Việc ấy cho thấy, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẵn sàng lắng nghe thực tiễn, đón nhận nghiêm túc ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp và người dân để điều chỉnh các quy định quản lý. Điều chỉnh luôn cần thiết để loại bỏ những quy định quản lý duy ý chí, bất khả thi và không hữu ích trong thực tế. Chưa kể, nhiều khi quy định duy ý chí trở thành một sự phiền hà không đáng có với doanh nghiệp, người dân. Chắc chúng ta chưa quên hình ảnh người dân phải xếp hàng dài ở nhà mạng để chờ chụp hình. Còn nhà mạng thì nói cả năm trời cũng làm chưa xong nổi việc này.
Mà quan trọng là, những tấm ảnh đó chẳng giúp ích được gì cho việc quản lý thuê bao và trật tự xã hội trong dịch vụ mạng điện thoại di động. Cuối cùng thì tin rác cũng đầy, những cuộc gọi phiền nhiễu cũng cứ hiên ngang tấn công người dùng. Nhiều bất cập về quản lý xã hội cho thấy tấm hình chính chủ chẳng nghĩa lý gì để quản lý chủ thuê bao. Chưa kể, chiêu thức đối phó cũng thừa ra đấy nếu người dân muốn đối phó.
Còn nhớ ở thời điểm Nghị định 49 sửa đổi của Chính phủ ban hành, hàng tá lý lẽ được nêu ra đầy thuyết phục cho thấy sự cần thiết phải triển khai quy định bắt buộc chủ thuê bao điện thoại di động phải chụp ảnh chính chủ để bổ sung thủ tục đăng ký sử dụng. Và lúc đó, dù người dân và các cơ quan báo chí đã nêu ý kiến phản biện, rằng chụp ảnh là xâm phạm đến quyền riêng tư của người dân, có thể gây lộ thông tin riêng và không cần thiết do đã có chứng minh nhân dân; đối với các thuê bao đã có thông tin chính xác (như thuê bao trả sau) mà vẫn yêu cầu bổ sung chụp ảnh là không cần thiết…
Rồi giờ lại cũng có hàng tá lý lẽ được nêu ra để đề nghị bãi bỏ. Quả là đáng hoan nghênh vì Chính phủ và Bộ Thông tin - Truyền thông đã can đảm chỉnh sửa ngay chính quy định vừa mới thực hiện được vài tháng.
Nhưng cũng vì thế mà người dân không tránh khỏi một câu hỏi về chất lượng của sự cân nhắc khi các cơ quan chức năng đưa ra những chủ trương, quyết sách có ảnh hưởng đến nhiều người trong xã hội. Chẳng riêng gì chuyện chụp ảnh chính chủ này. Một chuyện khác như chuyển đổi đầu số thuê bao di động cũng gây ra không ít xáo trộn, bất tiện cũng như tốn kém cho doanh nghiệp, cho người dân.
Thôi đừng vội vàng ban hành các quy định có ảnh hưởng đến nhiều người. Quy định quản lý không thể đo bằng độ nhanh chóng lúc ban hành, mà phải bằng độ vững chãi về pháp lý, độ hợp lý về xã hội để đủ tin cậy mà áp dụng lâu dài trong thực tiễn, chứ không dễ “chết yểu” chỉ sau mấy tháng triển khai.
Bình luận (0)