Tuy nhiên, mọi việc sẽ dễ dàng cảm thông hơn với tác giả Y Dương, nếu từ thơ, ta có sự đồng cảm; rồi qua đó, ta sẽ lại hiểu người. Câu nói “Văn là người” hoàn toàn chính xác khi áp dụng cho thể loại thơ. Vì rằng, với bất kỳ thể loại nào, người ta cũng có thể dùng thủ pháp nghệ thuật để “phù phép” giấu đi “cái tôi” nhưng với thơ thì không thể. Thơ là cảm hứng của lòng. Lòng thế nào, thơ thế ấy. Dù có thể lúc ấy, ta thể hiện còn vụng về, chưa chắt lọc nhưng cảm xúc ấy không thể giả, không thể uốn éo.
Tác giả Y Dương (phải) và nhạc sĩ Phạm Đăng Khương |
NVCC |
Chính vì thế, bản thân của thể loại thơ từ ngàn xưa đến nay đã có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với người cầm bút. Trong đời, nếu ai cũng từng nhớ đôi câu ca dao, thuộc vài câu Kiều thì chắc chắn người ấy, dù viết gì đi nữa rồi cũng có lúc tự thâm tâm bật ra tiếng thơ. Thơ đến với mọi người một cách rất đỗi tự nhiên. Người thế nào, thơ thế ấy. Khi bước vào trang thơ của Y Dương, tôi đã thấy gì?:
Con chồng không phải mẹ sinh
Vẫn thương như thể con mình sinh ra.
Thú thật, tôi có cảm tình với Y Dương chính là từ đây. Xưa nay đã có nhiều thơ ca ngợi mẹ, lần này, anh đã nhìn ở một góc độ khác. Ý tại ngôn ngoại. Câu thơ mở ra nhiều thiện cảm về người mẹ. Anh viết về mẹ ruột của anh, nếu thế, điều này bình thường; bất ngờ nhất là anh nhìn mẹ từ vai trò của người con rể. Một con người như thế, với tôi, đáng quý mến. Con người ấy, phải giàu tình cảm và sống nhân nghĩa, vì thế, trong tập thơ này những bài thơ viết về tình thầy trò, bạn bè, vợ con… đã gợi lên tâm trí bạn đọc chan chứa yêu thương. Này, đây là lúc anh nhìn lại tập lưu bút của thuở học trò:
Gió mưa mưa gió dãi dầu
Bóng người lầm lũi qua cầu phong sương
Phượng hồng ép vở còn hương
Nét chữ nguệch ngoạc yêu thương vọng về.
Câu thơ vẽ ra biết bao kỷ niệm của tháng ngày yêu dấu ấy. Làm sao có thể quên thầy cô từ năm tháng ấy đã:
Dạy nhân, lễ, tín, nghĩa, tình
Bảo ban hoàn thiện vóc hình lớn khôn
Dù cho sông cạn núi mòn
Một đời ơn nghĩa vẫn còn khắc ghi.
Và, khi đọc những vần thơ viết về gia đình, tôi đã hình dung ra con người ấy lúc cảm hứng cùng thơ đang mỉm cười tủm tỉm đấy chứ? Đáng yêu làm sao của lúc:
Con thời bốn đứa xêm xêm
Vợ chăm chu đáo, chăm thêm… ông chồng
Ta thành… thơ thẩn ngồi không
May nhờ có vợ mà lòng thảnh thơi.
Hẳn ta sực nhớ đến ông Tú Xương ngày xưa thương vợ: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng”. Cả hai gật gù với hạnh phúc đang có, tất cả đều từ vợ. Có như thế, các ông chồng mê thơ, làm thơ trên cõi đời này mới có thể dan díu cùng Nàng thơ. Rồi, như chính anh cho biết:
Vợ ta vẫn cứ nhẹ nhàng
Thoắt ẩn thoắt hiện dịu dàng chăm lo
Thực hư ta trút vào thơ
Yên tâm có vợ, ta mơ theo đời.
Với con, anh lại có những câu thơ tinh nghịch một cách hóm hỉnh:
Một thằng nói tiếng châu Phi
Thằng kia bập bẹ tiếng gì giống Nga
Thằng khác rổn rảng hét la
Từa tựa giống tiếng Chăm pa vô cùng
Thằng nọ nói hệt tiếng Trung
Thêm thằng nớ nói mông lung tiếng gì?
Vậy mà nghe rất mê ly
Bao nhiêu âm sắc vân vi ngọt bùi
Nghe con nói, ta thấy vui
Bính Đinh, Mậu Kỷ, Mẹo Mùi… búa xua.
Hai từ “búa xua” áp dụng trong tình huống này, cực kỳ nhộn. Nghe như có tiếng reo vang. Thích lắm. Không những thế, trong thơ anh dấu ấn của những ngày giãn cách do Covid -19 cũng được thể hiện. Tất nhiên, vấn đề thời sự này, thơ không thể đứng ngoài, mà, sự khác biệt vẫn là qua đó, Y Dương đã nói lên điều gì?:
Đại dịch lan nhanh, ôi, buồn biết mấy
Dù thế nào cây cỏ vẫn lên tươi
Người yêu người cùng nhau chia sẻ
Vu lan sau sẽ ấm áp tiếng cười.
Tự tình khúc của nhà thơ Y Dương (do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành) |
trần nhã thụy |
Nhà thơ Y Dương đã thể hiện nhiều cung bậc tình cảm, nhiều sắc màu khác nhau nhưng ở góc độ nào, qua thơ ta đều thấy hiển hiện sự chân thành |
Một tinh thần lạc quan. Trong sự lựa chọn ấy, tôi còn thích anh ở quan niệm đối nhân xử thế:
Không hờn không dỗi ai
Không buồn và không giận
Tâm thế nhẹ nhàng thôi
Không việc gì vướng bận
Buồn người: ta sầu não
Ghét người: ta oán ta
Niềm vui ta chọn lấy
Sống còn mấy đâu mà…
Tâm thế ấy, nhẹ nhàng quá đỗi. Sống trên đời, một khi tự ý thức như thế đã là sự an lành cho chính mình. Có thể nói tập thơ Tự tình khúc của Y Dương được anh thể hiện nhiều cung bậc tình cảm, nhiều sắc màu khác nhau nhưng ở góc độ nào, qua thơ ta đều thấy hiển hiện sự chân thành. Và, đúng như anh đã tự nhủ:
Câu thơ đồng điệu hồn ta
Tình thơ lai láng tuôn ra tự lòng
Từng dòng chân thật từng dòng
Lòng ta gửi đến tấm lòng tri âm.
Tôi tin rằng, sau khi tập thơ này của nhà thơ Y Dương được in ấn, phát hành rộng rãi sẽ có những tấm lòng tri âm tìm đến với nhau.
Những tập thơ in chung đã xuất bản của nhà thơ Y Dương:
222 Bài thơ tình (NXB Hội nhà văn); Tình thơ nối nhịp yêu thương (NXB Thanh Niên); Chắp cánh hồn Thơ Việt (NXB Hội Nhà văn); Giai điệu mùa Xuân (NXB Thanh Niên); Miền hạ nhớ thương (NXB Nghệ An).
In riêng: Tự tình khúc (NXB Hội Nhà văn tháng 8.2022).
Bình luận (0)