Những ngôi nhà cao tầng cùng một kiểu dáng, cùng một màu sơn cứ đua nhau mọc lên sừng sững. Đến cả những giỏ hoa ở ban công cũng cùng loại, nở cùng mùa. Cả xóm chỉ còn lại những người đàn ông ở nhà chăm cha mẹ già, con nhỏ. Phụ nữ đều đã đi xuất khẩu lao động suốt nhiều năm nay. Hằng tháng họ gửi tiền về trang trải cuộc sống và lo cho lũ nhỏ học hành. Tiền dư ra đàn ông thường không biết cất ở đâu nên đua nhau sắm sửa. Từ chiếc ti vi màn hình lớn, xe máy đắt tiền, điện thoại đời mới đến mua đất xây nhà. Vài quán rượu mọc lên. Chiều đến đàn ông túa ra từ những ngôi nhà ngồi vắt chân lên ghế tán phét. Chén chú chén anh say xỉn mới khật khưỡng trở về nhà. Bọn nhóc ngồi xem ti vi màn hình lớn. Chỉ có những người già đơn độc thường chẳng biết làm gì vào lúc đợi cơm chiều…
Huy lết được người về đến nhà là đổ uỵch xuống đất nằm thẳng cẳng ngáy o o. Bà cụ thở dài kêu mấy đứa cháu ra khiêng bố lên giường, nằm đất lạnh cảm như chơi. Tụi nhỏ ì ạch đứa cầm tay đứa khiêng chân, nhăn nhó vì mùi rượu phả ra nồng nặc. Bọn trẻ chẳng buồn than thở vì chuyện này xảy ra như cơm bữa, bố chúng thường uống rượu thay cơm. Rượu ở làng này nhiều hơn tất cả mọi thứ. Nhà nào cũng vài bình rượu ngâm với đủ loại từ bìm bịp, rắn, củ đinh lăng, đến những thang thuốc đắt tiền nhờ mua của người dân tộc. Bố chúng thường mang rượu ra khoe mỗi khi khách đến nhà. Mà khách của bố cũng toàn bợm rượu. Tam thất này không phải loại bán mấy trăm, mấy triệu đâu nhé. Tam thất này là tam thất mọc trên núi đá. Củ buông dài theo sườn núi. Mỗi một đốt là một năm tuổi. Củ của tôi mười ba đốt tức mười ba năm tuổi. Hiếm cực. Đâu phải cứ có tiền là mua được. Rượu quý phải rót từ từ. Nhưng lúc đã ngấm men Huy thường rót ào ào. Cũng phải thôi, có một củ tam thất mười ba đốt thì gã đã ngâm qua mười ba lần rượu. Chắc phải nhạt dần…
Huy tỉnh dậy lúc nửa đêm, đầu biêng biêng, cổ họng khát khô. Gã cúi đầu dưới vòi nước xả ào ào. Nước lạnh làm gã tỉnh táo hơn. Gã lờ mờ nhớ ra cuộc rượu hồi chiều ở nhà bạn. Rượu gì mà nặng chết người. Uống vào đến đâu ngấm đến đấy. Phải kiếm cái gì đó bỏ vào bụng trấn áp cơn đói muốn cào xé ruột gan. Huy xuống bếp lục cơm nguội vấp phải hình ảnh Thảo tảo tần đang gù lưng thổi lửa, thái rau, làm bánh, rang cơm. Sau cơn say gã vẫn thường nhớ vợ như thế. Nhớ những năm tháng cơ hàn vợ chồng quấn quýt bên nhau. Vợ gã đi xuất khẩu lao động ngót nghét đã mười năm. Kể từ khi thằng út học lớp 1, giờ đã thành chàng trai tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Những lần Thảo về thăm nhà chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mười năm gà trống nuôi con, nỗi cô đơn ấy nếu không mượn rượu thì dễ gì sống cho hết ngày rộng tháng dài. Ngồi nhai cơm nguội với cá khô, mắt gã cay xè. Tiếng mẹ già ho khùng khục trong buồng gã mới giật mình nhận ra gió mùa về. Se lạnh.
Vợ gã là người đàn bà hiền lành, từ bé đến lúc lấy chồng chẳng đi đâu ra khỏi lũy tre làng. Đùng một cái vay vốn đi xuất khẩu lao động. Kiếm được đồng tiền nơi đất khách quê người chẳng dễ dàng gì. Gã biết chứ nhưng cái khó bó cái khôn. Nhà cửa dột nát, con cái học hành tốn đủ khoản chi tiêu. Có cơ hội mà không nắm bắt biết bao giờ mới ngẩng đầu lên được. Đời mình khổ đã đành, không lẽ để đời con khổ. Tưởng chỉ đi ba năm rồi về nhưng trừ chi phí tiền chẳng còn là bao. Phụ nữ trong làng lại bảo nhau ký hợp đồng gia hạn. Gã đã nhiều lần giục vợ về, kiếm tiền thế đủ rồi. Trả xong nợ, cửa nhà cũng đàng hoàng. Còn dư trăm triệu để làm vốn buôn bán, xoay xở kiểu gì chẳng sống được. Sao phải sống cảnh vợ chồng con cái xa nhau biền biệt? Nhưng Thảo không chịu. Đi ra ngoài thu nhập đều đặn đã quen, giờ sợ về quê vất vả mà lại chẳng làm gì ra hơn chục triệu một tháng. Đàn bà làng này đã đi là đi biền biệt. Đàn ông thành kẻ giữ nhà.
* * *
Bà cụ ngồi vặt rau ngoài hiên thấy Huy định ra khỏi nhà thì nạt “Lại đi. Lại uống. Lại say. Cứ thế bảo sao cái Thảo nó không muốn về”. Huy không nói gì, xách ít cá khô mang làm mồi rượu. Một ngày không có rượu là người cứ thấy thiêu thiếu, chân tay buồn bực. Uống một mình thì chán, các cụ nói rồi “rượu ngon phải có bạn hiền”. Nên đàn ông xóm này qua nhà tìm nhau từ sáng sớm. Cuộc rượu có khi kết thúc sớm cũng có khi tràn qua trưa, dây dưa đến tận chiều. Rượu say ông này chửi ông kia bám váy vợ. Chửi qua chửi lại thề chẳng bao giờ nhìn mặt nhau nhưng sau cơn say lại đâu vào đấy. Uống ở nhà bị con cái nói ghê quá thì lôi nhau ra quán. Quán nằm trên đê giờ nào cũng mở, chỉ cần đĩa lạc rang, ít lòng lợn là lai rai mệt nghỉ. Cứ đến tháng thì lên ngân hàng nhận tiền vợ gửi về. Đều như vắt chanh. Rủng rỉnh được vài ngày thì cháy túi. Lại vay mượn chắp vá đâu đó chi tiêu. Ngày nào cũng nhìn cuốn lịch trên tường đếm từng ngày…
Đi làm trong nhà máy được sáu năm, Thảo nhảy ra ngoài đi giúp việc cho nhà người ta ở bên Đài Loan. Bốn năm nay Thảo không về nhà, vì nhà chủ không cho về. Thảo mà về thì lấy ai trông bà già tám mươi tuổi nằm liệt giường. Đấy là chưa kể biết bao công việc nhà. Anh chị chủ bận bịu lắm không có thời gian chăm sóc gia đình. Nên mỗi lần đòi về thăm nhà ít hôm là họ dúi vào tay Thảo ít tiền cười xuề xòa. Thảo một phần vì ngại, một phần vì nghĩ số tiền thêm thắt đó bằng cả tháng lương chứ ít ỏi gì. Đủ để đóng học cho hai đứa con, tiền thuốc thang cho bố mẹ già. Có khi nghĩ số tiền này làm ruộng bao giờ cho ra, đong được vài tấn lúa chứ chả đùa. Có hôm say Huy nói với đám bạn rượu rằng gã đã không còn nhớ nổi mặt vợ mình. Ai mà tin. Đến chính gã cũng không tin có lúc ngồi cả buổi mà chẳng thể hình dung ra khuôn mặt vợ. Chỉ nhớ cái dáng tần tảo, lưng áo đẫm mồ hôi, hôm nào cũng đòi gã kê tay cho ngủ. Các con nghe thấy thì cười bảo “Thỉnh thoảng mẹ vẫn gọi về đấy thôi. Mặt mẹ lù lù trên màn hình mà bố kêu không hình dung nổi”. Gã không biết nói sao cho con hiểu. Suốt bao năm xa xôi dường ấy. Không được vuốt tóc, cầm tay, vợ chồng cứ như sống trong hai thế giới. Mà thôi nói để làm gì, trong mắt các con gã chỉ là một ông bố suốt ngày say khướt. Vậy mà gã tưởng đâu nhớ nhung vốn là trạng thái đặc quánh của những gã say…
Vậy mà đùng cái Thảo nhắn sẽ về. Không phải về chơi mà là về thật. Dĩ nhiên gã không tin. Bao nhiêu lần hứa hẹn rồi lại chẳng về. Sau mỗi lần như thế gã lại say hơn. Có bao nhiêu tiền đều ném vào tiên tửu. Mẹ già thường hỏi “Chừng nào mới thôi ngật ngưỡng?” Gã cười “Thì chừng nào vợ con về rồi tính”. Bà cụ nghe xong chỉ biết thở dài. Đâu phải chỉ mình con bà, đàn ông ở cả làng này thiếu bàn tay vợ đều thành ra nhếch nhác, vật vờ. Các cụ ví đàn ông như cái nóc nhà. Nếu vậy đàn ông ở xứ này đều là nóc nhà mục nát, ngả nghiêng. Gã nghe thấy thì chỉ lên trần nhà cười “Nhà đổ mái bằng thì còn lo gì mục nát mẹ ơi?” Bà cụ chỉ biết than trời. Đã nhiều lần bà khuyên con dâu nên về nhà. Tiền thì quý thật đấy nhưng làm sao quý bằng hạnh phúc gia đình. Bao nhiêu năm không biết đến bữa cơm nhà là thiệt thòi của người làm vợ, làm mẹ. Rồi mấy chốc mà già. Ngó lại đời mình thấy mấy ngày được sống vui vẻ bên con? Suốt quãng đời trưởng thành của con vắng đi sự yêu thương chăm sóc từ bàn tay mẹ. Tiền nhiều mấy cũng có đáng để đánh đổi không?
Thảo về thật. Mái tóc nhuộm vàng hoe xơ xác búi tó trên đầu. Khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi, Thảo nói về quê nuôi lợn cho nhàn. Nuôi lợn đâu có nhàn. Chỉ có điều bưng bát cơm ở xứ người nhiều khi chan nước mắt mà ăn. Đồng tiền kiếm cực vậy mà chồng ở nhà mang ném vào cuộc rượu. Buồn chứ sao không. Thảo về là nhà khác hẳn. Gọn gàng và chộn rộn hẳn lên. Từ sáng đến chiều Huy không dám xách mồi đi uống rượu. Bạn rượu cũng không dám gọi điện hay qua nhà rủ rê. “Vợ nó về” đấy là câu nói cửa miệng mỗi khi trong cuộc rượu có ai hỏi “Huy đâu?”. Đi ra đường ai gặp gã cũng khuyên “Vợ về rồi chí thú làm ăn. Cứ rượu nữa nó bỏ đi biệt xứ là khổ đấy”. Gã cười hiền khô. Nghiện rượu đâu dễ gì bỏ được. Ngày ba bữa là ba ly rượu nhỏ, vợ cho phép uống. Buồn bực chân tay thì vợ giao việc cho làm. Bạn rượu gặp nhau hỏi vợ về có thấy vui không? Gã gãi đầu cười “Vui chứ sao không. Đỡ mệt”.
Người ta thấy từ ngày Thảo về đến lửa bếp cũng biết reo vui. Những bữa cơm ấm cúng không còn nồng mùi rượu. Con thì chỉn chu học hành, chồng cũng bắt đầu biết lo biết liệu. Một quán tạp hóa nho nhỏ mọc lên, bạn rượu cũ đi qua thấy Huy đang lúi húi lấy hàng cho khách. Nên khối người cũng ngồi mong ước gì vợ mình về. Không buôn thúng bán mẹt thì nuôi lợn, trồng rau, kiểu gì chẳng sống. Thảo về rồi chắc sẽ có nhiều người đàn bà về nữa...
Bình luận (0)