Võ Văn Kiệt - Người tiên phong: ‘Khai sinh’ nhà máy lọc dầu Dung Quất

Võ Văn Kiệt - Người tiên phong: ‘Khai sinh’ nhà máy lọc dầu Dung Quất

14/11/2022 14:43 GMT+7

Bây giờ, khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đưa tỉnh Quảng Ngãi vào danh sách những tỉnh thu ngân sách hàng chục ngàn tỉ mỗi năm, nhiều người mới nhìn nhận tính đúng đắn khi chọn địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của nước ta. 28 năm trước, năm 1994, chẳng mấy người nhận ra điều đó, trừ Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Tầm nhìn xuyên thời gian

Vào tháng 6.2005, tại kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XI, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có một lá thư gửi Quốc hội, trong đó ông khẳng định rằng, nếu cho ông chọn lựa lần nữa thì ông vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước.

Thời điểm đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất chuẩn bị triển khai xây dựng sau 11 năm kể từ ngày Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 658/QĐ-TTg về địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 và quy hoạch khu kinh tế trọng điểm miền Trung.

Toàn cảnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất

BSR

Để đi đến quyết định này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phải trải qua nhiều đắn đo trước rất nhiều ý kiến trái chiều, kể cả một số nhà khoa học cho rằng, xây nhà máy lọc dầu tại Dung Quất là một bài toán mạo hiểm.

Tại nhiều kỳ họp Quốc hội trước đó, mỗi khi bàn đến việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên cho Việt Nam, nghị trường lại nóng lên trước những ý kiến bất đồng. Nhiều người đề nghị là nên xây nhà máy lọc dầu tại Long Sơn (Vũng Tàu) cho… gần mỏ dầu để tiết kiệm chi phí vận chuyển. Vả lại, Dung Quất thuộc địa bàn H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) là một bãi đất trống, lại ở xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, hạ tầng quá kém nên việc đặt nhà máy lọc dầu ở Dung Quất sẽ gặp nhiều bất lợi…

Thủ tướng Võ Văn Kiệt lắng nghe tất cả các ý kiến ủng hộ lẫn phản biện chung quanh dự án này. Cuối cùng, ông đi đến quyết định “chọn Dung Quất” để xây dựng dự án lọc dầu đầu tiên của đất nước. Ông không nhìn nhận lợi nhuận từ lọc dầu một cách đơn thuần mà nhìn dự án trên một tổng thể phát triển chung của đất nước.

Theo Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhà máy lọc dầu đặt tại Dung Quất như một đòn bẩy vực dậy nền kinh tế cho cả miền Trung, chứ không chỉ đơn thuần là lợi nhuận mang lại mỗi năm bao nhiêu. Và ông Kiệt đã đúng với quyết định của mình.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát vịnh Dung Quất, năm 1994

ĐĂNG LÂM

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là thế, luôn quyết đoán và mang một nhãn quan chiến lược cho toàn vùng chứ không mang tính cục bộ. Trước đó, miền Nam là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nhưng luôn thiếu điện, trong khi miền Bắc lại thừa điện sau khi thủy điện Sông Đà hoàn thành.

Bằng những lý lẽ khoa học, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định làm đường dây 500 kV xuyên qua những địa hình “không tưởng” ở Trường Sơn, trước những cặp mắt nghi ngờ cho rằng đây là một cuộc phiêu lưu. Ông đã đánh cược sinh mệnh chính trị của mình vào đường dây điện có chiều dài hơn 1.400 km này. Và ông đã đúng. Hiệu quả của việc kéo điện vào Nam, sau gần 30 năm, vẫn còn thời sự là thế.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt băng qua Vạn Tường để nhìn vịnh Việt Thanh

ĐĂNG LÂM

Dấu chân xây dựng

Trở lại với dự án lọc dầu. Trước khi đi đến quyết định chọn Dung Quất để xây dựng nhà máy lọc dầu, ông Võ Văn Kiệt không chỉ nghe các chuyên gia góp ý với ông về điều hơn lẽ thiệt khi triển khai dự án này mà đích thân ông vào tận Dung Quất để nhìn tận mắt, nghe các nhà khoa học “báo cáo nóng” tại chỗ.

Còn nhớ mùa hè năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có chuyến thăm Quảng Ngãi, thực chất là đi thị sát Dung Quất. Ông đi ô tô từ Đà Nẵng vào, tới Dốc Sỏi là đi thẳng xuống Dung Quất chứ không vào TX.Quảng Ngãi để làm việc với tỉnh như mọi lần. Một chiếc ca nô được bố trí sẵn tại vùng biển mũi Co Co, chỗ cảng xuất dầu hiện nay, để đưa Thủ tướng cùng đoàn tùy tùng chạy một vòng quanh vịnh Việt Thanh.

Cứ đi một quãng trên biển, ông lại hỏi những chuyên gia đi cùng về các vị trí “chiến lược” dự định sẽ triển khai các gói thầu của nhà máy lọc dầu. Hỏi cặn kẽ, rất chi tiết, có phân tích bằng những số liệu chứ không phải nói cho “xuôi tai” vì ông Kiệt hay hỏi ngược lại nếu ông chưa thông tỏ một chỗ nào đó.

Kho chứa hàng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất

BSR

Dung Quất dạo đó còn là một cái tên xa lạ - xa lạ ngay với người dân xã Bình Thuận vì họ chỉ quen gọi Vũng Quít mà thôi. Gần như không có đường dành cho ô tô, chỉ bời bời cát trắng. Đập vào mắt Thủ tướng là những ngôi nhà tạm bợ nép mình bên những bụi gai xương rồng cùng cảnh lam lũ của người dân nơi này. Thú thật, thoạt nhìn cảnh ấy, nếu không có một nhãn quan chiến lược và một tấm lòng với người dân nghèo khó, thì cũng không dễ để đưa ra một quyết định khó khăn đến vậy.

Chưa hết, Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn ghé xã Bình Hải để nghe người dân phản ảnh tâm tư của họ nếu như có dự án lọc dầu triển khai tại vùng này. Không phải chỉ là những tâm tư mang tính hồ hởi phấn khởi cả đâu, mà là những câu hỏi khó của người dân dành cho vị Thủ tướng của mình. Chẳng hạn như chúng tôi có phải di dời nhà cửa đi không ? Khi nhường ruộng vườn để xây nhà máy thì lấy gì sống ?...

Những câu hỏi như thế không dễ trả lời, nhất là khi dự án vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức. Sau khi nghe tâm tư của dân, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghé thắp nhang tại nghĩa trang liệt sĩ Bình Hải, sau đó ông đi xuyên qua những ngọn đồi đầy gai và bụi đỏ để nhìn vịnh Việt Thanh từ Vạn Tường. Hôm đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ nghe nói đến “trận Vạn Tường” vang dội, lần đầu tiên chúng ta đương đầu với một lực lượng tinh nhuệ gồm hải lục không quân của Mỹ từ Chu Lai (Quảng Nam) vào.

Ông đi trên đất Vạn Tường hôm đó, một mặt là để nhìn Dung Quất ở một góc khác, một mặt ông muốn nghe lại những âm thanh vang vọng của một chiến công lẫy lừng nhất trong lịch sử chống Mỹ!

Sơ đồ mặt bằng bố trí Nhà máy lọc dầu Dung Quất

BSR

Có thể hôm đó không ai nói với Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng, hơn 500 năm trước, vào mùa xuân năm 1471, một đấng minh quân - vua Lê Thánh Tông cũng đã đặt chân lên mảnh đất này, mở đầu cho cuộc chinh Nam để mở mang bờ cõi đất nước. Hai dấu chân của hai vị nguyên thủ quốc gia cách nhau hơn 500 năm, một dấu chân mở đất và một dấu chân xây dựng đã gặp nhau tại mảnh đất Vạn Tường.

Đấy là một sự kỳ ngộ của lịch sử mãi mãi làm ngỡ ngàng bao lớp hậu thế.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất được xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất, thuộc địa bàn các xã Bình Thuận và Bình Trị, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người ký quyết định về địa điểm xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, vào năm 1994 trong giai đoạn ông làm Thủ tướng (1991 - 1997).

Nhà máy có công suất chế biến: 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Theo Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 17.8.2009 (sau khi hoàn thành công tác xây dựng và chạy thử nhà máy): Phê duyệt tổng mức đầu tư là 3,053 tỉ USD, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.

Khởi công vào ngày 28.11.2005, đến ngày 6.1.2011 (gần 6 năm thi công), Nhà máy lọc dầu Dung Quất được khánh thành. Nhà máy hiện do Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý - nơi cung cấp khoảng 30% sản phẩm xăng, dầu cho thị trường trong nước.

Tháng 11.2022, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nâng công suất lên 112% (đây là lần tăng công suất thứ 5 trong năm 2022) để góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu cho đất nước.

Võ Văn Kiệt - Người tiên phong

Lãnh đạo đất nước cải cách và hội nhập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.