Với việc đưa 140 binh sĩ sang Iraq, New Zealand thuộc diện rất ít thành viên của liên minh do Mỹ dẫn đầu trực tiếp đưa lính tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Một hình ảnh về các phiến quân IS tại Iraq - Ảnh: Reuters
|
Quyết định này được lập luận là “vì trách nhiệm của New Zealand phải hậu thuẫn ổn định và trật tự trên thế giới” hay “vì lợi ích tốt nhất của New Zealand”. Thực tế, đây chẳng khác gì cách tham gia vào một phi vụ vẫn có rủi ro nhưng hứa hẹn một vốn bốn lời.
Nhìn vào diễn biến cho tới nay của cuộc chiến giữa IS và liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu thì cảm nhận chung là chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Sự tham gia của 140 lính New Zealand hoàn toàn chưa thể làm thay đổi cục diện. Nó giống hệt như việc Anh đưa đến Ukraine mấy chục cố vấn quân sự để trợ giúp chính quyền Kiev giao tranh với lực lượng nổi dậy. Cả hai đều muốn có phần trong cuộc chơi xung quanh vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh thế giới, bỏ vốn ít nhưng lại có thể thu về lợi đơn lợi kép.
Giống như nước láng giềng là Úc, New Zealand ở rất xa chiến trường Iraq và Syria. Về phương diện tham gia chiến tranh ở đó thì New Zealand và Úc suy tính như nhau. Họ đều là đồng minh chiến lược của Mỹ, đều muốn tăng cường vị thế trong chiến lược của nước này cũng như muốn nâng cao vị thế quốc tế.
Bằng quyết định nói trên, New Zealand dùng chính cách thức của Úc để ganh đua với Úc. Có điều Úc thời gian qua đã nếm trải tác động, hậu quả và hệ lụy của việc tuyên chiến với IS. Bây giờ, New Zealand phải trực diện với rủi ro ấy.
Bình luận (0)