"Đặt bẫy" người đi đường
Tại các tuyến phố ở trung tâm TP.Đà Nẵng, người điều khiển ô tô "đỏ mắt" tìm chỗ đậu đỗ xe. Dù những nơi này đậu xe không vi phạm luật giao thông thì cánh tài xế, người lái ô tô vẫn không thể đậu xe được vì vướng phải chướng ngại vật ngay dưới lòng đường.
Tình trạng người dân "đặt bẫy" tài xế tồn tại lâu nay, Thanh Niên từng phản ánh, nhưng gần đây lại rộ lên vì có quá nhiều "bẫy" xuất hiện dưới lòng đường. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý triệt để.
Trong ngày 17 - 18.2, PV Thanh Niên ghi nhận tại các tuyến phố ở trung tâm TP.Đà Nẵng như Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Phan Châu Trinh, Lê Duẩn, Lê Đình Lý… có rất nhiều vị trí người dân ngang nhiên dùng thùng, bê tông, trụ cứng… để "cát cứ" dưới lòng đường.
Đáng nói, trên các đường Hàm Nghi, Lê Đình Lý (Q.Thanh Khê), người dân còn dựng nhiều xe máy dưới lòng đường với mục đích không cho ô tô đậu đỗ trước mặt tiền nhà mình.
Ghi nhận thêm tại các tuyến đường nhỏ hơn ở Q.Hải Châu như đường Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu, Trưng Nữ Vương, Núi Thành…, không khó bắt gặp các vật dụng như bàn ghế, thùng rác, trụ cảnh báo cũng được người dân dựng dưới lòng đường.
Cánh tài xế gặp khổ sở khi phải đối mặt với vật cản ngay dưới lòng đường ở các tuyến phố trung tâm, nhiều tài xế là phụ nữ đã va chạm vào vật cản gây tai nạn.
Chị Trần Nguyễn Lam Phương (trú P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cho biết thường ngày khi lái ô tô di chuyển trên các tuyến phố, việc tìm chỗ đậu đỗ xe trở thành nỗi ám ảnh. Ngay ở những nơi có vạch được phép đậu đỗ xe, chị cũng khó mà đỗ xe.
"Bây giờ đậu đỗ sai chỗ, ngoài vạch thì bị phạt nặng, nộp phạt cả triệu đồng. Thế nhưng những chỗ được phép đậu xe thì người dân mang bê tông, trụ cứng, thùng nhựa chứa bê tông… ra "cát cứ" khiến tài xế khổ sở, phụ nữ như chúng tôi cầm lái thì lại càng khổ hơn", chị Phương nói.
Theo chị Phương, vào đầu tháng 2 vừa qua, trong lần lùi xe đậu đỗ ở đường Nguyễn Văn Linh có vạch đậu xe nhưng chiếc ô tô của chị đã cán vào cục bê tông gây tai nạn. Vì cục bê tông thấp, hệ thống cảm biến vật cản không thể nhận thấy để phát cảnh báo nên gầm xe bị vỡ do vướng cục bê tông. Gia đình chị đã phải chi số tiền lớn để sửa xe, bức xúc nhưng cũng không biết chuyển ý kiến đến cơ quan nào.
Điều đáng nói, mỗi hộ kinh doanh tự làm "biển cấm", có hộ "lịch sự" hơn thì in các tấm biển có dòng chữ "Không đậu, đỗ xe trước nhà", "Vui lòng không đậu, đỗ xe". Có hộ tự đặt ra quy định "cứng rắn" hơn: "Cấm đỗ xe trước nhà", "Lối ra vào, cấm đậu/đỗ xe"…
Ngược lại, những người dân mang vật cản ra chiếm cứ "giành chỗ" ở mặt tiền nhà mình cũng có lý do riêng.
Bà H., chủ quán cà phê trên đường đường Lê Đình Lý, cho biết khi thuê mặt bằng kinh doanh, giá thuê cao thấp dựa vào mặt tiền rộng bao nhiêu. Mỗi ngày, phí thuê mặt bằng hơn 300.000 đồng/ngày, nhưng ô tô đậu đỗ ở trước sẽ không buôn bán được. Biết đặt là sai nhưng phải đành bỏ vật cản xuống lòng đường để hỗ trợ chuyện buôn bán.
"Việc tranh chấp xảy ra liên tục, thử nghĩ với một người đi thuê mặt bằng kinh doanh mà cứ có xe chặn trước mặt tiền vậy sao kinh doanh được? Lơ đễnh một chút, quên không đặt vật cản là ô tô đậu che trước quán, hết buôn bán luôn. Khi nào cơ quan chức năng nhắc nhở thì tôi mang vật cản lên lề…", bà H. nói.
Phạt nặng nếu có hình ảnh ghi lại cảnh 'cát cứ' lòng đường
Tình trạng "cát cứ" lòng đường muôn kiểu thế này đã gây mất mỹ quan đô thị và gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Đã có nhiều vụ tai nạn hay cự cãi, đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ việc tìm chỗ đậu đỗ ô tô.
Ngày 10.2, TAND TP.Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Lê Hoàng Trung (35 tuổi, trú P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) về tội "Giết người". Theo cáo trạng, vào tháng 10.2021, chỉ vì tranh cãi về việc đậu xe trên đường 30 tháng 4 (Q.Hải Châu), cựu cán bộ CSGT này đã dùng súng rulo bắn đạn cao su làm 2 nhân viên bảo vệ bị thương nặng. Hậu quả, anh Lê Trương Ngọc Hiếu thương tích 16%, anh Huỳnh Văn Tính thương tích 2%.
HĐXX đã tuyên phạt Lê Hoàng Trung mức án 7 năm tù về tội "Giết người".
Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về xung đột giữa người lái xe và chủ nhà, không giữ được bình tĩnh để xảy ra xô xát dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Tài xế tên Dũng (trú H.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), đang chạy xe dịch vụ tại TP.Đà Nẵng, cho biết nhiều lần chạy xe vào khu vực trung tâm TP.Đà Nẵng đón trả khách và liên tục gặp phải cảnh xua đuổi của chủ nhà. Gay gắt hơn, có người vừa thấy ô tô dừng lại đã chạy ra chỉ mặt, yêu cầu đánh xe đi nơi khác và sau đó tìm ngay một vật dụng nào đó cát cứ lòng đường.
"Nghề tài xế khổ sở lắm, ra đường gặp phải người hung dữ, ngông cuồng thì càng khổ hơn. Có lần tôi đậu xe đúng quy định, trước cửa nhà khóa ngoài rồi ngã lưng chờ khách nhưng bị cặp vợ chồng kia đi đâu về hung dữ chửi bới khủng khiếp… Cuối cùng mình đành lo đánh xe tìm chỗ khác để tránh rắc rối", anh Dũng kể.
Ngày 18.2, đại diện Thanh tra giao thông (Sở GTVT TP.Đà Nẵng) cho biết đơn vị đã nắm tình hình người dân "cát cứ" lòng đường ở nhiều tuyến phố.
Thế nhưng, để xử lý các trường hợp đặt trụ, ghế hay cả thùng rác để lấn chiếm lòng đường rất khó. Vì khi lực lượng chức năng phát hiện có vật cản dưới lòng đường vẫn không thể chứng minh được vật dụng đó do ai đặt.
"Đơn vị nhận được nhiều phản ánh "cát cứ" lòng đường từ tài xế. Đơn vị cũng đề nghị người phản ánh cung cấp thêm hình ảnh chứng minh các hộ dùng vật dụng lấn chiếm lòng đường, hình ảnh thấy rõ được hành vi để lực lượng chức năng xử phạt nặng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhiều lần đề xuất lãnh đạo các phường, xã hay tổ trưởng dân phố vận động, tuyên truyền người dân để giảm tình trạng lấn chiếm lòng lề đường với bất kỳ mục đích gì", lãnh đạo Thanh tra giao thông TP.Đà Nẵng nói.
Xung đột lợi ích này sẽ còn kéo dài, khi trung tâm TP.Đà Nẵng vẫn chưa có đủ bãi đỗ xe công cộng đáp ứng nhu cầu người đi đường. Đây cũng là bài toán khó ở đô thị lớn của miền Trung, khi mật độ ô tô lưu thông khá lớn.
Bình luận (0)