trên truyền hình nhân Hội võ thuật Hà Nội thành lập Bộ môn Vịnh Xuân), nói: “Thực ra mấy ngày nay tôi không đọc nhiều các bài báo trên mạng về cá nhân tôi cũng như Flores vì sợ có sự tác động tiêu cực đến tinh thần và cuộc sống riêng của mình. Tôi là một người thầy dạy võ và đứng lớp với phương châm rèn luyện sức khỏe cho các học trò, rèn tâm dưỡng tính cho các con. Văn hóa cốt lõi của võ thuật là rèn luyện tính tự lực tự cường. Tôi có phần lo ngại, bố mẹ các học trò nhìn vào các cuộc giao đấu của ông Flores mà hiểu sai về võ thuật. Tôi không thách đấu với ông Flores vì năm 2009, tôi đã từng thắng. Một người thắng không đi thách đấu với người đã thua mình”.
Lòng dũng cảm của ông Flores bị đặt sai chỗ
* Chúng tôi có thể hiểu được tâm lý của ông Flores là muốn gỡ gạc danh dự. Ông Flores có đưa ra một lý do là thời điểm bị anh đánh bại tại một quán cà phê ở khu vực Hồ Thiền Quang - Hà Nội, Flores bị say cà phê.
Võ sư Tuấn “hạc”: Tôi không bình luận mà chỉ cần đưa ra những ý này để bạn và mọi người cùng phân tích. Khi tôi đến địa điểm giao đấu, Flores đã có mặt ở đó cùng với một số người của mình - nói nôm na là ông ấy đi đến điểm hẹn một cách có tổ chức chứ không phải ngẫu nhiên hay tình cờ. Một người tập võ như ông Flores chắc chắn luôn biết cần ăn gì, uống gì tốt cho sức khỏe, không để ảnh hưởng đến huyết áp hay những vấn đề khác liên quan đến thể lực. Hơn nữa, ông ấy đã xác định có cuộc giao đấu thì có uống cà phê không? Chưa kể một người sinh sống ở Canada có khi còn uống cà phê tốt hơn người Việt chúng ta. Tôi vừa phân tích đơn thuần về khía cạnh dinh dưỡng.
Và trên thực tế, clip về trước, trong, sau cuộc giao đấu kéo dài tổng cộng khoảng 7,8 phút, trong đó cuộc giao đấu chỉ khoảng 2 phút. Trước trận, đôi bên cũng đã trò chuyện với nhau. Sau khi bị tôi đánh bại, ông ấy và tôi còn tiếp tục trao đổi, diễn giải với nhau bình thường. Tôi còn nói rằng tôi bị chấn thương ở chân nên không đạt phong độ tốt nhất. Lúc ấy, thông qua người phiên dịch, Flores còn cho tôi số điện thoại và nói Flores tuổi Rồng, giống Lý Tiểu Long. Câu chuyện diễn ra bình thường như vậy, liệu có đủ nói lên thực tế là thể trạng của ông Flores bình thường hay say cà phê. Mọi người tự nhìn nhận và đánh giá.
|
Tôi cho rằng, ông Flores cho người đại diện gọi cho tôi, muốn gặp lại tôi là muốn xóa đi hành động của 9 năm trước. Tôi nghĩ Flores muốn hoàn thành sứ mệnh của môn phái mà ông ấy đang là thành viên, tôi cũng nghĩ Flores có lòng dũng cảm và sống có lý tưởng. Nhưng sứ mệnh ấy, lòng dũng cảm ấy, lý tưởng ấy đang bị đặt sai chỗ, cách hành xử của Flores không phù hợp. Tôi thấy tiếc vì điều đó.
Năm 2009, ông ấy đã thách đấu tất cả võ sư Việt Nam ngay tại lễ vinh danh thầy tôi (võ sư Đặng Tuấn Hải) do Trung tâm UNESCO tổ chức ở Thiên Đường Bảo Sơn – Hà Nội. Tôi nhớ câu tiếng Anh mà ông Flores đã nói ra là “fighting” – dịch ra tiếng Việt là gì, chắc mọi người thạo tiếng Anh đều biết. Tại sao một khách mời đến từ nước ngoài mà lại có thái độ ngạo mạn như vậy.
Quay trở lại Việt Nam năm ngoái, có vẻ như ông Flores đang làm bất ổn giới thể thao Việt Nam nói chung và võ thuật Việt Nam nói riêng. Có khá nhiều người thách đấu ông nhưng Flores lại chỉ chọn hai người già và yếu hơn mình. Có thể hiểu, động cơ của ông không phải giao lưu học hỏi, mà chỉ muốn hướng đến chiến thắng. Cá nhân tôi cho rằng, ông ấy đang lợi dụng lòng hiếu khách của Việt Nam để làm những việc chưa phù hợp.
|
Năm 2009, đòn thế của ông Flores chưa tới
* Quay lại quá khứ, anh còn nhớ cuộc giao đấu giữa anh và ông Flores diễn ra như thế nào không. Nếu có thể, xin anh tự chấm điểm bản thân mình cũng như nội lực và võ công của ông Flores?
Võ sư Tuấn “hạc”: Thời điểm đó, tôi chỉ nặng 68 kg, chiều cao 1m78, thấp hơn Flores. Thể lực của tôi cũng không bằng vì người nước ngoài thường có thể lực rất tốt. Nhưng các biểu hiện về võ thuật của ông Flores khiến tôi hơi ngạc nhiên, sao một người như vậy mà đi ra nước ngoài thách đấu. Thông thường, các chuyển động, các bước di chuyển luôn thể hiện hết trình độ kungfu của một người tập võ. Nhưng đòn thế của Flores chưa tới, chưa thể hiện sức mạnh, thậm chí động tác khi ấy của Flores còn khác xa với môn phái mà chính Flores đang theo đuổi là môn phái Vĩnh Xuân. Kungfu của Flores không cao.
Tuy nhiên, Flores chịu đòn khá tốt dù tôi ra rất nhiều đòn. Khi Flores ngã xuống, một số người của Unesco đã ngăn tôi lại dù luật không cấm tôi ra đòn tiếp. Tôi đồng ý. Và sau đó, đôi bên còn diễn giải một số chuyện như tôi vừa kể ở trên. Tôi cũng nhớ khi đó vợ tôi đang mang bầu được 5 tháng nhưng tôi cũng chẳng kể lại cho cô ấy. Thời điểm đó, báo chí nước ta cũng chưa phát triển như bây giờ nên không có bài báo nào nói về trận đấu đó cả. Chỉ duy nhất, bên Unesco có viết về trận đấu, nhưng chủ yếu nói về thành tích của ông Flores.
Tôi đã tham gia rất nhiều trận đấu không chính thức, thắng cũng không ít, tôi cũng từng sang Israel dạy võ thuật năm 2007. Nhưng chưa bao giờ tự nhận mình là người giỏi mà chỉ tự nhận mình có số giờ tập võ thuật rất nhiều. Nghĩa là tôi tự thấy mình không có giá trị gì trong làng võ thuật Việt Nam mà tôi còn đánh bại ông Flores. Cũng có nghĩa là người thua tôi càng không có giá trị gì cả.
tin liên quan
Võ sư Tuấn 'hạc' chào đón Flores trở lại Việt NamTừng gây ầm ĩ trên cộng đồng mạng cũng như giới võ thuật Việt Nam (VN) năm 2017, ông Pierre Francois Flores (quốc tịch Chile, đang sinh sống tại Canada) đã quay lại VN và cử người đại diện liên lạc nhiều lần với võ sư Phạm Anh Tuấn (biệt danh Tuấn “hạc”, sinh năm 1979), nhằm mong muốn được gặp lại người đã đánh bại mình năm 2009.
* Trước khi đến gặp anh, tôi đã trao đổi với ông Hoàng Vĩnh Giang – Chủ tịch Liên đoàn võ thuật Việt Nam và ông có chuyển lời đến anh là Liên đoàn không cổ súy cho những trận đấu không được pháp luật Việt Nam thừa nhận nên khuyên anh không tự ý giao đấu với ông Flores.
Võ sư Tuấn “hạc”: Ông Flores sang Việt Nam, nói là với tư cách cá nhân nhưng luôn đi theo một ê kíp, một tổ chức. Ông ấy có cử người đi cùng đoàn gọi điện cho tôi và hôm nay (25.2) thì một đại đệ tử khác của võ sư Nam Anh (cũng chính là thầy của ông Flores) đang sinh sống ở TP.HCM là Nam Anh Tuấn đã gọi cho tôi, tiếp tục đề đạt ý muốn về việc Flores sẽ gặp tôi. Tôi coi đây Nam Anh Tuấn mới là người đại diện chính thức của Flores nên nói, có thể tôi sẽ gặp vào ngày 26.2.
Tôi là đã từng đi bộ đội, tôi từng là một người lính và trên hết tôi là một công dân Việt Nam nên phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Tôi không thách đấu mà sẽ nói với Flores là ông ấy muốn gì ở bản thân tôi. Tôi cần có câu trả lời rõ ràng và nếu thách đấu thì cũng phải nói rõ ràng. Nếu ông thắc mắc, tại sao một trận đấu của cá nhân mà lại phải xin phép thì tôi khẳng định, tôi không muốn phạm luật. Hơn nữa, dù tôi không có như cầu tái đấu nhưng nếu phải tái đấu, tôi cũng muốn có một trận đấu đoàng hoàng, có tổ chức để ông ấy không đưa ra những lý do như say cà phê. Trận năm 2009, ông từng thách đấu thì lần này cũng phải có lý do rõ ràng.
|
Tôi cũng không ngần ngại nói thẳng là dù tôi rất hiếu khách nhưng tôi và ông không thể là bạn. Nếu ông thách đấu, tôi sẽ xin phép cơ quan chức năng Việt Nam. Ông Flores cần đưa ra động cơ, lý do chính đáng để làm thỏa mãn tôi. Lý do đó có thể là muốn học hỏi, muốn phục thù.
Gặp lại. sau trận đấu tôi sẽ đóng cửa tập luyện. Nếu có trận tái đấu thì bất luận kết quả thế nào, kể cả tôi thua thì sau trận đấu cũng không thể ăn cơm với nhau, tặng quà cho nhau. Điều đó, với cá nhân tôi là thể hiện sự kinh hãi, bạc nhược, biểu hiện sự khuất phục. Nếu thua, tôi sẽ đóng cửa để tập luyện tiếp. Trong tập luyện và thi đấu võ thuật, thắng thua là chuyện bình thường. Thậm chí tôi cũng mong tôi thua để tôi còn học tập được ông nhiều điều. Không ai học tập người thua cả.
Bình luận (0)