Vodafone thừa nhận tìm thấy 'cửa hậu' trong thiết bị Huawei

Thu Thảo
Thu Thảo
30/04/2019 18:25 GMT+7

Nhiều tháng qua, Huawei Technologies đối mặt với cáo buộc từ Mỹ về việc vi phạm lệnh trừng phạt Iran, ăn cắp bí mật thương mại từ đối tác kinh doanh và có thể cho phép Trung Quốc gián điệp nước ngoài thông qua thiết bị mạng.

Giờ đây, Vodafone thừa nhận với Bloomberg rằng họ tìm thấy nhiều lỗ hổng trong thiết bị do Huawei cung cấp cho hoạt động kinh doanh của nhà mạng tại Ý nhiều năm trở lại đây. Dù Vodafone cho hay vấn đề hiện đã được giải quyết, tiết lộ này vẫn có thể làm tổn hại danh tiếng biểu tượng sức mạnh công nghệ toàn cầu của Trung Quốc.
Nhà mạng lớn nhất châu Âu xác định cửa hậu ẩn trong phần mềm thiết bị Huawei, có thể cho phép hãng Trung Quốc truy cập trái phép vào mạng cố định của Vodafone ở Ý. Đây là hệ thống cung cấp dịch vụ internet đến hàng triệu gia đình và doanh nghiệp, theo tài liệu tóm tắt an ninh mà Vodafone đưa ra từ năm 2009 đến năm 2011.
Biểu đồ cho thấy các nước đã cấm, có thể cấm, có thể không cấm và hoàn toàn chào đón hàng viễn thông Huawei. Các nước đã cấm hàng Huawei chiếm gần 1/3 GDP toàn cầu Ảnh: Bloomberg
Vodafone sau đó yêu cầu Huawei loại bỏ cửa hậu trong bộ định tuyến internet gia đình vào năm 2011, nhận được sự đảm bảo từ hãng Trung Quốc rằng vấn đề được khắc phục. Tuy vậy khi thử nghiệm thêm, hãng châu Âu nhận ra lỗ hổng bảo mật vẫn còn. Ngoài ra, họ còn xác định cửa hậu trong nhiều phần của mạng truy cập cố định được gọi là nút dịch vụ quang, chịu trách nhiệm chuyển lưu lượng internet qua các sợi quang, và bộ phận khác gọi là cổng mạng băng thông rộng, chuyên xử lý xác thực thuê bao và truy cập internet.
Cửa hậu, theo thuật ngữ an ninh mạng, là phương pháp bỏ qua các kiểm soát an ninh để truy cập vào hệ thống máy tính hoặc dữ liệu được mã hóa. Dù các cửa hậu có thể phổ biến trong một số thiết bị và phần mềm mạng vì nhà phát triển tạo ra chúng để quản lý sản phẩm, chúng có thể bị kẻ tấn công khai thác. Trong trường hợp của Vodafone, rủi ro bao gồm bên thứ ba có quyền truy cập vào máy tính cá nhân và mạng gia đình của khách hàng.
Năm ngoái và năm nay, khi bị chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc các vấn đề xoay quanh đến an ninh và gián điệp nhà nước, Huawei đều phủ nhận. Họ cho biết thiết bị của mình không có cửa hậu và doanh nghiệp không có nghĩa vụ gián điệp theo ý của Bắc Kinh.
Thị phần thị trường viễn thông của Huawei tăng 8% từ năm 2013 đến năm 2018 Ảnh: Bloomberg
Dù tìm thấy cửa hậu và lo ngại về chuyện an ninh của thiết bị Huawei nhưng Vodafone vẫn có hợp đồng với hãng Trung Quốc. Thực tế này nhấn mạnh thách thức mà Mỹ phải đối mặt trong nỗ lực cản trở nhà cung ứng thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới kiêm nhà sản xuất smartphone thứ nhì toàn cầu. Huawei đang cạnh tranh với nhiều cái tên châu Âu trong làng mạng, chẳng hạn như Nokia và Ericsson, để chuẩn bị cho thế hệ mạng di động kế tiếp 5G.
Vodafone không những có hợp đồng với Huawei mà còn cố gắng bảo vệ hãng này trước nỗ lực cấm cản từ phía Mỹ. Washington đặt châu Âu, thị trường lớn nhất bên ngoài Trung Quốc của Huawei, trước thế khó của cuộc chiến thương mại, công nghệ Mỹ - Trung. CEO Vodafone Nick Read cùng nhiều đồng nghiệp lên tiếng phản đối bất kỳ lệnh cấm nào với Huawei tại các buổi ra mắt 5G, cảnh báo chi phí cao và sự chậm trễ trong việc triển khai mạng. Thực tế này cho thấy các nước trên khắp châu Âu sẵn sàng nhận rủi ro xích mích một chút với Mỹ trên đường chuẩn bị 5G.
Trong văn bản gửi Bloomberg, Vodafone cho hay hãng tìm thấy lỗ hổng với bộ định tuyến ở Ý vào năm 2011, làm việc với Huawei để giải quyết vấn đề trong cùng năm. Không có bằng chứng cho thấy dữ liệu đã bị xâm phạm. Hãng cũng xác nhận lỗ hổng với cổng mạng băng thông rộng do Huawei cung cấp tại Ý năm 2012 và vấn đề cũng được giải quyết cùng năm. 
Nhân viên nhà mạng EE kiểm tra thiết bị 5G của Huawei tại Anh, ảnh chụp tháng 3.2019 Ảnh: Bloomberg
“Trong ngành công nghiệp viễn thông, không lạ khi các lỗ hổng trên thiết bị từ nhà cung ứng được bên thứ ba hoặc các nhà khai thác mạng xác định. Vodafone xem vấn đề an ninh, bảo mật cực kỳ nghiêm túc và đây là lý do vì sao chúng tôi kiểm tra độc lập thiết bị mà chúng tôi triển khai, phát hiện xem có lỗ hổng nào như thế tồn tại hay không. Nếu lỗ hổng tồn tại, Vodafone hợp tác với nhà cung ứng để nhanh chóng giải quyết”, Vodafone tuyên bố. Về phía Huawei, hãng thừa nhận các lỗ hổng được tìm thấy trong năm 2011, 2012.
Tuy vậy, trách nhiệm của Vodafone trong vấn đề này vấp phải sự tranh cãi. Các lỗ hổng trong bộ định tuyến và cổng mạng truy cập cố định tồn tại sau năm 2012, cũng có mặt trong hoạt động kinh doanh của Vodafone ở Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Vodafone vẫn dùng hàng Huawei vì dịch vụ của hãng này có giá cạnh tranh. Eric Evenchick, chuyên gia tư vấn nghiên cứu tại Atredis Partners, cho hay cửa hậu phổ biến trong bộ định tuyến tại gia nhưng thường được sửa chữa bởi nhà sản xuất một khi bị phát hiện.
Huawei ra đời năm 1987, bước vào thị trường châu Âu năm 2000. Hãng có hợp đồng lớn đáng chú ý với BT Group của Anh, TeliaSonera của Na Uy, vượt thị phần mà Ericsson và Nokia đang nắm. Vodafone bắt đầu mua bộ định tuyến wifi của Huawei từ năm 2008 cho hoạt động kinh doanh ở Ý, sau đó mua cho hoạt động kinh doanh ở các nước Anh, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.