Với thơ, ẩn mật chính là tường minh

03/10/2022 13:12 GMT+7

Đó là một buổi chiều hình như là cuối tháng 3.2006, cách đây đã 16 năm. Chiều đó, tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Khoa Điềm , anh nói mình mới vào Quảng Ngãi , mời tôi đến khách sạn Mỹ Trà chơi.

Tôi và nhà báo Trần Đăng ra khách sạn Mỹ Trà thăm anh Điềm, chuyện trò đủ thứ nhưng tôi không hỏi chuyến này anh vào Quảng Ngãi làm gì. Đó là thời điểm anh Điềm sắp nghỉ hưu, nhưng vì anh đương chức, nên thấy công an bảo vệ khá rầm rộ. Chiều đó, khi ăn cơm với nhau và với mấy anh lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, tôi vẫn chưa biết mục đích chuyến đi của anh Điềm.

Chỉ khi anh Nguyễn Khoa Điềm kết thúc chuyến đi, tôi mới biết, anh vào Quảng Ngãi chỉ để về Đức Phổ, lên vùng rừng chiến khu Đức Phổ giáp Ba Tơ, nơi từng đặt trạm xá của chị Đặng Thùy Trâm. Ngồi lặng trước căn hầm chống bom dành cho thương binh, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã lặng lẽ nhớ về người bạn học cũ của mình ở trường Chu Văn An. Và bài thơ Ngày về có lẽ được anh viết ngay buổi tối hôm đó. Một bài thơ đứng vào hàng buồn nhất trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Và theo tôi, đó cũng là bài thơ đứng vào hàng hay nhất của thơ anh.

Nguyễn Khoa Điềm

Ngày về

Kính tặng chị Thùy Trâm

Ngồi lại nghe chị nói gì trong đất
Cùng cây giang, cây dẻ của ngày xưa
Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt
Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ...

Người bạn gái gục trước lằn đạn lửa
Một sườn đồi cháy nát dưới ban trưa,
Giờ xanh ngắt một cánh rừng khép ngủ
Lá im che những đau đớn không ngờ

Dòng nhật ký cuối cùng đã viết

Giọt máu cuối cùng cũng trả lại đất đai
Thật bình thản, không có gì nói nữa
Cả chiến tranh và khúc hát ngày về...

Giờ yên ả thì thầm con suối nhỏ
Giờ buôn xa tiếng trẻ gọi trâu về,
Giờ xao xác cánh cò trên mặt nước
Giờ nỗi buồn theo gió cũng tan đi...

Tháng 4.2006

Khi dòng nhật ký cuối cùng của người bạn học cũ đã viết, khi “Giọt máu cuối cùng cũng trả lại đất đai”, thì bấy giờ, đối diện với nhà thơ-bạn học cũ, chỉ còn:

“Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt
Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ...”

Vào lúc ấy, cô đơn đã lên tới tột đỉnh, cô đơn của người đã chết, và cô đơn cho người còn sống. “Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt” của người bạn đã khuất, giờ cứ “Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ…”.

Câu thơ viết bằng nỗi xót xa, đau đớn, khắc khoải, bơ vơ khiến người đọc như thấy hiện lên cuộc trò chuyện trong im lặng giữa hai người bạn cũ, một người nghe và một người nói bằng âm thanh của những “cây giang cây dẻ ngày xưa”.

Thơ Nguyễn Khoa Điềm luôn né tránh sự ồn ào. Anh làm thơ trong lặng lẽ đã đành, còn công bố thơ trong lặng lẽ, và chấp nhận mọi tiếp xúc của người đọc với thơ mình cũng trong lặng lẽ. Phải chăng, đó là Cõi lặng, một tập thơ đứng vào hàng hay nhất của thơ Nguyễn Khoa Điềm, dù giải thưởng 5 năm một lần của Huế mang tên "Cố Đô" hình như chỉ đánh giá đây là tập thơ đứng vào "hạng nhì". Thôi thì giải thưởng xếp sao cũng được, chỉ người đọc xếp thơ mình trong lòng họ thế nào mới là quan trọng, phải không anh Điềm?

Chơi với anh Điềm cũng đã lâu, nhưng tôi chưa thấy, chưa nghe con người này nói lớn bao giờ. Anh nói nhỏ nhẹ, nhiều khi như thủ thỉ. Và thơ anh cũng vậy, như con người anh. Phải thành thật, buông xả và trong cuộc tới mức độ nào mới viết được những bài thơ như trong tập thơ Cõi lặng ấy.

Chúng ta thường bình tán về thơ hay, nhưng tôi nghĩ, với bài thơ Ngày về này, mọi bình tán đều không cần thiết. Chỉ lặng lẽ đọc. Và xúc động. Cuộc đời và cái chết của chị Đặng Thùy Trâm, chúng ta đều đã biết khi đọc cuốn Nhật ký bất tử của chị. Nhưng những gì chị Trâm không nói trong cuốn nhật ký, ta có thể đọc từ bài thơ nhỏ này của Nguyễn Khoa Điềm. Sứ mệnh của thơ là tường minh những gì mà các thể loại văn học khác ẩn kín, và thơ nói lên cũng bằng chính sự ẩn kín kỳ lạ của thơ, sự ẩn kín khiến người đọc yêu thơ nhận ra mà không cần bất cứ sự tường giải nào.

“Lá im che những đau đớn không ngờ”
Câu thơ cho bạn cảm nhận nỗi đau không thể nói nên lời.
Với Thơ, ẩn mật chính là tường minh.

Có những nhà thơ lớn trên thế giới làm thơ như "Dốc ra một lần, nói một lần, và nói hết", nhưng cũng có những nhà thơ, nhất là nhà thơ Việt Nam, biết làm thơ "nói như không nói", không nói hết một lần, và tường minh thơ ấy với người đọc chính từ sự ẩn mật như một kiểu nói trong im lặng với bản thân mình. Có thể coi đó cũng là một cách thể hiện mang đặc tính của người Việt, và của thơ Việt chăng?

Bài thơ Ngày về như những lời nguyện cầu thầm lặng của một người bạn cũ đang sống gửi tới một người bạn cũ đã hy sinh 36 năm trước.

Với nhà thơ, lắng nghe thật nhiều. Và nói ít.

Nhiều khi, những khoảng lặng trong thơ lại thầm nói với ta nhiều điều.

Tôi phải học những khoảng lặng đó từ thơ Nguyễn Khoa Điềm, từ bài thơ ngắn Ngày về này của anh, dù tính tôi hơi bộc trực và nhiều khi "tự do ngay cả khi cam chịu" như nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã nhận xét về tôi.

Những nhà thơ học nhau là chuyện bình thường.

Tái bút: Vào tháng 6.2012, tự nhiên tôi viết được bài thơ về chị Đặng Thùy Trâm, bài thơ nhan đề Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình. Đó là một câu trong quyển nhật ký của chị, và được chọn làm đầu đề khi quyển nhật ký của chị được dịch ra tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ. Tôi nghĩ, khi người Mỹ in cuốn nhật ký này của chị Trâm, họ đã thể hiện được niềm ân hận của mình. Một người nữ bác sĩ Việt Cộng, chỉ biết cứu chữa thương binh, cứu chữa những người dân nghèo khó ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, một người nữ dịu hiền không nỡ làm đau một con vật nhỏ nhất, lại là đích ngắm và xả súng của quân đội Mỹ hay sao?

Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình là một câu nói, nhưng ẩn chứa trong nó cả một khát vọng lớn lao của người nữ bác sĩ đã tình nguyện vào chiến trường Quảng Ngãi chỉ vì tình yêu, chỉ vì lòng thương xót, không hề vì hận thù. Xin trình bạn đọc bài thơ này của tôi, như một nỗi đau khi nghĩ về chị Đặng Thùy Trâm:

Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình

con đường mòn bước chân lặng lẽ
chị hối hả quay về trạm xá
nơi những thương binh đang chờ

có giấc mơ như mây bay nóc rừng
có giấc mơ buồn như cây cụt ngọn
có giấc mơ bé bỏng

“Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình”

vào đúng lúc chị Trâm mơ thấy hòa bình

súng nổ

những viên đạn găm vào giấc mơ

găm vào mối tình dang dở

vì sao chưa bao giờ anh Hưng kể với tôi về chị

vì sao anh muốn giấu

giấc mơ tình yêu bị đạn găm vào?

“đêm qua tôi mơ thấy hòa bình”

thấy được về ngôi nhà cha mẹ

rưng rưng bên các em mình

rưng rưng cây hoa ngày xưa cũ

bao năm cách xa vẫn một bài hát ấy

Suliko

“đêm qua tôi mơ thấy hòa bình”

súng nổ

đêm qua

chị mơ thấy

hòa bình

súng nổ

giấc mơ như mây bay nóc rừng

bé nhỏ

6.6.2012

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.